Ông lão đội mưa tình nguyện gác tàu Hơn 10 năm nay, ông Lợi sống côi cút một mình với nghề nhặt rác và tình nguyện đứng gác đường tàu. Nhờ việc làm nghĩa hiệp của ông mà nhiều người đã được cứu khỏi "lưỡi hái tử thần".

 Một ngày của ông Đặng Văn Lợi (56 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bắt đầu từ 5h sáng. Tranh thủ trời mát, người đàn ông gầy nhom, quần bạc màu rộng thùng thình, lại đi khắp các ngõ ngách của quận nhặt rác rồi về lại khu vực đường ray không có gác chắn ngay phía sau nhà để gác tàu.

Tại đây, ông Lợi mắc võng tạm trong ngõ nhà dân cánh đường tàu 7m, vừa làm chỗ nghỉ ngơi đọc sách, vừa để tiện việc nhắc nhở người dân không qua lại đoạn đường tàu khi có tàu chạy qua. Những ngày mưa gió ông lại che tạm tấm ni-lông đứng gác. Có hôm người ông ướt sũng, run cầm cập vì lạnh, nhiều người khuyên vào nhà nghỉ nhưng ông nhất quyết: "Chừng nào còn tàu qua đây tui còn làm. Mình vì lạnh, vì sợ ốm mà không gác tàu, nhỡ có chuyện gì thì ân hận lắm".

Điểm giáp giữa tổ 18 và 19 Chơn Tâm từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh về những vụ tai nạn thương tâm. Khu vực này đông dân cư, các dãy phòng trọ sinh viên. Do đường tàu hình vòng cung nên khi có tàu chạy qua nhiều người bị khuất tầm nhìn.

Theo một người dân sống, cung đường tàu này đã có ít nhất 15 vụ tai nạn. Gần đây nhất, người cha từ Quảng Nam ra thăm con đang trọ học ở đường Nguyễn Khuyến trong lúc đi mua bếp gas cho con gái, vừa bước xuống đường ray thì đoàn tàu ập tới, kéo lê 30 mét khiến ông tử vong tại chỗ.

Năm 2002 thành phố Đà Nẵng cho xây dựng một barie kiên cố không cho phương tiện lưu thông qua điểm đen này nhưng theo thói quen và tiện đường mua sắm đồ đạc nên nhiều người vẫn đi bộ, dắt xe đạp qua đường ray. "Mọi người vì ngại đi đường xa nên cứ liều mình chạy qua, bất chấp tính mạng nên tôi phải đứng gác để đảm bảo an toàn cho người dân. Mong trời thương cho cái sức khỏe để mà làm", ông Lợi nói.

Ông lão đội mưa tình nguyện gác tàu_0
Tuyến đường tàu sát khu dân cư. Ảnh: Nguyễn Đông

Từ khi gác tàu không lương, ông Lợi không nhớ mình đã cứu sống bao nhiêu người. Chỉ có những người dân sống quanh đường tàu này là nhớ như in "chiến tích" của ông. Anh Nguyễn Văn Phi, một người hàng xóm của ông Lợi, kể: "Có hôm tui chứng kiến một nhóm 4 cô cậu sinh viên đi học về đang cười nói vui vẻ thì đoàn tàu lao tới kéo còi inh ỏi. Nhanh như cắt ông ấy từ bên này đường ray phóng qua đẩy ngược nhóm sinh viên lại, nhờ thế mà mọi người được an toàn".

Có hôm, một phụ nữ đang băng qua đường sắt thì tiếng còi tàu kéo inh ỏi. Ông Lợi đang đứng phân loại rác gần đó chạy lại và nhanh như cắt kịp kéo người phụ nữ ra khỏi mũi tàu. Hay có một sinh viên mải mang vác đồ đạc nặng qua đường tàu, cũng được ông Lợi đến giúp kịp thời, trong tích tắc đoàn tàu đã xình xịch lăn bánh qua làm nhiều người hú vía…

Sinh ra trong một gia đình ông anh em ở Quảng Nam, năm lên 7 ông Lợi lần lượt mồ côi cha mẹ do bạo bệnh. Năm 1979, ông tham gia vào quân đội, làm bác sĩ quân y tại sư đoàn 342 (Quân khu 5), chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Một năm sau ông bị thương và rời quân ngũ, giấy tờ tùy thân bị mất sau một vụ hỏa hoạn nên ông không làm được chế độ. Rồi ông cùng chị gái lặn lội ra Đà Nẵng mưu sinh.

Ông Lợi quyết định sống độc thân mà theo cách giải thích của ông "do nhà nghèo quá nên không muốn lấy vợ, sợ vợ con rồi sẽ khổ theo mình". Rồi người chị gái cưu mang ông cũng sớm qua đời, ông sống một mình, mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai kiếm tiền lo bữa cơm, bữa cháo qua ngày và gác tàu.

Ông lão đội mưa tình nguyện gác tàu_1
Công việc nhặt rác mỗi ngày 2-3 giờ chỉ đủ giúp ông Lợi có bữa cơm, bữa cháo qua ngày. Ảnh:Nguyễn Đông

Nhiều người vẫn chê ông Lợi "ăn cơm nhà vá tù và hàng tổng". Nhiều khi ông Lợi mua gói mì vừa chế nước sôi thì ông nghe tiếng tàu từ xa vội chạy ra cảnh báo, chờ tàu qua rồi ông trở về lót dạ với bát mì nở bung thành tô, ông lặng lẽ ngồi ăn, cười hiền. Có người thương cho đồng bánh, cân gạo, ông Lợi lấy đó làm vui.

Ông Bùi Hồng Thái, Chủ tịch hội chữ thập đỏ phường Hòa Khánh Nam, cho biết, người dân rất xúc động trước việc làm thầm lặng của ông Lợi. "Trường hợp của ông rất đặc biệt, địa phương muốn giúp đỡ nhưng rất khó vì giấy tờ của ông bị mất hết nên chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ vài trăm ngàn, mấy chục ký gạo mỗi năm".

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC