Kết luận điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu” nêu 3 chi tiết: Số bị can tới 54 người, số tiền đưa hối lộ hơn 140 tỷ đồng và người nhận hối lộ nhiều nhất lên tới 42 tỷ đồng.

Khi những thông tin chính thức về vụ án “chuyến bay giải cứu” được minh định trong kết luận điều tra, sự thật về số tiền đưa hối lộ, nhận hối lộ khiến nhiều người thảng thốt: “Sợ thật, kinh khủng”.

Bị can Tô Anh Dũng, với vai trò là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quá trình thực hiện công vụ đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen, liên hệ nhờ vào danh sách kế hoạch thực hiện chuyến bay combo. Kết quả điều tra xác định, ông Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng của đại diện các doanh nghiệp khi hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cấp phép thực hiện chuyến bay.

Bị can Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao với vai trò là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao nhận hối lộ 60.000 USD và 450 triệu đồng (tương đương hơn 1,8 tỷ đồng).

1 Nhung Chuyen Bay Giai Cuu Va Duong Di Cua Hon 140 Ty Dong Hoi Lo

Một số bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu"

Bị can Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội. Kết luận điều tra nêu rõ, từ ngày 7/5/2021 đến khi bị khởi tố bị can, bắt tạm giam (ngày 22/12/2022), ông Chử Xuân Dũng làm Phó Ban chỉ đạo Công tác phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội với nhiệm vụ, quyền hạn duyệt, ký chủ trương cho doanh nghiệp được đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly trên địa bàn TP Hà Nội dựa trên văn bản đề nghị của doanh nghiệp và báo cáo đề xuất của Sở Y tế Hà Nội.

Từ tháng 4- 12/2021, ông Chử Xuân Dũng đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly trên địa bàn TP Hà Nội, nhưng chỉ có 13 công ty thực hiện việc đưa công dân về cách ly trên địa bàn TP. Cơ quan điều tra xác định, ông Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Phó Thủ tướng Thường trực phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức.

Quá trình thực hiện công vụ, ông Nguyễn Quang Linh đã lợi dụng vị trí công tác giúp Công ty Lữ Hành Việt được phê duyệt 18 chuyến bay; giúp Công ty ATA, Investco được phê duyệt chuyến bay khi chưa có sự thống nhất, đề xuất của Tổ công tác 5 Bộ.

Kết quả điều tra xác định, ông Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ của Công ty Lữ Hành Việt và bị can Nguyễn Mai Anh (chuyên viên Vụ QHQT VPCP) với tổng số tiền 180.000 USD và 100 triệu (tương đương hơn 4,2 tỷ đồng).

Bị can Nguyễn Thanh Hải với vai trò Vụ trưởng Vụ QHQT, có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp phê duyệt chuyến bay combo theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Hải chỉ đạo cấp dưới nhận hồ sơ, đề xuất hoặc đồng ý theo đề xuất của chuyên viên trình lãnh đạo các cấp cho doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay; các chuyến bay cũng chưa có sự thống nhất, đề xuất của Tổ công tác 5 Bộ; từ đó nhận hối lộ của Đại diện Công ty Bluesky, Công ty Lữ Hành Việt và chuyên viên Nguyễn Mai Anh.

Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Thanh Hải đã nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,3 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Tiến Thân, nguyên chuyên viên vụ QHQT VPCP nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng. Số tiền trên, bị can Thân đã đưa cho ông Hải hơn 2,3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.

Bị can Phạm Trung Kiên với vai trò là thư ký, giúp việc cho ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã lợi dụng nhiệm vụ được giao yêu cầu doanh nghiệp phải chung chi tiền, tùy từng thời điểm mới chấp thuận chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, VPCP hoặc Bộ Y tế ký văn bản chấp thuận cho khách lẻ được về nước. Cơ quan điều tra xác định bị can Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ tới hơn 42 tỷ đồng.

Bị can Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thống nhất với ông Phạm Trung Kiên chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải chung chi tiền, tùy từng thời điểm thì mới đồng ý đề xuất cho doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay.

Kết quả điều tra xác định ông Vũ Anh Tuấn đã nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân hơn 22 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị CQĐT cho rằng, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ tiếp xúc, gặp gỡ những doanh nghiệp lớn, “thân cận” hoặc những doanh nghiệp có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp. Bà Lan không tiếp xúc, gặp gỡ với doanh nghiệp nhỏ hoặc không thân quen.

Cũng theo cơ quan điều tra, đã có 8 đại diện doanh nghiệp liên hệ đưa hơn 20 tỷ đồng và 210 ngàn USD, tổng cộng hơn 25 tỷ đồng cho bà Nguyễn Thị Hương Lan.

Bị can Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng bị cáo buộc, trong thời gian được giao nhiệm vụ giải quyết công việc liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 đã nhận 5 tỷ đồng từ một đại diện doanh nghiệp để đưa công dân về cách ly tại Quảng Nam trên 56 chuyến bay.

Bị can Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nhận hối lộ hơn 9,3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 5,5 tỷ đồng.

Bị can Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị xác định nhận hối lộ hơn 6,3 tỷ đồng và hơn 254 ngàn USD, tổng cộng hơn 12 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản có vai trò, nhiệm vụ bảo hộ công dân, nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Mai Anh, nguyên chuyên viên Vụ QHQT, VPCP nhận hối lộ 3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,8 tỷ đồng

Bị can Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh văn phòng Cục Lãnh sự dù không trực tiếp yêu cầu, đòi hỏi nhưng đại diện các doanh nghiệp liên hệ đưa 938 triệu đồng và hơn 36 ngàn USD, tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.

Bị can Ngô Quang Tuấn, nguyên chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) nhận hối lộ hơn 1,7 tỷ đồng.

Bị can Vũ Hồng Quang, nguyên Phó Trưởng phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam nhận hối lộ hơn 1,9 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng.

Bị can Trần Văn Dự, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận hối lộ hơn 7,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng.

Chỉ tính với những cá nhân bị cáo buộc nhận hối lộ nêu trên, số tiền đưa hối lộ cho những người này đã lên tới hơn 140 tỷ đồng.

Đối với hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc Phòng, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan, chuyển hồ sơ đến CQĐT Bộ Quốc phòng để điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn môi giới ‘chạy án’

Theo kết luận điều tra, ông Tuấn không có chức năng, nhiệm vụ trong việc điều tra, xử lý vụ án do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra.

Nhưng sẵn có mối quan hệ với Hoàng Văn Hưng (nguyên cán bộ công an) và với mục đích muốn giúp cho bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (TGĐ Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky) không bị xử lý hình sự.

Từ tháng 1-12/2022, ông Nguyễn Anh Tuấn đã nhận lời giúp làm trung gian và nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng, sau đó liên hệ, gặp gỡ, tác động, đưa tiền cho Hoàng Văn Hưng để “chạy án” cho bị can Hằng, Sơn.

Kết quả điều tra xác định, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội đã nhận từ bà Hằng tổng cộng hơn 2,6 triệu USD (khoảng 61 tỷ đồng) để “chạy án”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn khai đã dùng 400.000 USD, đưa cho Hoàng Văn Hưng tổng cộng hơn 2,2 triệu USD để “lo” cho Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn không bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định, chỉ có đủ căn cứ kết luận ông Hưng đã nhận 800.000 USD từ bà Hằng thông qua ông Nguyễn Anh Tuấn để “lo” cho Hằng và ông Sơn.

Hành vi của bị can Nguyễn Anh Tuấn đã phạm vào tội “Môi giới hối lộ” với số tiền môi giới hối lộ là hơn 2,6 triệu USD, tương đương 61 tỷ đồng.

Nguồn: VietnamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC