Nước đang rút dần, người dân xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa lục tục trở về nhà sau bốn ngày tránh lũ. Tất cả đều lo lắng không biết những ngày tháng tới ra sao khi “thủy thần” đã cuốn sạch mọi thứ.
Chiều 11-9, sau bốn ngày tránh lũ trên đồi Ống Khói đói khát lả người, bà Phạm Thị Linh (60 tuổi, ở thôn 13, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) trở về nhà và bật khóc trước cảnh tan hoang. Bà Linh ôm tấm ảnh trên bàn thờ của cha bị lấm lem vì nước lũ. Hôm ấy nước lũ đổ về nhanh quá, bà không kịp mang theo di ảnh cha.
Bà Phạm Thị Linh trong căn nhà tan hoang sau lũ lụt - Ảnh: Hà Đồng |
Lũ lụt đi qua, thiếu đói cận kề
Người dân ở thôn 13 cho biết hoàn cảnh của bà Linh thật đáng thương. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nhất xã vì chồng bà và ba đứa con bị tật nguyền, ốm đau bệnh tật quanh năm. Một mình bà Linh lăn lộn với mấy sào ruộng khoán nuôi chồng con trong nỗi vất vả trăm bề. Đêm 6 rạng sáng 7-9, khi nước lũ đổ về nhanh, dân quân trong thôn phải đến dỡ ngói nhà, đưa chồng con bà Linh đi tránh lũ an toàn trên đồi Ống Khói. Bốn ngày qua, gia đình bà Linh chỉ ăn mì gói sống, uống nước lọc.
Bước vào căn nhà tan hoang sau lũ, mọi thứ có thể dùng được đã bị nước lũ cuốn trôi, bà Linh nức nở: “Còn chút lúa gạo trong nhà đã bị lũ cuốn trôi hết. Lúa mùa ngoài đồng thì ngập hết, mất trắng rồi. Mấy tháng tới lấy gì mà ăn đây hỡi ông trời!”.
Anh Lưu Trọng Tình (cũng ở thôn 13) - người suốt mấy ngày qua chuyên chống thuyền đưa cán bộ, đoàn cứu trợ ứng cứu kịp thời cho bà con trong thôn - cho biết thêm: “Mấy ngày qua lũ lụt hoành hành, vợ chồng tôi cất công suốt ngày 7-9 để đưa con lợn nái sắp đẻ - tài sản lớn của gia đình - lên đồi Ống Khói tránh lũ. Do di chuyển nhiều, lại ngâm nước lũ nên đến chiều 11-9 con lợn đã chết. Con lợn này năm ngoái đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình”.
Ông Phạm Văn Hội (60 tuổi, ở thôn 3) nghẹn ngào: “Trở về nhà, nhìn ba chiếc xe máy, gần 2 tấn lúa, nhiều vật dụng trong nhà bị ngập chìm trong nước lũ mà tiếc đứt ruột. Vậy là bao nhiêu của cải, đồ dùng tích cóp cả chục năm trời mới mua được nay lũ dữ về làm hư hỏng hoặc cuốn ra sông Cầu Chày. Nông dân chúng tôi giờ lại tay trắng...”.
Tương tự, ông Đỗ Văn Phương (ở thôn 13) nhìn ra cánh đồng lúa và mía nguyên liệu đang chìm trong nước lũ suốt bốn ngày qua than thở: “Lúa mùa đang kỳ chắc hạt và chín, mía nguyên liệu đang thời kỳ phát triển mạnh để kết đường mà ngâm nước nhiều ngày thì coi như mất trắng. Những tháng tới, nhiều gia đình ở đây sẽ lâm vào cảnh thiếu đói, cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Các em Phạm Văn Tuấn, Phạm Văn Minh, Phạm Thị Ngọc Anh phơi sách vở sau lũ lụt - Ảnh: Hà Đồng |
Người dân thôn 13, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa trở về nhà sau những ngày đi tránh lũ - Ảnh: Hà Đồng |
Cổng trường hóa xa
Hiện nay ở xã Quảng Phú có nhiều gia đình có con đỗ đại học, nhưng do lũ lụt tàn phá, kinh tế gia đình kiệt quệ nên cổng trường đại học đối với con cái họ ngày càng xa vời. Ông Phạm Văn Chi (ở thôn 6) cùng con trai là Phạm Văn Bình (vừa đỗ vào Trường đại học Văn hóa - thể thao - du lịch Thanh Hóa) đang thu dọn đồ đạc sau lũ. Ông Chi cho biết: “Nhà tôi làm 3 sào rưỡi lúa, 5 sào mía nguyên liệu giờ mất trắng cả rồi. Vợ tôi lại mới đi mổ khối u ở Bệnh viện K Hà Nội, kinh tế gia đình đã kiệt quệ. Hai năm nay gia đình phải vay 25 triệu đồng từ ngân hàng để cho anh trai Bình đang học Trường Văn hóa - nghệ thuật ở Nha Trang. Năm nay Bình đỗ đại học, gặp lúc lũ lụt gây thiệt hại cho gia đình hàng chục triệu đồng nên sắp tới tôi tính bán con trâu - tài sản lớn nhất, là cơ nghiệp của gia đình để Bình tiếp tục được học đại học...”.
Nghe bố tính bán trâu cho mình đi học, Bình liền ngăn: “Con lớn rồi, xuống TP Thanh Hóa con sẽ kiếm việc làm thêm để phụ giúp bố mẹ tiền ăn học. Bố mẹ để con trâu mà kéo cày”.
Cũng như gia đình ông Chi, ông Đỗ Đình Chức ở thôn 13 có con gái là Đỗ Thị Trang vừa đậu vào khoa xã hội học Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Sau bốn ngày tránh lũ trên đồi Ống Khói trở về, ông Chức cố nhặt nhạnh vài thứ còn dùng được sau lũ dữ. “Nghe tin ở nhà bị lũ tàn phá, mất nhiều tài sản, con gái tôi cứ đòi bỏ học về kiếm việc làm thêm để phụ giúp cha mẹ” - ông Chức nói.
Đến chiều 11-9, dù mưa lũ đã dứt nhưng nước lũ bốn ngày nay rút rất chậm, Quảng Phú vẫn còn hàng trăm nhà dân ở 11/17 thôn ngập trong nước. Ngày 11-9, trời bắt đầu nắng chói chang. Mùi xú uế, hôi thối từ xác động vật chết sau lũ bắt đầu bốc lên khắp thôn xóm nơi đây.
Thiệt hại hơn 100 tỉ đồng
Ông Lê Bá Lộc - chủ tịch UBND xã Quảng Phú - cho biết: “Rạng sáng 7-9, nước lũ đổ về sông Cầu Chày rất lớn làm hệ thống đê bao quanh xã bị vỡ toang nhiều đoạn, với tổng chiều dài hơn 150m. Nước lũ làm ngập nhiều ngày hơn 302ha lúa, 305ha mía nguyên liệu, hơn 100ha ngô, hơn 100ha khoai, sắn...; làm tràn ngập 120ha ao hồ nuôi thủy sản của người dân. Toàn xã có tới 674 hộ dân (3.565 nhân khẩu) bị nước lũ làm ngập nhà cửa, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Đến nay, ước tính tổng thiệt hại ban đầu do lũ lụt gây ra cho địa phương là hơn 100 tỉ đồng”.
Trong những ngày qua, Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... đã chuyển về xã Quảng Phú hàng trăm thùng mì gói, nước uống, gạo, thuốc chữa bệnh; các đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ kịp thời cho người dân địa phương vượt qua khó khăn.
Theo Tuổi trẻ.