nhom-loi-ichNhiều ông bố bà mẹ cho con đi du học, ai hỏi thì trả lời ngoài miệng là cho con đi nước tân tiến để mở mang đầu óc. Nhưng bên trong, không ít bậc cha mẹ tính toán sao cho con học xong ở lại xứ người, còn nếu về nước phải vào được “chỗ bở ăn”.

Cứ nhìn những bản lý lịch đẹp mà xem. Thí dụ: cha làm phó giám đốc ngân hàng, mẹ là chủ nhiệm khoa bệnh viện; hoặc cha làm cục phó ở dầu khí, mẹ hiệu trưởng trường điểm… Những “cặp đôi hoàn hảo” như thế có rất nhiều trong cuộc sống hôm nay.

Thiên hạ khôn như vậy, còn mình không lẽ cứ bắt con đi cày chân chính? Thế là các bậc làm cha làm mẹ phải tính nước cho con. Bởi ở công sở của cha mẹ cũng có thí dụ nhãn tiền. Có một vị trí ngon còn bỏ trống, giới thiệu ai cũng không đủ tiêu chuẩn. Rồi bỗng một ngày đẹp trời, có một đứa lạ mặt, chả có một tiêu chuẩn nào, đến ngồi chễm chệ. Đó là con một ông sếp mà cơ quan là cấp dưới. Tệ nhất là mọi người đều “À ra thế chứ”, như thầm công nhận việc phải thế, coi như đúng luật đời.

 Một cô giáo đang say mê theo đuổi học hành, vừa dạy học vừa theo đuổi nghề nghiên cứu văn học. Bà mẹ ở quê hỏi lương cô bao nhiêu. Rồi bà la lên: “Tưởng lương bao nhiêu, chứ có 5 triệu đồng thì sao phải bỏ vào tận Sài Gòn? Ở nhà, chúng nó lên Hà Nội đánh giày còn hơn thế!” Cô gái khóc, vừa thương mẹ quê nghèo chỉ lo tiền, vừa thương mình sao cứ sống chết với nghề nghiệp khó khăn...

Trong khi đó, ở bất kỳ một xóm nào đấy thuộc thành phố, đều có thể thấy cảnh này: một gia đình không phải của ông to bà lớn, chỉ làm chức cỏn con trong sân bay, cán bộ làng nhàng một cơ quan quyền lực, thậm chí làm nhân viên hành chính thôi, vậy mà lo cho con cái rất ghê: vừa nghỉ hè chưa ai kịp làm gì, đã thấy nhà ấy xuất hiện thầy dạy kèm học hè; giờ học của lũ con, bố mẹ cũng không dám làm ồn... Quyết tâm đổi đời bằng tương lai con cái. Rồi những đứa con vào được vị trí tốt. Khi bố buôn lậu bị bắt, con chạy cho bố ra, vậy là bõ đồng tiền đầu tư cho con ăn học!

 Nhưng tiền nhiều cũng chẳng dám bất cần ai. Cuộc sống không nương nhờ lẫn nhau, không có người quen thì khi đau ốm làm sao có thầy thuốc giỏi đến chữa, xin việc cho con ai mà giúp đỡ. Tiền càng nhiều, càng phải mở quan hệ. Cuộc sống đầy bất trắc, có dám bảo không cần quen ai hay không? Phải quan hệ để khi ra sân bay, gọi cô A để tránh khám xét; để khi lỡ đau ốm dù nhiều tiền nhưng bệnh viện tư lại không có chuyên khoa giỏi, vào viện công thì gọi cô B cho khỏi xếp hàng. Nhiều đầu dây mối nhợ kết bè nó mới ra cái tên gần đây hay nhắc là “nhóm lợi ích”.

 Thế nên con học gì, phải tính toán. Các chuyên gia cứ ra sức phân tích là nên cho con tự chọn ngành học theo năng lực. Nhưng con cái phải là phương tiện tiền – quyền. Thế mới không bõ công đầu tư!

Theo SGTT. 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC