Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng thấy hãi Bốc mộ, mổ tử thi là những nghề tưởng chừng như chỉ có đàn ông mới dám làm. Nhưng cũng có nhiều phụ nữ đã chọn cho mình những nghề khắc nghiệt ấy để mưu sinh và cao cả hơn là phụng sự sự thật, phụng sự công lý hoặc để tích đức cho con cháu.

Giám định viên yêu nghề

Nghề gì không chọn, người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy lại chọn cho mình cái nghề khắc nghiệt nhất, đó là giám định pháp y. Chị là Đinh Thị Duyên, Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh Lào Cai.

Chị Duyên sinh năm 1984, quê ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ước mơ từ nhỏ của chị Duyên là được làm bác sĩ. Nay khi làm nữ giám định viên pháp y, chị Duyên hiểu đó như là một cơ duyên của nghề đến với mình. 

Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng thấy hãi_0

Chị Đinh Thị Duyên, Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh Lào Cai. (Ảnh: PLO)


Cho đến nay chị Duyên đã thực hiện nhiệm vụ với rất nhiều vụ án khác nhau. Với chị, những kết quả giám định khoa học giúp ích rất nhiều cho bên công an điều tra tìm ra được chính xác hung thủ trong các vụ án lớn nhỏ, trả lại sự công bằng và quỹ đạo của quy luật nhân quả ở đời một cách trung thực nhất mới là điều quan trọng nhất.

Người đàn bà có bàn tay 'thép'

Được mệnh danh như vậy trong giới bác sĩ pháp y và cũng là một trong vỏn vẹn 2 người phụ nữ làm nghề này trên cả nước, nhưng chị Đoàn Thị Thẩm (giám định viên pháp y thuộc Trung tâm Pháp y tỉnh Cao Bằng) lại thật nhỏ nhẹ khi nói về mình bằng một câu tự vấn “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai”..

13 năm trong nghề pháp y, từ những ngày đầu là kỹ thuật viên rồi giám định viên, chị Thẩm không nhớ được mình đã giải phẫu bao nhiêu tử thi. Cả tỉnh Cao Bằng chỉ có ba cán bộ pháp y nên bất kể nơi nào trên địa bàn tỉnh chị cũng đã đặt chân đến, cả những nơi xa xôi nhất, khó khăn nhất.

Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng thấy hãi_1

Với chị Đoàn Thị Thẩm, mỗi biên bản giám định pháp y là một câu chuyện đau lòng (Ảnh: Tuổi trẻ)


Chị Thẩm đến với pháp y như một cơ duyên. Chị vốn là nữ hộ sinh, sau đó lại học cử nhân điều dưỡng. Cuộc đời ngỡ cứ thế bình lặng trôi, nhưng năm 2000 chị đã quyết định đến với nghề bác sĩ pháp y. Khi đến với nghề, biết là vất vả nhưng chị vẫn quyết tâm dấn thân bởi vì chị yêu ý nghĩa của cái nghề đó chính là sự nghiệp phụng sự sự thật, phụng sự công lý của nghề giám định pháp y. Vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua sự ghê rợn của người đời, giám định viên pháp y không để bất kỳ cái chết nào bị oan ức, linh hồn nào tủi phận và nữ thần công lý phải mỉm cười.

Chị Thẩm cho biết, chị chưa bao giờ để cho giới tính nữ của mình ảnh hưởng đến công việc. "Với chị giám định viên nữ không có nghĩa là hỏng việc, yếu nghề” - chị khẳng định. Có lẽ cùng vì thế mà chị Thẩm được đồng nghiệp trong nghề yêu quý tặng cho danh hiệu “người đàn bà có bàn tay thép”.

Cụ bà 80 đi bốc hài cốt tích đức mong con gái trở về

Sau khi con gái bị mất tích, người mẹ ấy đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng. Thương con nhưng không biết cách nào để tìm kiếm, giờ đã 80 tuổi, bà vẫn đi khắp các nghĩa trang trong huyện để bốc hài cốt. Bà hy vọng việc làm đó sẽ tích phúc, tích đức phù hộ cho người con gái mất tích 30 năm qua sẽ trở về.

Bà là Đỗ Thị Lan ở thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Bà Lan kể: Ban đầu, bà theo ông chú đi bốc mộ thuê để kiếm thêm tiền đong gạo. Thấy bà làm cẩn thận, chu đáo nên ông chú truyền nghề cho. Cứ khi nào có người nhờ, ban đêm chồng ngủ bà lại trốn chồng đi sang các làng lân cận bốc mộ thuê.

Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng thấy hãi_2

Bà Đỗ Thị Lan trở về căn nhà nhỏ lúc 2h sáng sau khi hoàn tất công việc bốc mộ. (Ảnh: GiadinhNet)

Chồng bà sau vài đêm theo dõi vợ thấy vợ khom lưng “rửa xương” cho người đã khuất để kiếm tiền nuôi con thấy xót xa thương vợ. Từ ấy, hai vợ chồng họ chung “chiến tuyến”, cùng nhau làm nghề bốc mộ nuôi 6 người con. Được khoảng chục năm thì người chồng ốm đau rồi qua đời. Bà Lan vẫn không bỏ nghề. Bà tâm niệm: “Làm nghề bốc mộ cũng là làm phúc, sang cát rửa xương cho người đã khuất là việc làm tích đức nên đã chọn thì không dứt ra được”.

Bây giờ, bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà Lan chưa tính đến chuyện nghỉ ngơi bởi bà còn một người con gái đang lưu lạc nơi đất khách giờ không biết còn sống hay đã chết. Bà hy vọng việc đi bốc hài cốt sẽ tích phúc, tích đức phù hộ cho người con gái mất tích trở về.

Người phụ nữ hơn 30 năm làm nghề "không giống ai"

Về xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, hỏi thăm nhà bà Năm “bốc mộ” ai cũng chỉ đường tường tận. Cái tên Năm “bốc mộ” đã quá quen thuộc với mọi người bởi lẽ ở làng quê ven biển này, chẳng có người phụ nữ nào làm cái nghề như bà.

Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng thấy hãi_3

Bà Năm hơn 30 năm làm nghề bốc mộ thuê (Ảnh: PL&XH)

Nhà nghèo, không được ăn học, bà sớm theo chồng “về dinh”. Chồng bà làm nghề bốc mộ thuê. Một ngày, ông bảo bà theo phụ việc, bởi nhỡ ông chết trước, bà còn có cái nghề mà nuôi con. Từ đấy, chính bà cũng chẳng thể ngờ được, cái nghề bốc mộ này đã theo bà hơn 30 năm qua và giúp bà nuôi 4 đứa con trưởng thành. Đến năm 2001, chồng bà qua đời, các con phương trưởng, có gia đình riêng, bà thui thủi một mình. Tuổi già, sức yếu nhưng nhiều khi đói quá, người ta thuê, bà cũng tấp tểnh vác đồ nghề đi.

Bà Năm bảo, làm nghề nào cũng phải có đạo đức, làm việc liên quan đến phần âm lại càng phải có đạo đức. “Làm cái nghề này đừng mong giàu, tui nghĩ đã làm là phải làm cho tốt, đặng mà tích đức tích phúc cho con cháu sau này”, bà Năm giãi bày. |

Người đàn bà bốc mộ từ năm 13 tuổi

Nhắc đến người phụ nữ ấy, bà con chòm xóm quên cả họ của chị, họ gọi chị là Bình “hài cốt” hay Bình “vớt xác”. Chị là Phạm Thị Bình ở làng Đại Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Những phụ nữ làm nghề đàn ông cũng thấy hãi_4

Chị Bình đã có hơn 20 năm làm nghề bốc mộ, tìm xác (Ảnh: Dân trí)

Chị Bình tâm sự: "Làm cái nghề này không mất nhiều sức, nhưng vất vả đêm hôm. Khi người ta ngủ, thì mình thức. Và cái chính, cần có lá gan lớn một tý...". Chị Bình kể, năm chị 13 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị phải thôi học, đi theo bố làm thuê, kiếm tiền. Ai thuê gì thì bố chị làm việc ấy, từ phun thuốc sâu, nhổ cỏ… cho tới nghề bốc mộ. Lúc nào cũng bám theo bố, nên mọi công việc ông làm chị đều làm theo cả, và tất nhiên không ngoại trừ việc bốc mộ.

Từ đó, chị theo nghề lúc nào mà không hay. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ngót nghét đã được gần 26 năm, chị vẫn gắn bó với nghề bốc mộ. Chị làm thạo việc, lại sạch sẽ, cẩn thận, đâu ra đấy, và cái chính, chị luôn tâm niệm, làm công việc này là làm phúc giúp người. Vì thế, xa gần đều biết tới chị, cứ nhờ là chị sẵn sàng đi ngay. Những lần vớt xác người trôi sông, niệm cho người chết do tai nạn, giúp pháp y, chị Bình cũng không đòi hỏi tiền công gì cả. Người nhà nạn nhân có bao nhiêu đưa chị thì đưa, không thì chị lại làm không, công cáng không kể gì.

Theo Vietnamnet.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC