Những cánh thư từ người vợ đầu Đại tướng Gần như toàn bộ số thư, bà Quang Thái xưng hô bằng tên gọi là 'Giáp' với 'Thái', chỉ một số ít thư bà gọi bằng 'anh'.

 Gần 10 năm tình nghĩa vợ chồng, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái luôn sống trong xa cách. Họ trao đổi với nhau chủ yếu qua thư từ. Những bức thư ấy được một người lính già thân cận với Đại tướng biết đến. Ở đó, toát lên một góc khác, rất con người và rất đời thường của Đại tướng mà ít người biết được...

Đó là những lá thư được liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái gửi cho người yêu, người chồng Võ Nguyên Giáp từ năm 1933 cho đến năm 1936. Đây là giai đoạn hai người bắt đầu yêu nhau rồi kết hôn. Căn cứ vào ngày tháng và những nội dung trong thư cho thấy, hầu như ngày nào hai người cũng có liên lạc. Khi ấy, bà Quang Thái ở Vinh (Nghệ An) còn ông Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội.

Gần như toàn bộ số thư được bà Quang Thái xưng hô bằng tên gọi là “Giáp” với “Thái”, chỉ một số ít thư bà Quang Thái gọi người yêu, sau này là chồng, bằng “anh”. Bà kể những chuyện diễn ra xung quanh mình một cách chân tình và nói về  tình cảm đôi lứa với tư duy khá hiện đại.

Những cánh thư từ người vợ đầu Đại tướng_0

Trong một bức thư bà viết: “Giáp đi phen này, Thái ở nhà nỗi nhớ nhung khó lòng khuây khỏa lắm…”. Hay một thư khác, bà viết: “Nhờ 6 ngày nay mà Thái hiểu Giáp hơn và có ái tình mật thiết hơn xưa. Bây giờ mới đúng là ái tình chứ không phải ái tình 6 tháng trước kia…”.

Có bức thư bà kể đến cô con gái đầu lòng bằng câu chữ vừa yêu thương vừa có ý hờn trách: “... Con Anh đã ngủ từ lúc 8h. Nó vừa giở mình nằm nghiêng như người lớn… Giáp có biết lúc ở ga về Thái nghĩ gì không?... Nhớ những lần Thái tiễn Giáp ở Vinh ra Hà Nội, đi như đi 'trong mộng'. Thái không biết ai đi xung quanh mình nữa. Về ẵm con, tắm cho con rồi Thái bế nó đi rong trong nhà mãi. Nhà vắng, trời chiều, mẹ bế con rươm rướm nước mắt”.

Bức thư nào cũng thể hiện sự nhớ nhung, quan tâm của người vợ trẻ với người chồng phương xa. Vì thế, đa phần những bức thư ấy mang âm hưởng buồn mà người viết cũng tự nhận ra điều đó.

Một bức thư gửi chồng, bà Quang Thái viết: “Tối hôm qua viết dài đọc lại thấy không vui Thái lại xé bỏ. Giáp sẽ trách Thái… làm gì cũng không nhất định. Hôm nay không viết dài nữa… Ruột Thái đang rối lên đây. Óc loạn lên đây… Cơn buồn kéo đến!... Sao không bao giờ tôi viết được một bức thư vui? Buồn cười!”.

Tuy nhớ nhung, buồn thương nhưng người vợ ấy luôn một lòng hướng về chồng. Trong một lá thư hiếm hoi bà gọi chồng mình là “anh”: “Anh đã khỏe hơn chưa? Anh có mang theo gương không đấy? Hãy thử soi xem nước da có tốt hơn không?”. Một bức thư bà viết thể hiện rõ tấm lòng son sắt với chồng: “Tương lai với chúng mình khổ ư? Chúng ta có như ai mà mê giàu sang? Tinh thần, lý tưởng thì quyết bền vững, không như những thứ ái tình xốc nổi, yêu vì danh, lợi, tài, sắc”.

Người thủ thư đặc biệt

Hơn 100 bức thư của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái gửi người chồng Võ Nguyên Giáp được Đại tá Nguyễn Huy Văn (Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân) lưu giữ. Đại tá Huy Văn tuy không phải là cán bộ trong Văn phòng Đại tướng nhưng ông khá thân cận với tướng Giáp. Những năm Đại tướng còn khỏe mạnh, ông thường qua Văn phòng Đại tướng giúp việc sắp xếp tài liệu và đồ đạc.

Ông kể: “Bên ấy tài liệu nhiều quá. Một lần Đại tướng bảo tôi xếp lại tài liệu ở một cái tủ thì tôi tìm thấy những bức thư này. Đại tướng bảo tôi xếp lại và giữ cẩn thận cho ông. Tôi đã đi sao chép chúng ra và gửi lại bản gốc cho cô Hồng Anh (con gái đầu của Đại tướng và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, đã qua đời năm 2009) vì tôi nghĩ bản gốc nên để cô ấy giữ là phù hợp nhất”.

Nói về những bức thư này, Đại tá Nguyễn Huy Văn nhận xét: “Tôi thấy thư có lời văn rất hiện đại. Bức nào cũng chan chứa tình yêu đôi lứa. Thế nhưng, tôi đọc kỹ thì hiểu rằng không chỉ có tình yêu đôi lứa trong đó mà hai người còn trao đổi cả công việc. Tôi đã lưu giữ chúng rất cẩn thận trong nhiều năm qua”.
 
Đại tá Huy Văn xúc động nói về mối tình của Đại tướng với người vợ đầu: “Họ đã sống trong xa cách. Sau này, Đại tướng đi Trung Quốc, bà Quang Thái hoạt động cách mạng phải gửi cô Hồng Anh về quê. Họ chia tay nhau bên đường Cổ Ngư và xa nhau mãi mãi, vì sau đó bà Thái bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò rồi hy sinh trong tù. Bà Thái mất, Đại tướng sốc lắm! Khi về nước ông cũng rất vất vả trong việc đi tìm nơi chôn cất của bà, vì thời đó người chết trong tù (có thông tin cho rằng bà mất tại nhà thương) như thế chẳng biết phần mộ ở chỗ nào. Mãi sau Đại tướng mới tìm thấy và đưa hài cốt của bà về nghĩa trang”.

Đại tá Huy Văn cho biết, Đại tướng vốn rất quý những bức thư ấy và ông thường nói chuyện về người vợ đầu trong trăn trở. Đại tướng thi thoảng lại thở dài nói: “Anh thương chị Thái lắm!”. Câu nói ấy, tình cảm ấy với người vợ đầu được Đại tướng nhắc lại nhiều lần trong những năm sau này.

Theo Giadinh.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC