Nhiều người bán hàng giấu tung tích nhiều loại quả từ Trung Quốc, đổi tên, nhãn mác nhằm bán được hàng như: nho, cam, xoài, táo.
Hoa quả Trung Quốc liên tục bị nhiễm thuốc trừ sâu, hóa chất độc đã khiến người dân Việt mất niềm tin và cảnh giác không mua. Tuy nhiên, người bán hàng thường giấu nguồn gốc và nói rằng đó là hoa quả Việt Nam, Thái Lan, thậm chí Mỹ, Úc để lừa người tiêu dùng.
Nho Trung Quốc biến thành nho Mỹ, nho Ninh Thuận
Nho thường được những người bán hàng thay hết thùng xốp, bao bì đóng gói hoặc tem có chữ Trung Quốc rồi biến thành nho Mỹ hoặc nho Ninh Thuận. Loại nho này được bán rất phổ biến ở các hàng, gánh, xe rong các chợ nhỏ hay vỉa hè. Giá bán cũng rất rẻ, loại ngon, quả mọng thì có giá từ khoảng 60.000 đồng/kg – 80.000 đồng/kg. Loại quả bé, nhão hơn thì có giá từ 30.000 đồng/kg– 50.000 đồng/kg.
|
Những thùng nho Trung Quốc chưa được bỏ nhãn mác.
|
Hầu hết, khi có người mua, các chủ sạp thường nhanh miệng “bảo đảm” không phải là nho Trung Quốc mà là nho Mỹ hoặc nho Ninh Thuận, cứ yên tâm mua. Tuy nhiên, chỉ những người có ít kinh nghiệm mới mắc phải những "bẫy" này.
Đặc điểm để phân biệt loại quả này đó là, nho Mỹ quả thon, dài, cùi giòn, chắc, sờ quả thấy cứng, màu đen đậm hoặc đỏ đậm, ăn có vị ngọt sắc. Còn nho Trung Quốc quả thường tròn, mọng, màu đỏ nhạt, quả nhũn, ở trong ruột rỗng, thịt nhão, ăn có vị chua.
Xoài xanh Trung Quốc biến thành xoài Thái, Việt Nam
Hầu như ai cũng biết loại xoài xanh của Thái cùi giòn, vỏ xanh, ăn rất ngọt, thịt quả hơi sượng. Loại xoài này bán rất nhiều ở các cửa hàng hoa quả. Tuy nhiên, gần đây, xuất hiện loại xoài Trung Quốc được người bán hàng trà trộn thành xoài Thái Lan hoặc Việt Nam cho dễ bán.
|
Tiểu thương nhập xoài xanh Trung Quốc về giả làm xoài Thái.
|
Loại xoài xanh Trung Quốc hàng ngày được nhập rất nhiều về chợ đầu mối hoa quả Long Biên. Do giá rẻ nên người buôn bán nói là hàng Thái để dễ bán và thu lời nhiều hơn.
Khi được hỏi, một người bán hàng tại chợ Nguyễn Phúc Lai (Quận Đống Đa) khẳng định: “Giờ là mùa xoài Thái Lan, và chính vụ xoài Việt Nam, làm gì có hàngTrung Quốc”.
Tuy nhiên, khẳng định về nguồn gốc loại xoài xanh từ Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: “Qua kiểm tra ở các cửa khẩu nhập hoa quả Trung Quốc về Việt Nam như Lạng Sơn, Lào Cai… cho thấy, hiện Việt Nam có nhập loại xoài xanh của Trung Quốc. Do thuế nhập tính bằng 0% nên tất cả đều được nhập qua con đường chính ngạch”.
Cam Vinh từ … Trung Quốc
Từng có thông tin một lượng cam lớn ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) bị phát hiện nhuộm màu nhân tạo độc hại nhằm để quả cam nhìn bắt mắt đã dấy lên sự lo ngại cho người tiêu dùng Việt và người dân tẩy chay các loại cam Trung Quốc.
Thực tế này khiến hầu hết những người bán hoa quả cố tình nói cam Trung Quốcthành cam Vinh để dễ bán hàng, chất lượng và tác hại từ những hóa chất trên quả cam ra sao thì người tiêu dùng gánh chịu.
Điều này khiến nhiều người lo ngại bởi không thể phân biệt được đâu là cam Vinh, đâu là cam Trung Quốc. Chị Nguyễn Thu Hạnh, trú tại phố Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Bây giờ không biết có nên ăn hoa quả không nữa, ăn thì sợ hoa quả Trung Quốc, mà không ăn thì sợ thiếu chất nhất là trẻ con. Mấy lần mình hỏi mua loại cam màu vàng ươm,vỏ mỏng và cứng thì người bán hàng này bảo cam Vinh, người khác lại bảo hàng khác thì bảo cam Hưng Yên?”.
Rất nhiều người cũng gặp phải tình huống như chị Hạnh và thấy nghi ngờ về nguồn gốc loại cam trên và không dám mua nữa.
Để nhận biết bằng mắt thường, những người quê ở Nghệ An cho hay, cam Vinh thường chín vào tháng 9 và bắt đầu rộ mùa vào tháng 10 cho đến gần Tết. Một số giống cam Xã Đoài (xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An) muộn thì chín ra đến khoảng tháng 1 năm sau. Cam Trung Quốc cắt ra dù đẹp mọng nhưng không có mùi thơm ngai ngái, đậm đà của cam Vinh.
|
Cam Vinh thường có cuống sần sùi, ngắn và to.
|
Về hình thức, loại cam Trung Quốc thường bị giả làm cam Vinh cũng vàng, chín mọng nhưng lá mỏng, dài và cuống nhỏ thường xanh, dài, tươi mơn mởn. Trong khi đó, cam Vinh có lá và cuống sần sùi ngắn cũn và to. Lá cam Vinh cũng không giữ được tươi lâu như lá cam Trung Quốc, nếu được đem đi bán rong thì rất dễ bị héo rũ xuống.
Táo Trung Quốc gắn mác táo Mỹ, Nhật, Úc
Ngoài loại táo Trung Quốc bình dân vẫn thường bán ở chợ từ lâu nay đã bị người dân cảnh giác thì gần đây, táo Fuji nổi tiếng của Trung Quốc (từng chiếm 40% thị phần trên thế giới) bị phát hiện người trồng dùng túi có chứa thuốc trừ sâu bọc từ khi còn xanh gây độc hại. Vì thế, nhiều người bán hàng Việt Nam biến hóa loại táo này thành táo Mỹ, Nhật, Úc để dễ tiêu thụ.
Để tránh mua nhầm, chị em có thể chú ý đặc điểm sau: táo Trung Quốc quả thường tròn, còn táo Mỹ, Úc thì quả thường có hình dáng hơi vuông, phần cuống và đáy quả thưởng cao thành, rốn quả sâu. Táo Fuji Mỹ thường có quả màu đỏ và có các chấm đỏ hồng, hoặc đỏ đậm trên vỏ, cầm quả táo cảm giác cũng chắc tay hơn.
Theo Khám Phá.