Cau khô đội giá gấp 5
Những ngày này, 50 nhân công phụ trách ở các công đoạn khác nhau trong quy trình sấy cau khô luôn tất bật tại xưởng sản xuất ở xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định). Xe chở cau tươi đến, đưa cau khô đi tấp nập trong bối cảnh giá hàng tăng cao vút, gấp 5 lần bình thường.
Mùa thu hoạch năm nay, bà con nông dân xã Hải Đường - địa phương truyền thống trồng cau - mừng ra mặt vì hàng được giá. Nếu như năm trước, giá cau chỉ dao động 20.000-25.000 đồng/kg, thì nay mức 90.000-98.000 đồng/kg cau tươi vẫn... dễ bán.
Nguồn thu của gia đình chị Anh nhờ vào việc trồng, sấy cau khô xuất khẩu (Ảnh: NVCC).
Cả làng đang vào mùa thu hoạch lớn nhất trong năm. Các nông hộ ví von cau đắt như vàng, chỉ cần 1 tạ cau là mua được 1 chỉ vàng.
"Nếu như năm trước, một hộ trồng cau cạnh nhà tôi cả vụ thu hoạch chỉ được 40 triệu đồng thì năm nay phải thu về 400 triệu đồng, gấp 10 lần", chị Anh kể.
Ngoài 1.000 cây cau trồng tại vườn, công việc chính của gia đình chị Anh là đại lý thu mua, sấy cau khô xuất khẩu. Không chỉ tìm nguồn hàng ở huyện Hải Hậu, chị còn mở rộng nhập mặt hàng này ở Đắk Lắk, thậm chí ở Thái Lan, Myanmar.
Đến nay, gia đình chị có hơn 20 năm làm nghề trồng, sấy cau xuất khẩu. Từ một thợ bẻ cau thuê ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), ông Phạm Văn Định (bố của chị Anh) đã mang giống cau về vườn nhà trồng.
Sau này, nguồn cung về cau tươi trong làng dồi dào, ông bắt đầu lập xưởng, làm lò sấy khô để xuất khẩu sang Trung Quốc do thị trường này ưa chuộng cau khô Việt Nam.
Giải thích việc Trung Quốc ưa thích mặt hàng này, chị Anh cho biết, những miếng cau khô được thương lái nước bạn thu mua về để phục vụ việc sản xuất kẹo cau. Đây là một món ăn truyền thống được người dân đất nước này ưa chuộng.
Trải qua 5-6 ngày sấy khô với quy trình nghiêm ngặt, những mẻ cau mới đủ tiêu chuẩn xuất bán (Ảnh: NVCC).
Từng thưởng thức loại kẹo này, chị Anh cho biết kẹo có vị ngọt nhẹ, cay the như kẹo gừng và có khả năng giữ ấm cơ thể, chống viêm họng. Ở Việt Nam, cau chủ yếu được dùng cho lễ nghi tuyền thống hoặc phục vụ tục ăn trầu, còn ở thị trường hơn một tỷ dân, nhu cầu sử dụng cau làm kẹo rất lớn.
Chính vì vậy, nhiều địa phương ở huyện Hải Hậu chủ lực đầu tư trồng cau xuất khẩu. Trồng cau có lợi thế không mất công chăm sóc kỹ lưỡng như cây ăn quả. Với người dân nơi đây, cây cau cho nguồn thu nhập chính.
Thu gom cau xuyên biên giới
Từ đầu tháng 9, ngày nào gia đình chị Anh cũng thu mua khoảng 50 tấn cau tươi, trong đó tầm 30 tấn được chuyển ra từ Đắk Lắk. Địa phương này có thổ nhưỡng tốt, cau trồng cho năng suất gấp đôi so với các tỉnh phía Bắc.
Theo chị Anh, bước sang tháng 10, sản lượng cau đã giảm, trung bình mỗi ngày gia đình chị chỉ gom được 15 tấn hàng, dù nhu cầu thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn. Bố và em trai chị được cắt cử đến nhiều địa phương để tìm kiếm nguồn hàng.
Cau tươi được các chủ xưởng thu mua ở nhiều địa phương (Ảnh: NVCC).
Để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, một mẻ cau sấy phải qua quy trình 5-6 ngày trong lò. Với lượng hàng khổng lồ, gia đình chị phải thuê thêm 50-60 người làm các khâu bẻ cành, bốc vác, công nhân ngày đêm canh lò, phân loại hàng.
"Mỗi ngày, gia đình tôi phải tiếp 5-7 đoàn thương lái Trung Quốc sang gom hàng. Tuy nhiên, để cho ra lò mẻ cau sấy đáp ứng yêu cầu của khách cũng rất kỳ công. Cau sấy khô bán ra có giá trung bình 500.000 đồng/kg", chị Anh cho hay.
Cau tươi phải qua nhiều khâu xử lý trước khi sấy (Ảnh: NVCC).
Mùa cau chỉ diễn ra vài tháng trong năm. Tuy nhiên, với đầu tư quy mô lò sấy lớn, gia đình chị Anh đã mở rộng phạm vi thu mua ở thị trường nước ngoài. Chị này cho biết, quả cau của Thái Lan giá rẻ hơn cau Việt Nam.
Chị Anh chia sẻ: "Gia đình tôi có kết hợp với người ở bên Thái để thu mua nguyên liệu vào những tháng đầu năm, khi chưa đến mùa cau ở Việt Nam. Có như vậy, lò sấy mới không phải tạm dừng, có thể tạo thu nhập quanh năm".
Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm gia đình chị Anh có thể thu về khoảng 10 tỷ đồng. Những vườn cau hướng thiên thẳng tắp, quả sai trĩu đã thay đổi cuộc sống của gia đình chị cũng như nhiều nông hộ trong làng thời gian qua.
Trao đổi với Dân trí, Chủ tịch UBND xã Hải Đường Trần Thanh Huyên cho biết, diện tích trồng cau tại địa phương đạt trên 100ha. Năm nay, do ảnh hưởng của bão Yagi, năng suất cau không bằng mọi năm. Tuy nhiên, thương lái hiện thu mua loại nông sản này với giá rất cao so với những năm trước.
Theo Chủ tịch UBND xã Hải Đường, gia đình ông Định là một trong số những đại lý làm cau sấy lớn. Ngoài thu mua tại địa phương, gia đình còn nhập cau tươi ở nhiều thị trường nước ngoài.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí