Nếu xuất khẩu lao động vẫn được coi là giải pháp cứu cánh thì chắc chắn kịch bản “mua rẻ, bán rẻ” của lúa gạo sẽ lặp lại với lao động Việt.

“Xuất khẩu lao động là nỗi nhục của một dân tộc” là phát biểu của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh. Phát biểu trên không chỉ khiến bộ trưởng phải đau xót, mà còn là nỗi niềm đau xót của rất nhiều chuyên gia, nhà kinh tế học trong nước.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đúng là không có gì đáng để tự hào và cũng không thể mãi bằng lòng mà coi xuất khẩu lao động là một chỉ số thành tích so sánh. Tuy nhiên, thay vì chỉ biết ngồi xấu hổ với nỗi nhục đó thì câu hỏi lớn hơn cần được trả lời là: “Nếu không xuất khẩu, lao động sẽ phải làm gì?”.

Nỗi xấu hổ xuất khẩu lao động:Đau xót thành tích làm thuê - 0

Vì sao là niềm đau?

Ông Hiếu cho biết, rất nhiều các quốc gia xung quanh Việt Nam vẫn đang xuất khẩu lao động.

Ngay cả lao động tại các nước châu Âu như Thổ Nhĩ Kì, Hy Lạp vẫn đang làm việc tại nhiều nước khác.

Việc lao động của nước này sang nước khác làm và ngược lại là xu thế hội nhập toàn cầu đã và đang diễn ra từ hàng nửa thế kỷ nay.

Việt Nam là nước có nền kinh tế còn kém phát triển, rất nhiều người lao động không tìm được việc làm.

Vì vậy, lao động trong nước phải chạy sang nước ngoài làm việc là xu thế tất yếu.

Nhìn nhận ở chiều hướng tích cực, ông Hiếu cho rằng, xuất khẩu lao động chính là giải pháp cứu cánh cho nền kinh tế khó khăn, không thể hấp thụ được lao động như của Việt Nam hiện nay.

Ngoài việc làm giàu cho đất nước thông qua hình thức chuyển kiều hối về nước cho người thân, xuất khẩu lao động còn giúp tạo công ăn việc làm, giảm áp lực xã hội.

Trong khi các nguồn tiền từ ODA không phải cho không, biếu không mà là cho vay dài hạn, còn FDI là đầu tư nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời và cuối cùng sẽ chuyển trả về nước ngoài, thậm chí để thu hút được nguồn vốn FDI, Việt Nam phải trả bằng quá nhiều ưu đãi, thì kiều hối là nguồn tiền không phải hoàn lại và đang đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thống kê cho biết, Việt Nam là nước đứng thứ 11 trong tổng số các nước đón lượng kiều hối nhiều nhất thế giới (khoảng 12,25 tỷ USD). Nhìn từ khía cạnh này, rõ ràng cách nói của Bộ trưởng Vinh chưa thể nhận được sự đồng thuận hoàn toàn.

“Vấn đề hằn sâu là những hệ lụy xấu từ việc xuất khẩu lao động trái phép, nạn buôn bán người, xuất khẩu phụ nữ… Rõ ràng đó là mặt trái của xuất khẩu lao động, vấn đề này phải được tách bạch rõ ràng và không hề liên quan với nhau”.

Theo ông Hiếu, còn một vấn đề nữa là tình trạng xuất khẩu lao động thông thường chỉ xảy ra với các nước đang phát triển và chậm phát triển. Những nước phát triển không có nhu cầu đưa lao động của mình sang nước khác làm việc. Việc này tạo ra tâm lý thua kém, nghèo nàn, lạc hậu, làm xấu đi hình ảnh của một dân tộc.

Tiếp đến là việc xuất khẩu lao động cũng đồng nghĩa với tình trạng chảy máu chất xám. Do nền kinh tế yếu kém, không hấp thụ được lao động cộng với môi trường, chính sách đãi ngộ lao động không tốt dẫn tới hệ quả người giỏi thì bỏ đi. Lao động yếu kém bị cạnh tranh, phải đi làm thuê cho nước khác.

Vị chuyên gia cho rằng, nếu đội ngũ lao động có tay nghề, trình độ có thể ở lại trong nước để cống hiến cho nền kinh tế đó là điều rất tốt. Kể cả trường hợp họ ra nước ngoài làm việc nhưng để học tập, tiếp thu những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm mới, hiện đại và áp dụng trong nước như vậy cũng tốt.

Đáng tiếc, hầu hết người có trình độ bỏ đi thì không muốn quay lại do không thể thích ứng được với môi trường làm việc tại Việt Nam. Thậm chí, có người học xong rồi vẫn không có cơ hội được thực hành. Đó là mối lo lớn cần phải tính toán.

Về phương diện xã hội, ông Hiếu cho biết với dân số khoảng hơn 90 triệu dân, khoảng 70% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam lại đang trong thời điểm dân số vàng, rất nhiều lao động trẻ, không có việc làm.

Nếu không xuất khẩu chắc chắn nền kinh tế Việt Nam và xã hội Việt Nam sẽ phải mang một gánh nặng lớn bởi áp lực giải quyết công ăn việc làm, tệ nạn xã hội.

Kinh tế Việt Nam chưa thể kỳ vọng có bước đột phá trong ngày một ngày hai để mong hấp thụ hết lượng lao động dôi dư hiện nay.

Trong khi, Việt Nam dù đã ký kết nhiều hiệp định kinh tế, hiệp định thương mại, đã tham gia vào TTP thì cũng cần có một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị và hội nhập.

Điều ông Hiếu lo ngại là sự phát triển lệch pha của nền kinh tế trong nước. Việt Nam muốn hội nhập chắc chắn phải chuyển đổi theo cơ chế thị trường, trong đó, vai trò của doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng.

Với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng teo tóp, khu vực công và tập đoàn nhà nước đang tinh giản biên chế, nếu không xuất khẩu lao động, áp lực việc làm sẽ gay gắt hơn.

Cùng với đó là vấn đề ý thức, vệ sinh an toàn thực phẩm bẩn, độc, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp... tất cả đang cho thấy xã hội Việt Nam còn rất lạc hậu, chậm phát triển chưa thật sự sẵn sàng cho thời kỳ hội nhập mới.

Kịch bản “mua rẻ, bán rẻ” có lặp lại?

Bàn về chất lượng lao động Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng “lao động Việt Nam còn ở tầng thấp”. Chủ yếu là lao động chân tay, không có ngoại ngữ, thiếu trình độ, thiếu chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật kém… rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.

"Một khi, chất lượng lao động không được nâng lên, thị trường lao động trong nước lại đang bị cạnh tranh khốc liệt. Nếu xuất khẩu lao động vẫn được coi là giải pháp cứu cánh thì chắc chắn kịch bản “mua rẻ, bán rẻ” của lúa gạo sẽ lặp lại với lao động Việt.

Đã có nhiều trường hợp được ghi lại cảnh bị chủ ép lương rồi hành hung, ép giờ và tương lai sẽ còn tiếp tục ghi nhận nhiều hình ảnh như vậy nữa”, ông Hiếu lo lắng.

Vì thế, vị chuyên gia cho rằng đề giải quyết vấn đề trước mắt Việt Nam cần phải đặt vấn đề đào tạo và nâng cao tay nghề của đội ngũ lao động trong nước một cách bài bản, quy mô, gắn liền với thực tế.

Không thể tiếp tục coi xuất khẩu lao động là cứu cánh của cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phải có một chiến lược tầm vĩ mô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển lên.

Nghiên cứu đã cho thấy, khu vực tư nhân chính là khu vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng cũng như tạo ra công ăn việc làm chính cho người lao động.

Vì thế, khi khu vực này phát triển, nền kinh tế sẽ phát triển, người lao động sẽ có việc làm.

Ông Hiếu cũng đặt vấn đề cần phải tinh giản biên chế, thu gọn lại bộ máy. Vì theo ông, chi ngân sách quá nhiều để nuôi bộ máy hành chính cũng gây lãng phí, phân tán nguồn lực, thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển, sản xuất.

“Rõ ràng, vấn đề lao động đang là nỗi bức xúc rất lớn. C

ác cơ quan chức năng chưa thể kiến tạo cho đủ việc làm ở trong nước nhưng khi xuất khẩu lại không thể đáp ứng được. Trong khi đó, ngân sách thâm hụt, bội chi qua lớn, chi phí thường xuyên tăng cao… tất cả lại đang để nuôi bộ máy hành chính quá cồng kềnh, lãng phí. Đó cũng là nguyên nhân”, ông Hiếu nói.

Lam Lam

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC