Nợ công bất ngờ lên 66,4% GDP: Sát sự thật hơn_0

Theo đó để có được con số này Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5%.

Sát sự thật hơn

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nợ công cho rằng, phạm vi xác định nợ công theo Luật Quản lý nợ công còn có một số bất cập và chưa tính đầy đủ một số khoản nợ có bản chất là nợ công, làm ảnh hưởng đến sự chính xác và cập nhật của số liệu nợ công.

Từ việc tính toán lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ rõ, nợ công nếu tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5% nợ công trong nước (49.500 tỉ đồng, hay 1,38% GDP) thì sẽ là 2,656 triệu tỉ đồng, hay 66,4% GDP trong năm 2014.

 

Như vậy, sẽ chênh lệch tới 6,5 điểm phần trăm so với nợ công được công bố. Trong khi đó nợ công, theo Luật Quản lý nợ công là 2,395 triệu tỉ đồng, hay 59,9% GDP đến cuối năm 2014.

Bình luận về con số này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương tỏ ý hoan nghênh Bộ Kế hoạch&Đầu tư và cho rằng con số mới về nợ công của Việt Nam đã nhìn thẳng vào sự thật hơn.

Theo TS Doanh con số này đã gần hơn với tính toán của các chuyên gia trước đây và cũng sát hơn với con số mà Ngân hàng thế giới đã công bố.

"Con số đã cho thấy nợ công của Việt Nam thực chất tăng lên rất nhanh và gánh nặng nợ công rất nghiêm trọng", TS Lê Đăng Doanh nói.

Phân tích thêm tình hình thực tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Với việc vừa qua chúng ta đã phải điều chỉnh tỉ giá, gánh nặng nợ công càng trở nên nặng nề hơn đối với ngân sách. Tức là so với đồng đô la thì tiền đồng mất khoảng 5%. Con số 5% này sẽ phải chi thêm tiền đồng để có thể trả nợ công. Đây cũng là gánh nặng cần phải chú ý trong thời gian tới.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cân đối nguồn trả nợ trong Ngân sách nhà nước không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng. Vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80.000 tỉ đồng; năm 2015 là 130.000 tỉ tồng

Hơn nữa, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực.

"Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và giảm dần gây áp lực tăng nợ công", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

TS Bùi Đức Thụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng không rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên cách tính toán như thế nào để ra con số này.

Bên nào công bố sai sẽ phải chịu trách nhiệm

Theo Luật Quản lý Nợ công gồm ba bộ phận: nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Từng bộ phận phải phản ánh đúng kịp thời. Hàng năm kiểm toán nhà nước có trách nhiệm kiểm toán kịp thời và công bố số liệu này.

Luật Tổ chức Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ tổng hợp thống nhất quản lý về nợ công và công bố số liệu. Còn kiểm toán nhà nước có trách nhiệm rà soát việc công bố số liệu này.

"Như vậy bên nào công bố sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Về mặt nhà nước Bộ Tài chính chịu trách nhiệm công bố và đã được thẩm định bởi kiểm toán nhà nước", TS Bùi Đức Thụ khẳng định.

Tuy nhiên, ông Thụ cũng cho rằng, giữa số kế hoạch và số thực tiễn thường hay khác nhau. Khác nhau ở mấy điểm: một là số nợ công giả định không thay đổi (số tuyệt đối dư nợ công bao gồm tổng 3 bộ phận trên), nhưng khi tính tỉ lệ nợ công so với GDP hiện hành thì khi GDP thay đổi, nợ công cũng sẽ thay đổi theo. GDP hiện hành thay đổi lại phụ thuộc vào 2 yếu tố (tăng trưởng và chỉ số giá của nền kinh tế tăng lên)...

"Tấy cả các vấn đề này phải xem xét khi phân tích các con số. Phải xem Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vấn đề nào vào tính toán thì mới rõ được", ông Thụ nói.

Trong nhiều báo cáo gửi tới các kỳ họp Quốc hội gần đây, Chính phủ đều khẳng định nợ công vẫn ở mức an toàn. Theo Luật Quản lý nợ công 2009, phạm vi tính nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên TS Lê Đăng Doanh cho rằng không thể chủ quan để nghĩ rằng nợ công vẫn an toàn.

"Hơn lúc nào hết Quốc hội, Chính phủ cần phải đưa ra để thảo luận sớm và cương quyết về điều chỉnh giảm chi tiêu ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước. Tình hình sẽ rất phức tạp nếu chúng ta không thực sự tiết kiệm", ông Doanh nói.

Bích Ngọc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC