Lo tái lạm phát, lo lãng phí, lo hấp thụ không hết, lo trả nợ, lo ném tiền vào thùng rỗng, lo có lỗi với dân…
Lo ngại này đã tiếp nối lo lắng khác khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Những con số “rùa”
Cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản báo cáo dài 20 trang chính thức + 147 trang phụ lục về "Tình hình phân bổ, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua và dự kiến kế hoạch năm 2009".
“Thời gian qua” được tính từ năm 2003 đến hết ngày 31/12 năm 2008. Trong 5 năm đó, số vốn đã giải ngân của các bộ, ngành và địa phương đạt 59.812 tỷ đồng, bằng 54% tổng số vốn trái phiếu Chính phủ của cả giai đoạn 2003-2010.
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Giao thông Vận tải chỉ có 5/181 dự án cơ bản hoàn thành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 19/62 dự án cơ bản hoàn thành.
Riêng trong năm 2008, kết quả giải ngân đạt khoảng 21.342,4 tỷ đồng, bằng 73,4 % kế hoạch. Trong đó kết quả giải ngân các dự án y tế tuyến huyện chỉ đạt 24,3% kế hoạch, các dự án giáo dục cũng chỉ đạt 41% kế hoạch.
Trong số nhiều dự án chậm tiến độ có Quốc lộ 32 đoạn Nam Thăng Long – Diễn khởi công từ tháng 10/2004 nhưng hiện còn 250 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng (trong đó có 150 hộ chưa có phương án tái định cư).
"Sự lãng phí ghê gớm"?
Mặc dù trong khoảng 3 trang nói về nguyên nhân việc thực hiện đầu tư chậm tiến độ tại bản báo cáo của Chính phủ, tuyệt nhiên không một lần nào từ lãng phí xuất hiện, song nhiều đại biểu vẫn nhắc đi nhắc lại điều này.
Mỗi năm, ngân sách bội chi 5%, chưa tính tới khoản phát hành trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư ngoài ngân sách. Nghĩa là Việt Nam phải tiếp tục đi vay cả bên ngoài lẫn trong nước, trong khi tiền lại tồn đọng trong kho bạc, ngân hàng. "Đây là sự lãng phí ghê gớm", Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói.
Cho rằng phát hành thêm trái phiếu để làm đường ôtô về các xã miền núi như cách làm lâu nay là không khả thi, vì chỉ cần một trận mưa là đường sá trôi hết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước “can” : “Đừng tiếp tục ném tiền vào thùng rỗng, Nhà nước mất tiền mà dân vẫn không được hưởng”.
Khó có thể dẫn hết các con số mà các đại biểu đã dẫn chứng cho sự “lãng phí ghê gớm” đó. Song theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì ngân sách Nhà nước đã “gánh nặng” khi con số tổng mức đầu tư tăng cao do nhiều dự án kéo dài cùng với sự biến động của giá cả: năm 2003, tổng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 63.064 tỷ đồng, đến 2006 tăng lên 110 nghìn tỷ đồng và đến nay số vốn này dự kiến lên tới 230.496 tỷ đồng.
Chính phủ cũng tính toán, nhu cầu nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2003-2010 và một số năm sau là 385.414 tỷ đồng.
“Tình trạng giải ngân chậm, một số dự án, công trình kéo dài, gây lãng phí, hiệu quả thấp, làm tổng mức đầu tư tăng cao và không có điểm dừng…”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá.
Xót xa, lo sợ, và...
Chỉ rõ “hậu quả nghiêm trọng cho xã hội” như đã nói trên có nguyên nhân từ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương còn rất thấp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói: “ Tôi thấy xót xa, chưa tròn trách nhiệm khi thay mặt nhân dân tiêu tiền như thế”.
Trước đề nghị xin phát hành thêm 11.500 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2009 của Chính phủ để kích cầu, đại biểu Thuận cho rằng “chưa có cơ sở khoa học thì đừng để năm nào cũng ùn lên rồi lại chuyển cho năm sau”.
"Chúng ta làm vài năm nữa thì nghỉ nhưng con cháu phải trả nợ như thế nào", ông đặt câu hỏi.
Và nỗi quan ngại của các đại biểu “thay mặt nhân dân quyết định việc tiêu tiền” càng tăng thêm khi năm nay, ước tính ngân sách Nhà nước có thể giảm thu từ 50.000-90.000 tỷ đồng, và sức ép tăng chi cho an sinh xã hội ngày càng lớn.
Nhưng khi đã chỉ ra hiệu quả “chưa đạt được như mong muốn”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách vẫn “đề nghị Chính phủ tính toán, có thể tăng mức phát hành đến 20.000 tỷ đồng” trái phiếu Chính phủ.
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển giải thích, qua giám sát, nhiều dự án giao thông, thủy lợi tính đồng bộ chưa đảm bảo do bố trí vốn không đủ, làm cầu mà không có đường lên cầu, có hồ chứa nước nhưng lại thiếu kênh dẫn nước…nên cần tập trung bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thuyết phục được các vị đại biểu khi thực tế năm 2008 đã cắt giảm 25% tổng vốn trái phiếu Chính phủ nhưng giải ngân vẫn không hoàn thành.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cũng “chưa tán thành tăng thêm, chỉ mức 11.500 tỷ thôi. Báo cáo của Chính phủ chưa nhìn thấy giải pháp đồng bộ”.
Mặc dù đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu “trấn an”, rằng phát hành trái phiếu là huy động vốn xã hội, nếu làm đúng mục tiêu, hiệu quả thì sẽ không thể gây ra lạm phát”, song Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng vẫn nhấn mạnh rằng ông “ cảm thấy lo sợ”.
Bởi, theo ông, việc thực hiện chậm trễ, hiệu quả thấp chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Song “chỉ thấy đề nghị tăng thôi, nhưng không đề cập gì đến giải pháp nào để thực hiện nguồn vốn này, thì tôi rất là lo sợ”, ông bày tỏ.
Vị đại biểu này đề nghị phải làm rõ giải pháp khắc phục hạn chế, nếu không thì e ngại việc trình xin ý kiến Quốc hội, mặc dù tăng vốn là cần thiết.
Theo Thời báo Kinh tế.