Nỗi lo đi đo mắtNhững kết quả đo khám mắt chồng chéo nhau, chất lượng gọng kính khiến nhiều người lo ngại.

Tôi đưa con đi đo cắt kính ở một tiệm kính lớn trên đường Lê Lợi, kết quả: Mắt trái cận 3 độ, mắt phải 2,5 độ. Mới bữa trước trường cháu tổ chức khám mắt, mắt trái của cháu cận 2 độ, mắt phải 1,75 độ. Không lẽ sau một tuần, mắt lại nhảy độ? Tôi đưa cháu đến một tiệm kính khác và được một kết quả xa vời nữa: ¨Mắt trái cận 3,5 độ, mắt phải cận 3 độ. Vậy kết quả nào mới đúng?” (Lê Văn Thùy, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

“Đi ngang thấy họ treo bảng giảm 70% cho sinh viên, công nhân, tôi mừng quá vào ngay. Tôi chọn gọng kính Gucci với giá 1.400.000 đồng, bao gồm cả gọng lẫn tròng. Cô nhân viên ở đó cam đoan hàng chính hãng và giải thích, gọng này rẻ hơn trong cửa hàng trên đường Đồng Khởi vì đây không phải kính thời trang. Cách đây hai ngày, khi ra chợ Bến Thành, tôi đã phát hiện mắt kính giống của mình được bán với giá 350.000 đồng, cũng bao gồm gọng lẫn tròng. Tôi không tin nên cùng anh chủ cửa hàng săm soi mãi vẫn không phát hiện điểm khác biệt. Đến bây giờ tôi vẫn không biết mắt kính của mình có dỏm không?”. (Hoàng hải Minh Anh, Quận tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh).

 

Để khảo sát tình trạng đo mắt ở các tiệm kính, chúng tôi đã vào vai một sinh viên đi đo kính.

Mỗi cửa hàng một kết quả khác nhau

Dừng lại ở tiệm kính thuốc lớn trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đặt ngay yêu cầu: “Em muốn kiểm tra mắt và cắt kính thuốc”. Dẫn tôi ngồi vào chiếc máy đo điện tử là một thanh niên bảnh bao, tóc vuốt keo dựng đứng, áo sơ-mi cùng chiếc quần jeans bạc màu.

Sau mười phút loay hoay với máy đo, anh đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ với các thông số lạ lẫm. Tôi bảo: “Em không hiểu ạ!”. Anh hồn nhiên đáp: “Sao hiểu được, có chuyên môn mới hiểu” và quay sang nói điện thoại, bắt độ bóng đá.

Nhờ chị bán hàng giải thích tôi mới biết kết ẩu: Mắt trái tôi cận 1 độ, mắt phải loạn 0,75. Tôi phân vân: “Không biết số đo có chuẩn không mà cắt kính”. Chị tự hào trả lời: “Bác sĩ đã khám, khỏi lo. Bọn chị bảo hành đàng hoàng. Tuy nhiên, chị cương quyết không cho biết “bác sĩ quần jeans” kia làm ở bệnh viện nào.

Ở một tiệm kính trên đường Lê Văn Lương, quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại nhận một kết quả khác. Mắt trái 1 độ, mắt phải 0,75 độ.

Tâm lý chung của khách hàng là đến các tiệm kính thuốc kiểm tra khi thấy mắt không bình thường. Nếu chỉ dừng ở một tiệm kính thuốc, chỉ có một kết quả, bạn hoàn toàn đặt tương lai đôi mắt bạn vào tay tiệm kính đó.  Thế nhưng, nếu tham khảo từ hai tiệm kính trở lên, bạn sẽ không khỏi hoài nghi: “Tiệm kính nào đáng tin? Con số đo nào chính xác?”.

Chuyện máy đo và chuyên viên khúc xạ

Hầu hết các cửa hàng kính đều miễn phí đo mắt để “câu” khách. Khách cứ đến đo và cắt kính. Toàn bộ sự tin tưởng của khách đặt vào chiếc máy đo điện tử và cả “bác sĩ nhãn khoa” tại cửa hàng.

Theo bác sĩ Đinh  Trung Nghĩa, giảng viên đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phẫu thuật viên khoa Khúc xạ bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh: “Kết ẩu đo mắt phụ thuộc hai yếu tố: máy móc và quan trọng hơn là người có chuyên môn”. Cũng như các máy móc khác, máy đo mắt có nhiều loại. Máy móc của các hãng uy tín như Topcon, Tomey… có giá gần 500.000.0-00 đồng, trong khi máy đo nhái giá chỉ dưới 50.000.000 đồng. Tất nhiên máy “rởm” làm sao không cho kết quả “rởm” được.

Ngoài ra, bác sĩ Nghĩa cho biết: “Kết quả từ máy đo điện tử tốt cũng chỉ có tính chất tham khảo, giúp chuyên viên khúc xạ nắm sơ bộ độ khúc xạ của mắt. Bản thân chiếc máy cũng không cho kết quả giống nhau sau mỗi lần bấm. Máy tự động lấy độ trung bình các lần bấm nên kết quả chỉ chính xác ở mức tương đối. Nếu chỉ dựa vào kết quả này để cắt kính, sẽ rất nguy hiểm cho mắt. Việc dùng máy rất đơn giản nhưng để đạt được độ chính xác cần có chuyên môn của người đứng máy”.

Thế nhưng, các “bác sĩ nhãn khoa” tại không ít cửa hàng lại coi máy đo khúc xạ như một phương tiện toàn năng. Siêng năng một chút, họ sẽ thử qua thêm vài chiếc kính mẫu. Nếu trời nóng, làm biếng, họ bỏ qua khâu này luôn, chỉ cần khách cảm thấy ổn là xong. Không ai xác định được chuyên viên khám mắt ở các cửa hàng đó có đủ trình độ hay không. Thậm chí, tại một cửa hàng ở Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi còn phát hiện chuyên viên đo kính ở đây thực ra chỉ là cháu của chủ tiệm, với nghề chính là thợ sửa xe.

Hậu quả từ việc đeo kính sai lệch

Kinh doanh kính thuốc là một hoạt động của ngành Y. Người kinh doanh dịch vụ này phải có bằng y tế từ trung cấp trở lên và ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc ở cơ sở chính quy về chuyên khoa mắt. Thế nhưng quy định cũng chỉ là quy định.

Chính vì những kiểu làm việc “trời ơi đất hỡi” như thế mà không ít người bị đeo kính cận, viễn, loạn… oan. Tình trạng đó đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em.

Nỗi lo đi đo mắt_0

Cửa hàng nào giá cũng rẻ hơn 30% so với thị trường, đâu mới là chất lượng?

Em Nguyễn Minh Tâm, 18 tuổi, ngụ tại đường Minh Phụng, quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh, cảm thấy mắt bị nhoà, khó nhìn xa sau một thời gian ôn thi đại học. Sau khi đo khám tại một cửa hàng gần nhà, em bị phán: “Mắt trái cận 2 độ, phải 1,75 độ”. Không tin con mình chỉ trong một tháng đã tăng độ nhanh như vậy, bố em đưa con đến bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ bảo, mắt của em là do phải làm việc quá nhiều, điều tiết quá mức, gây khó khăn khi nhìn xa. Đây là hiện tượng cận thị giả.

Thay vì hướng dẫn bệnh nhân để mắt nghỉ ngơi, tự điều tiết lại như bình thường, các tiệm kính đo mắt miễn phí  thường tung ra một số đo trầm trọng để khách hàng phải chọn biện pháp tối ưu là cắt kính. Hậu quả là sau một thời gian đeo kính sai độ, cận giả biến thành cận thật.

Tâm lý chung của khách hàng ngại đến các bệnh viện để đo, khám vì chờ lâu, nhiều thủ tục. Thế là họ tìm đến một tiệm kính để khám cho nhanh, miễn phí và còn được giảm 50% giá khi cắt kính. Nếu “đôi mắt đặt nhầm chỗ”, bạn lại tự đẩy mình vào nguy hiểm.

Đeo kính sai độ dù là thấp hơn hay cao hơn so với độ tật khúc xạ đều rất nguy hiểm. Đeo kính có độ thấp, bệnh nhân không nhìn rõ chữ, làm mỏi mắt dẫn đến nhược thị. Đeo kính cao độ sẽ gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lâu dần mắt phải mang độ cận của kính, chất lượng công việc giảm sút…

Bác sĩ Nghĩa kể: “Trong các ca bệnh về mắt có  rất nhiều trường hợp do đeo kính không đúng độ. Một số biểu hiện của nó dễ khiến người ta nhầm tưởng sang bệnh khác và tốn tiền điều trị”.

Đó là trường hợp của một bệnh nhân nam ở Huế. Anh phải bay vào thành phố Hồ Chí Minh để gặp bác sĩ khi anh liên tục bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Lo lắng, anh đã đi khám nhiều chuyên khoa như tai mũi họng, thần kinh, thậm chí phải đi chụp não. Anh không thể ngờ nguyên nhân lại tại cặp kính anh đang đeo. Lý do chỉ vì anh đeo kính sai 0,5 độ. Sai một li đi một dặm. Không ai ngờ một sai số nhỏ lại ảnh hưởng lớn đến mắt như vậy.

Tiền mất tật mang là điều có thể

Không chỉ thế, ngoài việc nhận kết quả không đúng độ, bạn có thể bị mua hớ gọng kính tại các cửa hàng bên ngoài. Mắt kính là một trong những sản phẩm khó có thể xác định hàng thật, hàng giả nhất. Tại các cửa hàng này, bạn có thể tìm được một cặp kính Gucci, Prada, D&G có giá từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng. Nếu không cẩn thận, ham rẻ, bạn có thể mua nhầm hàng dỏm. Sau một thời gian sử dụng, lớp sơn của gọng sẽ bong tróc hoặc ra ten màu xanh, dính vào da mặt.

Những thiệt hại đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu ta cẩn thận trong việc thăm khám sức khoẻ đôi mắt. Có như thế, những tiệm kính rởm mới không tràn lan, sức khoẻ và túi tiền của bạn được bảo vệ.

Theo TT&GĐ.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC