Ước lương tăng nhanh như giá xăng
Không còn cảm thấy sốc, cũng chẳng thấy bất ngờ khi giá xăng tăng bởi điệp khúc "xăng tăng giá" đã trở nên quen thuộc với người dân. Điều khiến mọi người lo lắng bây giờ là làm thế nào để có thể tồn tại với đồng lương eo hẹp khi sẽ phải đối mặt với một đợt "bão giá" mới đang chực chờ đổ bộ.
Chị Nguyễn Thị Phương ở Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) là người có tâm trạng như vậy, song chị thắc mắc: "DN xăng dầu đầu mối than lỗ, chỉ vài ngày sau đã được Bộ Tài chính cho điều chỉnh tăng giá ngay, còn quyết định tăng lương tối thiểu cho người lao động có rồi lại hoãn thêm vài tháng nữa. Sao chuyện tăng giá xăng dầu không hoãn vài tháng như chuyện tăng lương?".
Như đợt tăng giá trước, ngoài việc phải chi thêm tiền xăng cho vấn đề đi lại hàng ngày, mỗi ngày đi chợ mua đồ ăn cho gia đình, chị cũng phải bỏ thêm 20.000 - 30.000 đồng. Sắp tới, giá cả lại leo thang theo giá xăng chắc phải bỏ thêm gần ấy tiền nữa mới đủ đi chợ. Cộng lại, số tiền của người dân phải bỏ ra cho mỗi lần tăng như vậy lại không hề nhỏ.
"Lương công chức ba cọc ba đồng, làm ba năm mới được tăng lương một lần, trong khi xăng một tháng tăng tới ba lần. Cứ vậy làm sao sống nổi? Giá mà lương của cán bộ công chức nhà nước và dân lao động chúng tôi cũng tăng nhanh như giá xăng dầu thì sẽ chẳng ai kêu khó than khổ làm chi", chị Hà vừa than vừa ước.
Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, tiểu thương đều khẳng định giá thực phẩm kiểu gì sẽ "nhảy" theo giá xăng dầu. Tuy nhiên, họ cũng ngán ngẩm, kêu thán chẳng kém người dân khi xăng ào ào tăng giá còn chợ càng ngày càng ế ẩm.
Theo chị Thảo, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), giá xăng tăng thì giá thực phẩm tăng theo là điều bình thường. Tuy nhiên, tăng dồn dập như vậy thì chẳng ai vui và muốn vì giá càng tăng chợ càng ế.
"Ngày trước, có những khách quen, một tuần ghé hàng mua thịt tới 5 -6 lần mà số lượng mua mỗi lần thường 5-7 lạng. Giờ, tăng nhiều lần liên tiếp, vẫn những khách quen đó nhưng số lần ghé hàng thịt mua đã giảm đi phân nửa, mỗi lần mua cũng chỉ còn 2-3 lạng nữa. Dân hết tiền cái gì cũng được liệt vào danh sách cần cắt giảm, ngay cả với khẩu phần ăn hàng ngày", chị Thảo ngán ngẩm.
DN sản xuất: Vật vã mưu sinh
Nhiều DN khi được hỏi tới chuyện xăng tăng giá đều khẳng định giá thành chi phí đầu vào sẽ tăng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc tăng giá thành đầu ra các sản phẩm lại không thể bởi DN nào cũng sợ sức tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm thêm.
"Doanh nghiệp đang chồng chất khó khăn, doanh thu trên đà sụt giảm vậy mà các loại chi phí đua nhau tăng. Từ đầu năm tới giờ, đơn hàng liên tục giảm trong khi giá điện, xăng tăng không ngừng "nhảy múa". Giờ DN chỉ biết cắn răng chịu đựng, cắt giảm những khoản chi không cần thiết để giá thành đầu ra không bị đẩy lên cao" - ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó tổng giám đốc tập đoàn Thạch Bàn - chuyên sản xuất các loại gạch xây dựng - cho biết.
Ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Công ty Trường Biện chuyên sản xuất thép, nói rằng ngành sắt thép đang tồn kho cả núi hàng, những DN nhỏ đang dần đuối sức, vật vã mưu sinh vì không tìm được lối thoát.
Cán thép tiêu thụ dầu FO là chủ yếu nên khi giá dầu tăng, giá thành đầu vào cũng sẽ tăng mạnh. Còn giá xăng tăng chỉ ảnh hưởng gián tiếp qua chi phí vận chuyển nhưng nó cũng là yếu tố cấu thành đẩy giá sản phẩm nên cao. "Ở vào thời điểm này, khi mọi chi phí đầu vào cho sản xuất thép tiếp tục đội giá lên sau mỗi lần xăng dầu tăng, thì đầu ra vẫn đứng yên đang khiến các DN đau đầu bởi không biết xoay kiểu gì để có thể tồn tại được".
Tương tự, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Thúy Đạt (
Ông Châu lý giải, với DN chuyên làm hàng xuất khẩu, hàng hóa thường xuyên phải vận chuyển ra cảng và sân bay để xuất đi các nước, vì vậy khi xăng tăng giá, giá thành sản phẩm chịu tác động rất lớn giá bởi giá vận chuyển tăng, chưa kể giá nguyên liệu đầu vào. Theo thông lệ, chi phí đầu vào tăng thì đầu ra cũng phải tăng để cân bằng. Tuy nhiên, vì là hàng xuất khẩu nên không dễ để tăng giá đầu ra bởi còn để đảm bảo tính cạnh tranh, nếu không sẽ mất khách. Cuối cùng, để tồn tại được, doanh nghiệp lại phải gồng mình giữ giá.