Thông tin từ báo cáo cập nhật mới đây, dự án Nhiệt điện Long Phú 1 bị mắc kẹt nhiều năm nay do nhà thầu Nga vướng cấm vận của Mỹ không thể tiếp tục triển khai.

1 Nhiet Dien Long Phu 1 Mac Ket Nha Thau Nga Doi Boi Hoan 630 Trieu Usd

Nhiệt điện Long Phú 1 dang dở sau 3 năm dừng thị công.

Đến nay, việc đàm phán với nhà thầu kéo dài chưa hồi kết khi nhà thầu đòi khoản bồi hoàn hơn 630 triệu USD, trong khi phía chủ đầu tư Việt Nam đưa ra con số thấp hơn rất nhiều.

Theo thiết kế, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 gồm hai tổ máy 2 x 600 MW vốn đầu tư hơn 29 nghìn tỷ đồng được xây dựng tại Sóc Trăng. Dự kiến, Nhiệt điện Long Phú sẽ phát điện thương mại Tổ máy 1 vào ngày 31/10/2018 và phát điện thương mại Tổ máy 2 vào ngày 28/2/2019.

Tổng thầu EPC là Liên danh Tổng thầu Power Machines (PM) - PTSC.

Việc triển khai dự án đang khá thuận lợi, tiến độ đạt gần 80% thì vào tháng 3/2019, nhà thầu Power Machines của Nga (PM) tuyên bố chấm dứt Hợp đồng EPC với lý do bất khả kháng vì PM bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vào ngày 26/1/2018. Sau đó, ngày 28/1/2019, PM thông báo chấm dứt hợp đồng EPC và  đến tháng 4/2019 thì rút khỏi dự án.

Từ đó, dự án rơi vào dang dở và mắc kẹt do việc thương thảo xử lý vấn đề với nhà thầu không đạt được thoả thuận. Dự án phải dừng toàn bộ, hàng chục nghìn tấn máy móc, thiết bị đang đắp chiếu trong khi chủ đầu tư xoay xở theo đuổi vụ kiện. Bên cạnh đó, các bên đã cố gắng tiến hành đàm phán hòa giải ngoài tố tụng để PM rút khỏi lui.

Trong báo cáo mới đây cho biết, sau một thời gian đàm phán, ngày 8/6/2022, phía PM đã gửi lại các tính toán chi phí và yêu cầu bồi hoàn lên tới 638 triệu USD để rút khỏi dự án.

Đây là con số rất lớn và hai bên đang có sự khác biệt, vì thế chủ đầu tư Long Phú 1 và PM đã nhiều vòng đàm phán để tìm tiếng nói chung. Chủ đầu tư Việt Nam nêu quan điểm, chỉ chấp nhận chi phí bồi hoàn khoảng 223,3 triệu USD. Trong khi đó, nhà thầu PM nhất quyết “không bị lỗ” khi rút khỏi dự án nên mọi chi phí của PM đều được PM đưa ra để yêu cầu bồi hoàn.

Ngoài ra, liên quan đến các hợp đồng thầu phụ, PM đã tạm ứng và thanh toán khoảng 160 triệu USD và PM yêu cầu bồi hoàn các giá trị này. Tuy nhiên, đến nay khoản tiền này chưa xác định được giá trị khi chuyển giao hợp đồng do quá trình đàm phán, xác định giá trị chưa thống nhất.

Tổng cộng giá trị hàng hóa, dịch vụ theo PM đề xuất là hơn 1 tỷ USD. Con số này lớn hơn cả giá trị được PM ký với chủ đầu tư theo Hợp đồng EPC là 930,68 triệu USD

Đến nay, phía Việt Nam mong muốn khi đàm phán với PM là hai bên hòa giải ngoài tố tụng để chấm dứt Hợp đồng EPC đã ký và PM rút khỏi dự án. PM rút đơn khiếu kiện về Hợp đồng EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore.

Đồng thời, để dự án tiếp tục thục thuận lợi, PM bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, vật tư, thiết bị và các hợp đồng thầu phụ của dự án để chủ đầu tư/Tổng thầu EPC thực hiện dự án.

Về chi phí trả cho PM khi rút khỏi dự án, sẽ xem xét thanh toán cho PM các khoản chi phí thực tế, có đầy đủ hồ sơ chứng từ và tạo nên tài sản cho dự án… Còn các chi phí khác tính toán theo nguyên tắc tổn thất của PM do cấm vận thì PM phải chịu.

Với thực tế kéo dài 3 năm qua, việc đàm phán giữa các bên có thể sẽ mất thêm thời gian và Thiệt điện Long Phú 1 trị giá tỷ USD sẽ tiếp tục mắc kẹt.

Ngọc Sơn

Nguồn: Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC