Khủng hoảng bao giờ cũng vậy, có thể khiến nhiều đại gia rơi từ đỉnh cao vinh quang xuống tới tận bùn đen. Song, không có gì ngạc nhiên khi sự sa sút của một số người lại là cơ hội để các gương mặt khác lên tiếng.
Nổi lên trong bão tố
Chưa từng được biết đến hoặc trước đây không muốn ồn ào, nhưng có một điểm chung là họ đang nổi như cồn, trong lúc đa số các đại gia khác vất vả chống đỡ "cơn bão" mang tên khủng hoảng.
Vài tháng gần đây, một gương mặt, tuy đã được biết đến từ lâu, bỗng nhiên nổi bật lên như ngôi sao sáng trên thị trường tài chính Việt Nam. Hai thương vụ thâu tóm rùm beng mới đây khiến những người ít quan tâm tới thời cuộc cũng biết đến ông.
Gương mặt đó là "ông bầu" Hiển. Sau thương vụ thâu tóm thành công Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank), ông Đỗ Quang Hiển đưa ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - mà ông là chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - lên một quy mô mới và tiếng tăm lớn hơn rất nhiều.
Đây là vụ thâu tóm, sáp nhập thành công và được đánh giá là cần thiết, nhất là khi Habubank gặp quá nhiều khó khăn, nợ xấu chồng chất, bắt đầu thua lỗ và có nguy cơ mất thanh khoản. Sáp nhập Habubank vào SHB dường như mang lại cho SHB rất nhiều điểm lợi. Tất nhiên, nếu như vậy, người "được" nhất là ông chủ - ông bầu của đội bóng Hà Nội T&T.
Ngoài ra, hình ảnh của vị doanh nhân đi lên từ lĩnh vực điện tử, điện lạnh, sản xuất xe máy và kinh doanh điện thoại di động từ những năm 90 này nổi lên hơn bao giờ hết khi mà SHB "xắn tay áo", mạnh dạn nhảy vào tái cấu trúc Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) của đại gia Diệu Hiền - doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản.
Với tư cách là cổ đông sở hữu 50% cổ phần Bianfishco (từ 25/8), nhiều chuyên gia đang cho rằng, Bình An sẽ hồi sinh trở lại và hoạt động ổn định như đúng với cái tên vốn có của mình. Ưu tiên hàng đầu của ông Hiển là sẽ trả nợ cho các hộ dân bán cá (cho Bình An trước đó), xử lý và tái cơ cấu nợ vay của các ngân hàng. Sau khi ổn định hoạt động, Bianfishco có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng từ mức 500 tỷ hiện nay.
Từng bước, từng bước một, có thể thấy bầu Hiển đang trở thành một trong những đại gia tài chính có tiếng hàng đầu tại Việt Nam. Việc thâm nhập vào lĩnh vực ngân hàng của ông Hiển cũng khá êm đềm khi mà Tập đoàn T&T tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của ngân hàng SHB vào những năm 2000 và ông đồng thời giữ chức chủ tịch HĐQT.
Khi đó, SHB vẫn còn là một ngân hàng thuộc TOP dưới, tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ. Nhìn lại chặng đường của ngân hàng này, nhiều nhà đầu tư không khỏi giật mình về tốc độ phát triển của nó. Từ một ngân hàng mang tính chất địa phương, SHB đã vươn ra rộng khắp cả nước. Đây cũng là ngân hàng có nguồn gốc nông thôn tăng tài sản mạnh nhất với 5 lần trong 4 năm (từ khoảng 14.400 tỷ lên gần 71.000 đồng). Dư nợ cho vay khách hàng của SHB cũng tăng ở mức độ tương tự.
Công bằng mà nói ông Hiển cùng với ngân hàng SHB, tập đoàn T&T nổi lên sau khi ông thành lập CLB bóng đá T&T Hà Nội năm 2006. Nhưng thực sự, với việc giang tay ra cứu Habubank (và kéo theo đó là Bianfishco), người ta mới biết đến sức mạnh của ông chủ SHB như thế nào.
Một gương mặt cũng gây bất ngờ không kém trên thị trường tài chính Việt Nam là đại gia Trầm Bê - cái tên còn khá xa lạ với những người ngoài ngành. Nay ông được nhắc đến khá nhiều sau loạt vụ mua bán cổ phiếu của ngân hàng Sacombank, và việc thay đổi quyền lực tại ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam này cũng như sự trám chỗ của các thành viên gia đình ông Bê vào trong các doanh nghiệp cũ.
