Ngành đường sắt đối mặt với nhiều rào cản khó nâng chất lượng đời sống nhân viên vì lao động dôi dư nhiều, trong khi nhiều chuyến tàu lỗ vẫn phải duy trì.

Lương 2 triệu, lao động dư hàng ngàn người

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hiện nay mức lương của cán bộ công nhân viên đường sắt khá thấp. Ở công ty mẹ, mức bình quân 8 triệu đồng/người, các công ty thành viên hơn 7 triệu.

Lực lượng lao động thủ công như công nhân gác chắn, tuần đường, công nhân bảo trì, công nhân tác nghiệp ga... lương tháng bình quân chỉ 5-6 triệu đồng.

Như công ty CP vận tải Hà Nội mức lương bình quân chỉ đạt 6,8 triệu đồng trong năm 2017. Mức lương thấp là do người lao động phải nghỉ luân phiên để có việc làm. Tại DN này có người lương tháng chỉ 2-3 triệu đồng do làm không đủ ngày công.

0 1 Nhung Chuyen Tau Thu Ve 1 Trieu Dong Tien Dau Tang Luong

Những chuyến tàu lỗ đường sắt vẫn phải chạy để phục vụ an sinh xã hội

Lương thấp, nhưng số lao động của tổng công ty Đường sắt hiện nay là 26.000 người. Điều này buộc tổng công ty đề ra chỉ tiêu để giảm lao động.

Theo Giám đốc công ty CP vận tải Hà Nội Nguyễn Việt Hiệp, công ty có gần 4.700 lao động. Theo cơ cấu vị trí việc làm, số lao động thừa khoảng gần 1.000 người. Tổng công ty đặt mục tiêu năm nay đơn vị phải giảm 450 lao động.

“Số lượng lao động phải giảm khá lớn, nhưng không giảm không được. Ngoài những người nghỉ chế độ, chấm dứt hợp đồng, chúng tôi vận động người lao động tìm việc làm mới và có sự hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ lao động của người lao động đóng góp”, ông Hiệp nói.

Cũng theo ông Hiệp, số lao động dôi dư nhiều không phải do đơn vị tuyển thêm mà do quá trình cổ phần hoá, gộp các DN lại với nhau...

Những chuyến tàu chỉ thu được 1 triệu

Ông Nguyễn Viết Hiệp cho hay, ngoài việc thừa lao động, hiện nay dù đã chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần nhưng DN vẫn phải duy trì nhiều đoàn tàu lỗ nặng, không hiệu quả về mặt kinh tế.

Cụ thể, tuyến Hà Nội - Quán Triều (Thái Nguyên) một đôi tàu chạy đi - về chỉ thu được 1 triệu đồng. Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng khá hơn cũng chỉ thu được 2-3 triệu đồng, trong khi chi phí cho xăng dầu, vận hành... thì rất lớn.

Tuyến Hà Nội - Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Nội - Hải Phòng cũng trong tình trạng tàu chạy lỗ nặng nhưng vẫn phải duy trì.

Trước thực tế này, công ty CP vận tải Hà Nội phải cắt bớt tần suất hoạt động của những tuyến không hiệu quả. Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng phải bỏ hẳn, tuyến Hà Nội - Thái Nguyên giảm từ 7 chuyến còn 1 chuyến/tuần.

Ông Hiệp giải thích việc lỗ vẫn phải duy trì tuyến Hà Nội - Thái Nguyên do còn liên quan đến hạ tầng. Nếu tuyến này tàu không chạy thì hạ tầng đường sắt, thông tin tín hiệu, nhà ga đều phải nghỉ hết. Đây là vấn đề nan giải.

Trước đây tuyến này cũng từng được bỏ hẳn vì càng chạy càng lỗ. Thế nhưng tàu không chạy thì người dân lại có ý kiến sao không chạy để phục vụ người dân.

“Bỏ hẳn không chạy rất nhạy cảm. Hiện nay mới cắt bỏ chạy cách nhật đã có ý kiến của người dân và cơ quan nhà nước gửi về yêu cầu trả lời tại sao lại cắt giảm. Chúng tôi phải đi đến nhiều cơ quan để giải trình về việc này”- ông Hiệp nói.

Ông Hiệp nói rõ, để duy trì những đôi tàu chạy không hiệu quả thì phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Luật Đường sắt mới có hiệu lực từ tháng 7/2018 có tính đến việc Nhà nước hỗ trợ cho các tuyến khó khăn, nhưng để có được thì thời gian hoàn thành thủ tục cũng rất lâu.

Do vậy, nếu không giải quyết giảm bớt được lao động và không có nhà nước hỗ trợ thì năm nào công ty cũng lỗ nặng.

“Năm ngoái chúng tôi lỗ 87,6 tỷ đồng, năm nay tiếp tục lỗ sẽ không ổn đối với DN cổ phần”, ông Hiệp nói .

Vũ Điệp

Vietnamnet

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC