Bác sĩ Atul Gawande, giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), có một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ và độc đáo: bác sĩ phẫu thuật ung thư, nhà văn nổi tiếng, và lãnh đạo về y tế công cộng.

1 Noi Dong Y Voi Moi Thu Truoc Tuoi 40

Bác sĩ Atul Gawande trong buổi giao lưu với sinh viên ngành y dược tại Trung tâm Hoa Kỳ ngày 17-11 - Ảnh: USAID

Phóng viên Tuổi Trẻ tóm lược và đặt câu hỏi trong cuộc giao lưu của bác sĩ Gawande với sinh viên y dược của Việt Nam tại Trung tâm Hoa Kỳ mới đây, nhân ông có chuyến công tác đến Việt Nam từ 17 đến 19-11.

* Điều gì đưa ông đến với những công việc trên và kết hợp chúng với nhau?

- Bố mẹ tôi từ Ấn Độ sang Mỹ học y và định cư ở bang Ohio. Ông bà là bác sĩ nên dĩ nhiên muốn tôi nối nghiệp. Vì muốn thử tất cả mọi thứ để khám phá bản thân nên tôi quyết định "Nói đồng ý với mọi thứ trước tuổi 40". 

Bạn biết đấy, tôi sẽ không biết mình giỏi điều gì, có khả năng làm gì nếu không thử. Trong quá trình học y tại Đại học Harvard, tôi tham gia một ban nhạc, làm việc ở đài phát thanh của trường. Tôi đăng ký học hai lớp về khoa học chính trị... Dần dà, tôi xác định mình giỏi khoa học và hợp với nghề y nhưng cũng rất quan tâm và hứng thú với các vấn đề chính trị.

Rồi một người bạn của tôi lập ra một trang tạp chí điện tử và muốn tôi viết cho trang này. Khi đó tôi đang trong quá trình đi sâu vào chuyên môn phẫu thuật. Tôi không giỏi viết nhưng vẫn nói "có" theo đúng nguyên tắc "nói đồng ý với mọi thứ". 

Tôi về nhà lúc 9h đêm và vẫn còn sức để viết 1-2 tiếng trước khi đi ngủ. Sau một năm rưỡi, tôi đã viết khoảng 30 bài. Những bài viết của tôi ban đầu cũng chỉ khoảng trăm người đọc, chủ yếu là người trong gia đình trước khi nó được hàng trăm ngàn độc giả đón nhận. 

Có ba thứ làm tôi thấy hứng thú đó là phẫu thuật, y tế công cộng và viết. Thật kỳ lạ là cả ba hòa quyện với nhau.

* Một trong những mục tiêu của y tế công cộng là nâng cao tuổi thọ. Ông tư vấn gì để Việt Nam nâng tuổi thọ kỳ vọng của người dân?

- Việt Nam là trường hợp vô cùng lý thú nếu nhìn tương quan giữa tuổi thọ trung bình và thu nhập trung bình. Việt Nam có thể đạt được mức tuổi thọ trung bình kỳ vọng cao hơn so với nhiều nước có thu nhập trung bình cao hơn Việt Nam.

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt là 75 tuổi và tuổi thọ trung bình ở Mỹ là 76 tuổi dù thu nhập bình quân đầu người của Mỹ gấp 6 lần Việt Nam. Thành thật mà nói, tôi nghĩ chúng tôi có thể học từ các bạn.

Có những thách thức để nâng tuổi thọ trung bình từ 75 tuổi lên trên 80, cụ thể là quản lý bệnh mãn tính, tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, quản lý ca nhiễm HIV, giảm tỉ lệ bệnh nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giảm tỉ lệ tử sản khoa...

Tôi nghĩ Việt Nam đang chuyển tiếp sang giai đoạn phải đối phó với các bệnh gây chết nhiều người nhất như tim mạch, ung thư và gánh nặng về sức khỏe tâm thần. Đây là những vấn đề đã có cách tiếp cận và giải quyết. 

Các bạn cần hệ thống y tế cơ sở hiệu quả với những cán bộ y tế được đào tạo tốt, trả lương tốt - những người có thể vươn ra cộng đồng, tiếp cận từng người thay vì chờ họ đến khám. Đây là những vấn đề đầy thách thức nhưng có thể đạt được.

* Làm sao những nước đang phát triển như Việt Nam có thể đóng góp vào các nỗ lực về y tế toàn cầu, thưa ông?

- Việt Nam rất cam kết với sáng kiến Một sức khỏe. Đây là sáng kiến có cách tiếp cận đa ngành và liên ngành, công nhận sự liên kết giữa con người, động thực vật và môi trường để hướng tới giải quyết các vấn đề y tế phức tạp trên toàn cầu.

Cùng với Việt Nam, chúng tôi đang nỗ lực để giảm rủi ro từ các trại nuôi động vật hoang dã để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Chúng ta biết rằng vi rút gây bệnh COVID-19 đến từ động vật hoang dã. Chúng ta không muốn mất cảnh giác với điều này vì đây là đe dọa lớn với sức khỏe toàn cầu.

* Quan điểm của ông thế nào về trợ tử, an tử? Người bệnh hiểm nghèo có quyền được chết không?

- Nghề viết đã giúp tôi có được câu trả lời. Tôi đã phỏng vấn hơn 200 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, người nhà và y bác sĩ cho họ. Bài học chính mà tôi rút ra là con người có mục tiêu sống bên cạnh việc sống để mà sống. Cách tốt nhất để biết mục tiêu của một người là hãy hỏi họ.

Nhưng trong nhiều trường hợp chúng ta đã không hỏi hoặc không biết cách hỏi phù hợp. Kết quả là nhiều người bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính đã chịu đựng đau khổ trong quá trình điều trị. 

Chúng ta cần hỏi bệnh nhân họ có biết bệnh trạng của mình không? Sẵn sàng hoặc không sẵn sàng đánh đổi những gì để được sống lâu hơn? Chất lượng cuộc sống tối thiểu họ chấp nhận là gì?

Người bệnh luôn đưa ra những câu trả lời vô cùng có giá trị giúp định hướng cụ thể cho bác sĩ. Tôi nghĩ, ở người bệnh hiểm nghèo, vấn đề không phải là quyền được chết mà là quyền được sống cho đến giây phút cuối cùng, được đi đến tận cùng của một cuộc đời đáng sống.

Tôi đã quan sát và thấy rằng phần lớn lý do người bệnh hiểm nghèo muốn chết là vì họ không được chăm sóc y tế thích hợp trong lúc phải đối mặt với đau đớn, giận dữ và bị mất kiểm soát với cuộc đời mình. 

Vấn đề không phải là giúp bệnh nhân đối diện với cái chết mà thảo luận với họ về những điều giúp cuộc sống của họ đáng sống.

Bác sĩ Atul Gawande là người sáng lập và chủ tịch của Ariadne Labs (trung tâm về đổi mới hệ thống y tế) và Lifebox (tổ chức phi lợi nhuận giúp phẫu thuật an toàn hơn trên toàn cầu).

Ông cũng là thành viên Ban cố vấn COVID-19 trong thời kỳ chuyển tiếp sang nhiệm kỳ của Tổng thống Biden và là thành viên của Viện Y tế quốc gia (Mỹ).

Ông có thâm niên viết cho tạp chí The New Yorker và đã xuất bản bốn cuốn sách nổi tiếng là Complication, Better, The Checklist Manifesto và Being Mortal.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC