Họ là những người sinh ra và lớn lên gắn liền với con trâu, luống cày. Ở họ, từ dáng người đến nếp sống, nếp nghĩ, đều mang đậm dấu ruộng, dấu vườn. Vì hai chữ mưu sinh, họ bỗng chốc “được” trở thành “người thành thị”. Nhưng, mong ước ra phố để cải thiện chất lượng cuộc sống không dễ dàng như họ từng nghĩ. 

Sống lay lắt bằng nghề không tên

Đến một khu nhà trọ gần chợ Căn Cứ 26, Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, người viết có dịp tiếp xúc với anh Long, quê Đồng Nai. Anh kể: “Tôi lên thành phố này gần 5 năm rồi. Nhưng vì không có bằng cấp, sức khỏe cũng không được dẻo dai như thanh niên nên chẳng cơ quan, xí nghiệp nào nhận vào làm. Chủ yếu loanh quanh nghề phụ hồ thời vụ và bán bánh chưng, bánh dày vào ban đêm”. Về thu nhập giữa thời giá cả leo thang đến chóng mặt hiện nay, anh cười buồn: “Thì cũng cố gắng đắp đổi qua ngày”.

Tham khảo những chủ nhà trọ xung quanh quận Gò Vấp, được biết, số lao động rơi vào tình cảnh như anh Long khá lớn. Họ thuộc nhiều miền quê nghèo trôi dạt về đây. Đặc biệt, cứ sau mỗi đợt thiên tai, bão lũ hoặc hạn hán, mất mùa, con số “di dân” này lại tăng lên. Thiếu trình độ, vốn liếng, họ xoay xở đủ mọi loại nghề có tên hoặc không tên để sinh tồn.

Những phận người lặng lẽ dạt phố

Một chuyến hàng nặng của người dân nhập cư

Cùng xóm trọ với anh Long là Hà. Năm nay mới 21 tuổi, nhưng nhìn vẻ bề ngoài ai cũng tưởng người thanh niên này phải gần 40. Dáng cao gầy, gương mặt khắc khổ, sạm đen. Hà vừa vào thành phố Hồ Chí Minh được vài tháng. Cuộc sống khó khăn nơi miền Trung đầy nắng cháy, gió Lào (quê Hà ở Nghệ An) là nguyên nhân khiến cậu bỏ quê vào Nam. “Thấy thiên hạ bảo đất Sài Gòn dễ sống, nên em muốn thử vận may của mình”, Hà thật thà tâm sự.

Nhưng đất Sài thành việc thì nhiều thật, tiền cũng không khó kiếm so với làm nông ở quê. Song áp lực và mức độ nặng nhọc có khi còn gấp mấy lần công việc đồng áng. Ngoài việc phụ hồ, thi thoảng cậu tranh thủ lấy mối bóng bay, mang đi bán dạo trước cổng các trường học hoặc ở các công viên vào dịp lễ, tết. Những ngày thứ bảy, chủ nhật nếu không được chủ thầu nào thuê, cậu đi làm phụ bàn “tăng cường” cho các quán nhậu. Dọn dẹp, bưng bê tất bật từ 1 giờ chiều tới 10 giờ đêm, cũng chỉ được 30.000 đến 45.000 đồng. Hà nói: “Thế còn hơn ngồi không ở nhà. Cơm vẫn phải ăn, tiền nhà trọ vẫn phải trả, rồi chưa kể đến chi phí cho những sinh hoạt cá nhân khác”.

Chị Mai (quê Thanh Hóa), trọ gần bến xe Miền Đông thì vất vả đủ đường. Lúc mới vào, nhờ một người bà con quen thân giúp vốn, chị sắm được một xe bán hoa quả quanh khu vực chợ Văn Thánh. Ban đầu cũng “nhì nhằng” kiếm được, rồi bỗng nhiên khách hàng cứ thưa thớt dần. Mà trái cây để qua một ngày sẽ xuống sắc, nhất là vào mùa nắng. Để hôm sau nữa nếu không bán được thì lỗ vốn. Cộng thêm bị vài chuyến không may hỏng hết nguyên thùng phải “bán đổ bán tháo”, chị hết cả vốn. Bây giờ chị phải tìm mối làm nghề giúp việc nhà theo giờ cho những hộ gia đình khá giả. Thường chị cũng chỉ “đắt khách” vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Các ngày khác thì ai thuê gì làm nấy, lúc thì ngáp vặt, lúc thì vắt chân lên cổ cũng không kịp.

Ước mơ xa vời

Một người trọ cùng anh Long cho hay: Dù đã ngoài 40 tuổi nhưng anh vẫn chẳng dám lập gia đình. Bà mẹ già ở quê thúc giục mãi, anh chỉ hứa hẹn, hết năm này sang năm kia. Anh bảo: “Bây giờ, công ăn việc làm không có, đến bản thân mình còn không tự lo nổi, sao có thể chăm sóc cho vợ con”. Câu nói ấy phát ra từ một người đàn ông đầu hai thứ tóc, nghe thật xót xa. Suốt mấy năm lưu lạc nơi đất khách quê người, anh cứ lầm lũi đi về một mình một bóng.

Có người phụ nữ cùng cảnh, đem lòng thương, muốn về chung sống, anh đã “dằn lòng” từ chối. Vì “tôi sẽ chỉ làm khổ thêm cho người ta thôi”. Với Hà, ước mơ cháy bỏng được tiếp tục con đường học vấn cũng “chẳng biết đến bao giờ mới thành hiện thực”. Hiện tại, tuy công việc thất thường, cậu vẫn phải dành dụm một nửa gửi về cho bố mẹ nuôi hai em đang học ở nhà. Hà bộc bạch: “Em sẽ cố gắng thi vào sư phạm. Một phần vì không phải đóng học phí, một phần khi ra trường ít có nguy cơ thất nghiệp hơn các ngành khác”.

Những người như chị Mai lại ao ước bình dị hơn: “Chỉ cần có việc làm thường xuyên, để không phải lo thiếu tiền thiếu gạo lúc ốm đau, bệnh tật”.

Giữa cái không khí tấp nập, ồn ã và ánh sáng hào nhoáng của phố phường Sài Gòn, những phận người xa quê lặng lẽ dường như ngày một nhiều thêm.

Theo Trang Trang
Đại Đoàn Kết




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC