Do tình trạng tảo hôn, nhiều phận đời con gái sau những dãy núi non hùng vĩ miền Tây xứ Nghệ vô cùng bạc bẽo và nghiệt ngã, mang nhiều uẩn khúc xót xa…
Ở các huyện miền núi Nghệ An, tình trạng tảo hôn đang là vấn đề nhức nhối làm đau đầu các nhà chức trách. Vấn nạn này đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc thiểu số để rồi những bé gái phải bỏ học, vĩnh biệt tuổi thơ để làm vợ, làm mẹ khi tuổi đời mới mười ba, mười bốn…
Vầng trăng không tròn
Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Quế Phong- huyện miền núi rẻo cao xứ Nghệ. Trung tâm thị trấn, bộ mặt của huyện, lác đác mấy nhà cao tầng là có dáng vẻ của cuộc sống hiện đại còn các bản làng vẫn những mái nhà sàn, nhà tranh cũ kỹ, mốc thếch như những tổ chim treo ở lưng chừng núi hay gác bên bờ sông, bờ suối. Trên đường vào xã Nậm Giải chúng tôi bắt gặp 3 bé gái khoảng 12-15 tuổi ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, địu em trên lưng đi làm rẫy.
Lô Văn Hà- cán bộ văn hoá xã, người dẫn đường đưa tay chỉ: "3 đứa nớ là đối tượng các anh muốn tìm đó!". Thì ra đó là những người mẹ nhí địu con chứ không phải địu em như chúng tôi tưởng. Làm quen với 3 bà mẹ, thấy họ còn rất ngây thơ và ngờ nghệch. Thiếu phụ tên Ngân Thị Ri, 14 tuổi, nhưng đã có một đứa con gần tròn tuổi nói: "Hắn đưa vòng bạc, đưa lợn đến hỏi thì lấy thôi, ở đây ai cũng rứa mà!". "Lấy chồng có thích không?". "Không! Phải làm, phải đẻ đau lắm bọ!".
Lô Thị Sây 16 tuổi nhưng đã có 2 đứa con, một đứa 3 tuổi, đứa sau 5 tháng tuổi thì có vẻ người lớn hơn. Mắt em ngấn lệ khi kể về mình. "Em thích đi học nhưng cha mẹ bắt bỏ học lấy chồng nên phải bỏ. Khi đó em khóc nhiều lắm, nhưng …" - Sây nghẹn ngào không cất thành lời. Theo chân Hà, chúng tôi đến nhà cặp vợ chồng nhí Lô Văn Hữu ở bản Tóng. Ngôi nhà sàn làm bằng tre bị cơn lũ năm ngoái làm cho xơ xác đến bây giờ vẫn chưa được sửa sang lại. Trong nhà đồ đạc chẳng có gì đáng giá ngoài mấy cái xoong nồi méo mó. Chúng tôi cũng không thể ngờ được cô bé người gầy quắt như con mắm khô đang ngồi bóc măng nơi bậu cửa ấy lại là mẹ của đứa con 4 tháng tuổi. Thằng bé đang khóc ngằn ngặt bên cạnh mẹ có lẽ vì khát sữa. Thấy có khách, một cậu bé cầm súng cao su đang đuổi bắn chim nơi vườn chạy đến. Anh Hà giới thiệu với chúng tôi: "Đây là Lô Văn Hữu, anh chồng xạ thủ về bắn chim".
Chẳng chịu mời khách uống nước, Hữu chỉ gãi đầu cười. Hữu năm nay 14 tuổi, còn vợ là Ngân Thị Thanh 15 tuổi. Hai cô cậu đang đi học thì cha mẹ bắt phải bỏ học để làm vợ làm chồng. Hai người đang tuổi ăn, tuổi chơi được cho ra ở riêng rồi có con, cuộc sống cực kỳ vất vả và khó khăn. Theo Hữu thì nhà đói ăn thường xuyên, phải vào rừng lấy măng, đào củ, săn bắn để sống. Thanh mới ốm gần tháng trời nhưng không có tiền đi bệnh viện nên chỉ uống lá rừng và để… tự khỏi.
Thầy giáo Nguyễn Thành dạy ở trường THCS Nậm Giải cho biết: "Lớp tôi chủ nhiệm mỗi năm cũng có 3- 4 em "theo chồng bỏ cuộc chơi". Nhiều em biết mình sắp phải lấy chồng khóc sưng cả mắt đến cầu cứu thầy. Thương các em lắm nhưng chúng tôi cũng lực bất tòng tâm. Phong tục nơi đây đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào”.
Hồn nhiên như cây cỏ
Mang theo những lời ru buồn của rừng núi Quế Phong, chúng tôi đi về tuyến quốc lộ 7 để đến bảm Cọ Phạt (Môn Sơn), ở địa bàn huyện Con Cuông. Thấy chúng tôi, hàng chục đứa trẻ Đan Lai, đứa cởi trần, đứa có áo không quần, đứa có quần không áo, lem luốc chạy theo, mắt mở to tròn ngơ ngác. Đã biết ở Quế Phong và nghe anh cán bộ văn hoá xã kể về tộc người này nhưng chúng tôi vẫn rất ngạc nhiên khi thấy một đoàn bé gái 12-14 tuổi địu những đứa trẻ oặt ẹo sau lưng và hồn nhiên vạch vú cho con bú.
Thấy khách lạ, bà mẹ nhí này đã che mặt vì xấu hổ |
Những thiếu phụ nhí Đan Lai mắt to, sáng, da nâu. Bản năng làm mẹ tự nhiên ấy không che lấp hết những nét ngây thơ trên khuôn mặt trẻ con. Chúng tôi đến nhà chị La Thị Mai, sinh năm 1979 nhưng đã có 8 đứa con. Chứng kiến bữa cơm của gia đình chị chúng tôi cũng ngậm ngùi rơi nước mắt. Cả 10 người vây quanh rá cơm nguội ngắt. Theo chị Mai, hầu hết những đứa con của chị đều bỏ học từ lớp 3 lớp 4 để vào rừng kiếm cái ăn. La Thị Phương 14 tuổi, La Thị Thoa 16 tuổi, La Thị Lan 13 tuổi, nhà ở gần nhà chị Mai cũng đã có con bế con bồng. Riêng Thoa đã có hai con và đang lùm lùm một cái thai trong bụng…
Khó có thể tả hết nỗi khổ của những người phụ nữ ở chốn thâm sơn này, khi họ phải lấy chồng và sinh con sớm trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Chị em khi sinh đều tự… vận động trên sàn nhà chứ không đi trạm y tế. Bởi thế, nhiều chị em băng huyết và chết. Anh La Văn Minh nhà ở đầu bản cho biết: "Tục lệ Đan Lai là không được cho ai thấy “cái ấy” của đàn bà, kể cả chồng nên kiêng không đi trạm y tế. Đứa bé vừa sinh xong là cho tắm nước sông Giăng. Đứa mô chịu được thì sống, nỏ kể trời mùa hè hay mùa đông. Chị La Thị Thu nhà ở bên con sông Giăng, người gầy xanh xao vì hậu sản, có 2 đứa con bị chết vì hủ tục này. Ngồi nơi bậu cửa, chị hồn nhiên: "Nó không sống vì không phải con của rừng. Có chi mà buồn!".
Tiếp xúc với già bản Lô Quynh, ông cười khà khà: "Con gái bản ta vú mở mắt là lấy chồng và đẻ, đẻ như gà rừng, như lợn rừng. Con gái 12- 14 tuổi là lấy chồng, 16 tuổi lấy là muộn rồi! Ở đây nhà ít nhất là 4 - 5 đứa con còn nhiều là 15- 16 đứa". Tình trạng tảo hôn không riêng gì ở huyện Quế Phong, Con Cuông mà nó xảy ra tại hầu hết những huyện miền núi trên địa bàn Nghệ An. Chính quyền các cấp đã thực thi nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu nạn tảo hôn nhưng do nghèo đói, thất học, thiếu nhận thức và mang nặng tập tục của đồng bào nên nạn tảo hôn vẫn luôn xảy ra.
Theo Nông Thôn Ngày Nay