Quá tải, phải xếp hàng chờ đợi lâu là nguyên nhân khiến người dân ngại, sẵn sàng bỏ ra vài chục ngàn đến một trăm ngàn đồng để nhờ "cò" cho được việc. Từ đó, một đội ngũ xe ôm kiêm "cò" làm dịch vụ ứng tiền, cầm biên bản đi đóng phạt giùm người dân tồn tại nhiều năm qua ở các điểm xử phạt của các đơn vị CSGT, CSTT, Thanh tra giao thông...
Năm 2008, chỉ tính riêng lĩnh vực TTATGT đường bộ và đường thủy, đã ra quyết định xử phạt tới hơn 1,3 triệu trường hợp vi phạm với số tiền 174,7 tỷ đồng; Phòng CSGT đường thủy và Thanh tra GTVT cũng ra quyết định xử phạt hơn 74,3 ngàn trường hợp, tổng số tiền vi phạm nộp phạt vào Kho bạc Nhà nước cũng lên tới trên 33 tỷ đồng…
Như vậy, hệ thống Kho bạc Nhà nước mỗi ngày sẽ có thêm ít nhất từ 100 tới 200 người đến nộp phạt mỗi điểm giao dịch. Trong khi đó tại mỗi điểm thu nộp của kho bạc, chỉ có từ 4-8 nhân viên làm việc nên khi đi nộp tiền, nhiều người dân đã không tránh khỏi chuyện phải nhờ... "cò".
Ai cần, phải tự dò hỏi, kiếm tìm…
Điểm giao dịch số 1 của Kho bạc Nhà nước quận 1, nơi dẫn đầu về số thu ngân sách của TP HCM với hàng tỷ đồng mỗi ngày là một địa điểm nằm gọn trong khuôn viên tầng trệt căn nhà rộng hơn 40m2, một nửa phía ngoài đã được đơn vị này tận dụng làm nơi để xe cho khách.
Lượng người đến giao dịch luôn đông nghẹt và cả chỗ ngồi làm việc của cán bộ, nhân viên ở đây chỉ bó hẹp trong một khoảng rộng chừng hơn 20m2, lại nằm phía dưới của phần gác lửng thấp lè tè.
Một hàng ghế nhựa khoảng chục chiếc được kê sát tường đã không đủ chỗ cho người dân ngồi chờ đợi đến lượt nộp phạt nên phải kẻ đứng, người ngồi, vây kín lấy quầy giao dịch trong lúc cán bộ, nhân viên kho bạc phải làm việc luôn chân luôn tay trong cái nóng và hơi người ngột ngạt thì khó có thể tránh khỏi sự bực bội, cộc lốc khi giao tiếp với người dân.
Địa điểm thu phạt, nộp thuế của Kho bạc Nhà nước quận 5 trước đây nằm ngay trên đường Trần Hưng Đạo, trên địa bàn quận nay đã được dời về tuốt dưới đường Tháp Mười, phường 2… quận 6.
Tương tự, các địa điểm để người dân tới nộp thuế, nộp phạt của Kho bạc Nhà nước quận 3, Gò Vấp, Phú Nhuận… đều nằm sâu trong hẻm nên người dân mỗi khi có việc liên quan tìm được đến nơi không phải dễ. Mặc dù tại các điểm xử phạt vi phạm hành chính luôn dán công khai địa chỉ kho bạc hoặc bố trí cán bộ xử lý trực tiếp hướng dẫn địa chỉ kho bạc cho người dân trong lúc trao quyết định xử phạt.
Nhưng chính từ kiểu độc quyền của kho bạc "ai cần, phải có nghĩa vụ tự dò hỏi, kiếm tìm" là nguyên nhân khiến người dân ngại, sẵn sàng bỏ ra vài chục ngàn đến một trăm ngàn đồng để nhờ "cò" cho được việc. Từ đó, một đội ngũ xe ôm kiêm "cò" làm dịch vụ ứng tiền, cầm biên bản đi đóng phạt giùm người dân tồn tại nhiều năm qua ở các điểm xử phạt của các đơn vị CSGT, CSTT, Thanh tra giao thông...
Vì sao đi nộp phạt phải thuê "cò"?
Có cầu ắt có cung, đội ngũ cò kiêm xe ôm đông đảo phía trước Đội CSGT số 1 hoạt động khá ồn ào, công khai từ nhiều năm qua, nhưng lực lượng Công an, trật tự đô thị phường có mặt chỉ để sắp xếp trật tự chứ không thể đuổi hay xử phạt bởi giao dịch chỉ diễn ra trong chớp nhoáng.
Hỏi một "cò" đóng phạt trá hình là xe ôm tên Sáu, rằng: "Làm "cò" vậy không sợ bị phạt sao?". Anh này thản nhiên trả lời: "Đây là giao dịch dân sự, người dân có tiền, không muốn phải chờ đợi để được nộp phạt, thuê thì chúng tôi làm thôi".
Mặc dù từ Đội CSGT số 1 ra tới kho bạc quãng đường chỉ khoảng 1km nhưng anh Nam vừa nhận quyết định xử phạt ra đã giao liền cho "cò" đi nộp phạt với giá tiền công là 30 ngàn đồng rồi thản nhiên cho biết: "Tôi biết Kho bạc nằm gần đây nhưng trả tiền dịch vụ để "cò" nộp giùm cho nhanh, mình ngồi đây uống cà phê, khỏi mất công ra kho bạc ngồi chờ đợi".
Để lý giải cho việc tại sao đội ngũ "cò" nộp phạt xuất hiện nhiều lần mỗi ngày đến mức nhẵn mặt tại Kho bạc mà vẫn được nộp tiền cho hết người nọ tới người kia một cách nhanh chóng; không bị "hỏi thăm" hay gặp trở ngại gì… Ngay cả khi "cò" mang liền lúc cả xấp quyết định xử phạt tới nộp.
Tiến hành quan sát tại một số điểm thu phạt, chúng tôi nhận thấy thủ tục nộp phạt hết sức "thoáng". Chỉ cần cầm quyết định xử phạt tới nộp vào quầy, ngồi chờ gọi tên là đóng tiền, lấy biên lai rồi về, khỏi cần ký tên người nộp trên biên lai thu tiền phạt hoặc xuất trình chứng minh nhân dân đúng tên người nộp phạt.
Chính sự dễ dãi trong việc thu phạt của kho bạc đã là kẽ hở tạo… đất để "cò" tồn tại chứ chưa đề cập đến vấn đề "quen biết" giữa "cò" và nhân viên thu phạt tại điểm giao dịch để được nộp nhanh. Và như vậy, những người vi phạm chỉ cần ung dung ngồi một chỗ, bỏ tiền ra thuê "cò" là xong khỏi nhọc công, khi đó tính răn đe của việc xử phạt vi phạm đã không còn nhiều tác dụng!
Kết quả trong một đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu phát triển thành phố do Thạc sỹ Dư Phước Tân làm Chủ nhiệm được công bố mới đây cho thấy: Có đến 61% trong tổng số 300 người được lấy ý kiến trong lúc đi nộp phạt vi phạm hành chính về TTATGT cho rằng hình thức và quy trình xử phạt quá rườm rà.
Mặc dù mục đích của việc xử phạt các hành vi vi phạm về giao thông nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung là mang tính răn đe để người vi phạm e ngại, không dám tái phạm lần sau. Nhưng quy trình xử phạt, nộp phạt càng khó khăn bao nhiêu, nhu cầu thuê "cò" làm hộ của người vi phạm càng xuất hiện nhiều bấy nhiêu.
Cũng theo kết quả nghiên cứu nêu trên: Đã có một bộ phận không nhỏ người vi phạm sẵn sàng chấp nhận trả tiền phạt để đạt được mục đích công việc, thì quy trình xử phạt, nộp phạt rườm rà, phiền hà sẽ không có tác dụng răn đe, mà ngược lại, chỉ góp phần nuôi "béo" cho đội ngũ "cò" nếu không bắt buộc được chính người vi phạm phải đi nộp phạt.
Theo CAND.