Với những chuyển biến trong vài tháng qua, hiện ông Trầm Bê và gia đình đang cùng tham gia HĐQT của cả ngân hàng Phương Nam (như nhiều năm nay) và ngân hàng Sacombank. Bên cạnh đó, gia đình đại gia đang là những ông chủ lớn tại các doanh nghiệp khá nổi tiếng như Vàng bạc đá quý Phương Nam, Chứng khoán Phương Nam, Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI), Bệnh viện Triều An, Thủy hải sản Sơn Sơn...
Cho dù tiếp tục kín tiếng và hiếm khi phát biểu trước báo chí, song, gương mặt cũng như cuộc đời của vị đại gia này phủ khắp các mặt báo về kinh tế. Điều này cũng dễ hiểu, bởi giờ đây, ông Bê đã là một nhân vật đầy quyền lực tại Sacombank với cương vị Phó chủ tịch HĐQT (sau khi ông rời ghế Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam, nhường vị trí này cho con trai là Trầm Trọng Ngân). Con trai khác của ông - Trầm Khải Hòa - cũng đang là thành viên HĐQT của Sacombank bắt đầu từ tháng 5 năm nay.
Bật lên từ ngành tiêu dùng và nông nghiệp
Không mấy nổi trong giới ngân hàng, đại gia khác là ông Nguyễn Đăng Quang lại được nhiều người biết đến với danh tiếng là một trong những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam với vai trò là chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN).
Ông Quang nổi lên nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của Masan, với vốn điều lệ hiện khoảng 7.000 tỷ đồng. Trái với không khí ảm đạm của các ngành nghề kinh doanh khác, trong ngành chế biến thực phẩm, ông Quang đã vượt lên trên khủng hoảng. Các sản phẩm của đại gia mang thương hiệu Masan từ Nga về đang nhanh chóng thống lĩnh thị trường nội địa.
Đại gia này hiện vẫn là Phó chủ tịch thứ nhất HĐQT Techcombank - một ngân hàng được đánh giá hoạt động tốt nhất trong ngành.
Không chỉ ông Quang, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Techcombank (kiêm chủ tịch Techcom Capital và Techcom Securites) tên tuổi cũng đang phất lên rất nhanh. Trên thực tế, ông Hùng Anh được giới đầu tư biết đến nhờ Masan (với vị trí là phó chủ tịch MSN) nhiều hơn là so với vị trí người đứng đầu Techcombank.
Trường hợp ông Đặng Văn Thành, dù có đánh mất vị thế ở Sacombank nhưng đại gia này lại nhanh chóng nổi lên ở lĩnh vực khác (mía đường). Ông là người cũ ở lĩnh vực này, nhưng giờ lại là gương mặt nổi bật nhất. Và có lẽ, sự "thống trị" của ông Thành trong nghề chế biến nông sản còn kéo dài, khi mà ông và gia đình có cổ phần lớn tại nhiều doanh nghiệp mía đường.
Ngoài những đại gia "phất" lên từ việc xây dựng các thương hiệu nổi tiếng và thành công nổi bật trong thời kỳ khủng hoảng, có những người bỗng nhiên trở thành đại gia hay lọt vào danh sách những người giàu nhất trên TTCK, chỉ sau một thương vụ mua bán thâu tóm.
Ông Đỗ Văn Bình là một trong những trường hợp như vậy. Đầu tháng 3/2012, nhân vật bí ẩn này đã âm thầm bỏ ra 500 tỷ đồng mua gần 16% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) và ngay lập tức lọt vào TOP 30 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam, đồng thời được bổ nhiệm là Phó chủ tịch Sudico.
Tuần đầu tháng 7 vừa qua, thông qua Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), ông Bình đã nhận chuyển nhượng 4,5 triệu cổ phiếu từ 3 tổ chức thuộc Dragon Capital và nâng tỷ lệ nắm giữ tại doanh nghiệp BĐS (đang có quỹ đất rất lớn) này lên khoảng 20%.
Giới đầu tư thực sự khá bất ngờ với sự nổi lên nhanh chóng của đại gia chưa mấy có tên tuổi trước đó này. Đa số ngỡ ngàng với số tiền lên tới khoảng 650 tỷ đồng mà ông Bình có để đầu tư vào giai đoạn mà hầu hết các tên tuổi doanh nhân lững lẫy khác còn đang khốn khó vì thiếu tiền.
Có thể thấy, trong khi khủng hoảng đã khiến nhiều đại gia rơi từ đỉnh cao vinh quang xuống tận bùn đen thì nó dường như cũng đang tạo ra những cơ hội rất to lớn cho những doanh nhân, doanh nghiệp khỏe mạnh, nhiều tiền.
Sự đào thải luôn có trong quá trình phát triển và ai không có bản lĩnh, không có tầm nhìn sẽ phải trả giá. Vòng quay tiến lên lại tiếp tục như vậy, có lẽ là mãi mãi.
Theo VEF
.