Những đại gia dựng lại nghiệp lớn sau khi ra tù Đằng sau vẻ hào nhoáng của những đại gia, với sự nghiệp cơ ngơi hàng nghìn tỷ, mấy ai biết họ đã từng dính vào vòng lao lý, thậm chí phải đối mặt với án tử hình.

 Đại gia Lê Ân, một trong những cái tên được nhắc tới nhiều gần đây, đã từ tay không trở thành đại gia với bao biến cố.

Đầu tiên, những sải chân kiếm sống đưa Lê Ân về vùng kinh tế mới, rồi tham gia vượt biên để kết cục phải ngồi tù.

Kiếp nạn thứ hai khiến ông suýt phải đối mặt với án tử hình. Năm 2000, Lê Ân cùng 6 thành viên trong ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Vũng Tàu (VCSB) bị bắt nhằm phục vụ cho công tác điều tra. Sau đó, ông bị tuyên phạt 20 năm tù giam với tội danh “Cố ý làm trái”, án phạt chung thân với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và án tử hình với tội danh “Lập ngân hàng huy động vốn để lừa đảo”. Tổng cộng hình phạt là tử hình.

Lê Ân làm đơn kháng cáo và giao nộp toàn bộ các chứng từ của VCSB cho cơ quan điều tra để chứng minh mình vô tội và đã được giảm án xuống còn 12 năm tù. Trong thời gian thụ án, do cải tạo tốt nên Lê Ân được cho ra ở nhà ngoài và đặc xá ra tù trước thời hạn. 

Có lẽ không ai còn xa lạ với cái tên Lê Minh Hải, hay còn gọi là Hải Robert, tử tù trong vụ án Tamexco nổi tiếng năm 1995. Nhưng sau đó, ông may mắn thoát án tử hình. Hiện ông là Tổng giám đốc Vinashin Vũng Tàu, kiêm phó chủ tịch Công ty CP đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu.

Lần đầu tiên bị bắt giam năm 1978, ông Hải bị công an bắt lầm khi đang đi tàu Vàm Cỏ 22 nhưng nhanh chóng được thả sau 15 tiếng đồng hồ giam giữ. Năm 1982, ông phải liên đới chịu trách nhiệm trước cái chết và bị thương của một số thủy thủ trong một vụ cháy nên phải ngồi tù 6 tháng.

Lần thứ ba bị dính đến vòng lao lý và cũng nặng nhất là vụ ông bán đất cho Phạm Huy Phước trong vụ án Tamexco. Sau đó, ông được giảm án xuống chung thân và nhờ cải tạo, lao động tốt, Lê Minh Hải được trả tự do vào năm 2005, sau 10 năm bóc lịch trong trại giam.

Ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch tập đoàn Đức Khải, cũng từng bị kết án chung thân, được ân xá trước thời hạn. Ở tuổi 29, Phạm Ngọc Lâm từng được giới buôn xe hơi TP.HCM xem như một “ông trùm” quyền lực. Nhưng năm 2000, ông phải ra trước vành móng ngựa, đối diện với án tử hình do liên quan tới vụ án Tân Trường Sanh. Ông nêu nguyện vọng khắc phục hiệu quả bằng cách nộp tài sản, hơn 40 triệu USD. Ông nhận 2 án tù chung thân, một vì buôn lậu, một vì đưa hối lộ. Với ông, tưởng như mọi cách cửa tương lai đã đóng chặt.

Đầu năm 2005, ông được đặc xá trước thời hạn nhờ khắc phục hậu quả và cải tạo tốt. Phạm Ngọc Lâm đã gây dựng lại sự nghiệp nhờ một khách hàng mà ông từng tặng 1.000 USD khi bị mất xe.

Những đại gia dựng lại nghiệp lớn sau khi ra tù_0

Một nhân vật khác, ông chủ của thủy sản Hùng Vương - Dương Ngọc Minh - cũng từng có gần 6 năm ngồi tù. Năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trở nên quá sức chi trả, công ty vỡ nợ, phá sản. Ông Minh phải ra tòa và nhận án tù vì tội gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Trong phiên tòa phúc thẩm, ông bị buộc thêm tội lập quỹ trái phép và lãnh án 10 năm tù. Sau 6 năm cải tạo tại trại giam Xuân Lộc, Dương Ngọc Minh đã được đặc xá trước thời hạn.

Trở về, ông quyết chí trở lại thương trường. Năm 2003, ông thành lập công ty, tiếp tục giữ cái tên Hùng Vương đã gắn bó với mình từ thuở trước. Hiện tại, ông Minh là một trong những người giàu nhất trên TTCK.

Nói về cuộc đời lận đận chốn lao tù, phải kể tới ông Nguyễn Đình Chiến - một doanh nhân có tiếng, người từng được vinh danh “người đương thời” vì vươn lên làm giàu sau một vụ án oan, đã bị tuyên án phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ra tù, ông lại bắt tay kinh doanh làm ăn thành công với nhiều DN lớn trong tay. Tên tuổi và thành công của ông đã khiến ông trở nên nổi tiếng và xuất hiện trong một chương trình truyền hình ca ngơi những người thành công và có tiếng vang: Người Đương Thời.

Nhưng vào khoảng giữa năm 2007, ông Chiến đã dùng giấy tờ giả mạo khoe với đối tác về khả năng tài chính dồi dào và có thể cho vay vốn. Công ty Bắc Hà của ông Chiến hứa sẽ huy động 20 triệu USD nhằm thực hiện dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Đồng Nai của công ty Đại Viễn Dương. Đổi lại, đối tác phải có vốn đối ứng chuyển cho Bắc Hà 2 triệu USD hoặc 400.000 USD trả lãi suất cho số tiền trên để công ty của ông Chiến nhận được tiền chuyển vào.

Công ty Đại Viễn Dương đã chuyển 6,5 tỷ đồng, tương đương 400.000 USD và 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho Bắc Hà làm thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, Bắc Hà không hề chuyển tiền mà còn đem 12 quyển sổ đỏ của đối tác đi thế chấp vay 80 tỷ đồng của ngân hàng.

Tòa đã tuyên phạt ông Nguyễn Đình Chiến tù chung thân, mức án cao hơn so với đề nghị của Viện kiểm sát trước đó là 18-20 năm. Ông Chiến còn phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC