Nợ xấu ngân hàng dưới 3%: Thực hay ảo? Đã có 15 NH công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm. Số NH này chiếm khoảng 75% tổng dư nợ của hệ thống, nên cũng có thể hình dung cơ bản về tình hình nợ xấu của NH Việt Nam.

Trong 15 NH đã công bố, chỉ có 3 đơn vị dũng cảm để nợ xấu trên 3%, gồm NaviBank (6,1%), SHB (9,04%) và TechcomBank (5,28%). Còn lại hầu hết vẫn dưới 3%.

Trong đó có một số tăng như MB từ 1,86% lên 2,44%; Sacombank từ 2% lên 2,5%, ACB từ 2,5% lên 2,98%, BIDV từ 2,7% lên 2,78%, VietinBank từ 1,76% lên 2,10%, VietcomBank từ 2,40% lên 2,80%. Còn một số giảm: VPBank từ 2,72% còn 2,62%; TienPhong Bank từ 3,47% xuống 2,77%; OCB từ 2,8% xuống 2,5% và SouthernBank từ hơn 3% xuống còn 2,77%.

 

Nợ xấu cao hay thấp?

Nhìn vào các con số có thể thất, sổ sách nhiều NH quá "đẹp" vì nợ xấu đều ở mức an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để làm các chuyên gia lại không yên tâm. Nghi ngờ về thực tế nợ xấu còn cao hơn báo cáo chưa bao giờ giảm.

Thời gian qua các ngân hàng đã đẩy mạnh xử lý nợ xấu như thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro… nên nợ xấu đã giảm. Theo nguyên tắc, những khoản nợ xấu khi đã được trích lập dự phòng rủi ro thì phải đưa ra ngoại bảng, sẽ không thể hiện trên sổ sách nữa. Vì thế, sổ sách của các NH sẽ "đẹp" lên.

Nhưng theo các chuyên gia cho biết, trước đây đã có khoảng 270.000 tỷ đồng đã được cơ cấu nợ (theo Quyết định 780). Nếu không cơ cấu theo quyết định này thì đây là nợ xấu.

Khi cơ cấu, khoản nợ này đã tạm gác lại, lúc đầu là đến 6/2013, sau đó lại gia hạn tiếp tới 6/2014. Đến thời điểm này những khoản nợ đó đã hết thời hạn, sẽ chuyển sang nợ xấu, vì vậy số nợ xấu phải tăng lên.

Về nguyên tắc để xử lý nợ xấu có 2 cách là tăng dư nợ tín dụng mới lên, như vậy sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu xuống, nhưng trong số 15 NH trên có không ít ngân hàng dư nợ tín dụng tăng trưởng rất thấp 6 tháng qua, không thể đẩy mạnh được. Vì vậy khó làm giảm nợ xấu bằng cách này.

Tiếp theo là giảm quy mô nợ xấu. Tuy nhiên, trong số nợ xấu thì nợ xấu do BĐS gây ra chiếm tỷ lệ khá lớn. Muốn giảm thì phải giảm tồn kho BĐS, nhưng thị trường nhà đất trầm lắng, giao dịch thành công rất hiếm. Vì vậy, việc giải quyết nợ xấu theo hướng này cũng hết sức chậm chạp.

Không những thế báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước mới đây còn cho biết, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện là 6,53%, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2013 ( 5,39%).

Nguy cơ sau các con số đẹp

Việc làm "đẹp" sổ sách không hề khó với các NH bởi có rất nhiều cách. Một trong những biện pháp phổ biến nhất chính là việc hỗ trợ giải ngân các khoản vay mới cho các khách hàng để trả nợ cũ hoặc giải ngân cho các dự án đã được hoàn thành để khách hàng trả nợ cũ. Khi đó, nợ xấu không còn.

 

Nợ xấu ngân hàng dưới 3%: Thực hay ảo?_0

Việc giải ngân lòng vòng giữa các khách hàng có mối quan hệ liên minh với nhau cũng là một cách để giúp các khách hàng có dòng tiền để trả nợ và giảm nợ xấu. Nếu một khách hàng trong liên minh có nguy cơ bị nợ quá hạn hoặc nghiêm trọng hơn là bị nợ xấu, nhiều tổ chức tín dụng có thể cho một DN khác hoặc cá nhân khác trong liên minh vay để giúp khách hàng này dùng tiền vay trên trả nợ. Bằng cách này cũng làm cho nợ xấu giảm.

Ngoài ra, với tình trạng sở hữu chéo NH như hiện nay, việc các công ty xử lý tài sản mua của nhau những khoản nợ nhóm 4, nhóm 5 không phải là chuyện mới. Và nợ xấu giảm có thể do NH đang tìm cách mua chéo nợ của nhau, đảo nợ…

Theo các chuyên gia, việc đưa nợ xấu về mức dưới 3% nhằm 2 mục đích là không phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Theo quy định, các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% bắt buộc phải bán nợ cho VAMC, nhưng khi bán nợ rồi thì vẫn phải trích lập dự phòn rủi ro 20%/ năm cho số đã bán, sau 5 năm số nợ này VAMC không xử lý được thì lại trả về cho các tổ chức tín dụng.

Vì vậy nhiều tổ chức tín dụng không muốn bán nợ cho VAMC, bởi bán nợ rồi mà vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu khi còn thuộc về các tổ chức tín dụng thì họ có toàn quyền xử lý, nay phải phụ thuộc vào 1 tổ chức khác mà chưa biết thế nào. Để tránh phải bán nợ thì chỉ có cách là đưa về mức dưới 3%.

Điều thứ 2 là nếu tỷ lệ nợ xấu thấp, ở mức 3% thì đương nhiên việc trích lập dự phòng sẽ thấp và chi phí thấp, sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn. Vì vậy nhiều ngân hàng trong thời gian qua đã "nhanh chóng" xử lý để đưa nợ xấu về con số an toàn.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Cao Sĩ Kiêm cho biết, bản thân các ngân hàng lớn hay nhỏ, hoạt động tốt hay không đều có xu hướng giấu nợ xấu. Ngân hàng nhỏ giấu vì sợ nếu lộ ra sẽ bị phân biệt đối xử, khách hàng rút chạy. Còn những ngân hàng lớn, giấu nợ xấu, trích dự phòng rủi ro thiếu để tăng lợi nhuận, kích giá cổ phiếu cũng như thu hút khách hàng.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu, các ngân hàng sẽ biết được điểm xuất phát thực tế của mình ở đâu, từ đó mới có cơ sở để tìm ra thuận lợi, khó khăn mà đưa ra giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện giải pháp cơ cấu nợ, một cách hiệu quả nhất. Còn việc che giấu nợ xấu, chẳng những không phản ánh đúng thực trạng của ngân hàng, để có giải pháp áp dụng phù hợp mà còn kéo dài thời gian trì trệ NH.

Theo VEF.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC