Cái bệnh báo cáo vống lên và tô hồng của không ít cán bộ không thay đổi theo năm tháng. Làm lãnh đạo phải theo sát thực tế cuộc sống, chứ đừng ngồi bàn giấy phòng máy lạnh nghe cấp dưới báo cáo tô hồng rồi tuyên bố lên báo chí thì người dân họ cười cho.

Đa số bạn đọc gửi phản hồi về Tuổi Trẻ Online cho rằng báo cáo của Bộ Công Thương nói nông dân trồng lúa lời 100% là báo cáo láo, không đúng thực tế.

1 Nong Dan Trong Lua Loi 100 Nhieu Ban Doc Noi Bao Cao Lao

Nông dân An Giang thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 tại các huyện Phú Tân, Tịnh Biên và Tri Tôn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Lời gì dữ thần vậy mấy ông!

Bạn đọc Lê Trung phản hồi với báo cáo của Bộ Công Thương: Tính toán lợi nhuận phải tính đúng, tính kỹ. Có thể Bộ Công Thương chủ yếu tính chi phí phân, thuốc, công phun xịt, thu hoạch... nhưng họ quên đi tiền thuê đất, tiền nhân công lao động.

Nếu giá lúa bây giờ đạt 6.500 đồng/kg, trừ chi phí hết luôn 1 công (1.000m2), nông dân còn được khoảng 3 triệu. Nhưng trừ tiếp tiền thuê đất vụ đông xuân 1,5 triệu đồng/công, cộng cả tiền công nhật thì lợi nhuận giảm rõ rệt. Bấy lâu nay khi hạch toán lợi nhuận, hầu hết mọi người đều quên phần này.

Cùng chung quan điểm, bạn đọc T.V.H. cho rằng hiện nay nông dân trồng lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lợi nhuận 50% đã là một con số không tưởng, khi điệp khúc mất giá được mùa, mất mùa được giá.

Nhưng ví dụ có lời 50% thật đi, thì nên lưu ý đó là sau khi 3 tháng trời ròng rã gieo trồng, còn chưa tính thời gian chuẩn bị đất trước và sau trồng.

Không tính số ít đặc biệt thì không phải nhà nào cũng có 10 công đất (1ha) canh tác đâu. Nhưng tính theo số liệu bài báo nói luôn là 25 triệu/ha. Vậy lời 12,5 triệu cho 3 tháng. Vậy mỗi tháng thì "lợi nhuận ước tính" được khoảng 4,1 triệu.

Bao nhiêu đây mà trang trải toàn bộ cuộc sống cho cả gia đình (thường là 3 thế hệ). Thì làm sao mà khá nổi.

Cùng đưa ra cách tính, bạn đọc Toàn Nguyễn cho biết mình là con nhà nông chính gốc. "Hiện gia đình tui vẫn trồng lúa. Bộ Công Thương nói trồng lúa lời 100% đó là con số không tưởng, phi lý.

Mỗi vụ đông xuân nông dân lời chưa tới 30%, còn vụ hè thu và thu đông thì từ hòa hoặc lỗ. Đây là thực tế hiện nay tại miền Tây.

Nông dân cố gắng bám ruộng đồng vì lo cho con cháu học hành, mượn trước bán lúa trả sau. Thống kê từ đâu mà có số lời 100% dữ thần vậy mấy ông thần!", bạn đọc Toàn Nguyễn viết.

Báo cáo láo?

Cho rằng những báo cáo của Bộ Công Thương là xa rời thực tế, báo cáo láo, bạn đọc 5 Mì Lát bức xúc: Những báo cáo láo trước đây chưa đủ nên xuất hiện thêm báo cáo láo nữa. Không biết đến bao giờ mới hết loại báo cáo như vầy!

"Thà mấy ông không phát biểu linh tinh còn đỡ bực. Nông dân mần lúa lời được 30% là mừng lắm rùi mấy cha. Cán bộ mình nên ra thực tế cái, chứ học vị giấy không thì chán lắm", bạn đọc Trương cùng bày tỏ.

Còn bạn đọc Trần Kiên nêu vấn đề: Nông dân mần lúa mà lời 100% là theo cách tính của mấy bác mang giày tây, mặc comple, "cấy lúa" trên bàn thôi. Chứ bà con nông dân xứ tui, có mùa còn trắng tay mà.

"Ruộng tự có nước, tự cày bừa à. Hạt giống tự có, phân bón, thuốc thang, công cấy, công giặm, công làm cỏ, công gặt, phơi, tất cả đều miễn phí hết à ông cán bộ, mà lãi 100%. Chắc phải cho mấy ông về vườn cắm câu, mần ruộng mà ngẫm nghĩ", bạn đọc Danh Nam tếu táo.

Cùng chung quan điểm, bạn đọc Tâm viết: Cái bệnh báo cáo vống lên và tô hồng của không ít cán bộ không thay đổi theo năm tháng.

Làm lãnh đạo phải theo sát thực tế cuộc sống, chứ đừng ngồi bàn giấy phòng máy lạnh nghe cấp dưới báo cáo tô hồng rồi tuyên bố lên báo chí thì người dân họ cười cho.

"Với ngành nông nghiệp, Bộ Công Thương quen làm việc theo lối đoán cua trong lỗ. Ông nào quen làm như vậy thì thử xuống mần lúa cho nông dân học tập, nhằm thu lời 100%.

Nông dân sẽ phong ông ấy là "Thần nông". Còn nếu không được thì xin Chính phủ cho ông ấy về vườn luôn", bạn đọc Tran Hữu Vy đề xuất.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC