Petrolimex nói thật lý do lỗ nghìn tỷPhó TGĐ Petrolimex xác nhận việc Petrolimex Singapore thua lỗ nặng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của tập đoàn.

 Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Công thương tháng 12/2014, Trưởng nhóm đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại Petrolimex (ông Bùi Ngọc Bảo, hiện giữ chức Chủ tịch Petrolimex-PV) cho biết, kết quả kinh doanh năm 2014 của Petrolimex Singapore (công ty con của Petrolimex) phát sinh lỗ lớn.

11 tháng công ty lỗ khoảng 14,82 triệu USD, dự kiến cả năm lỗ khoảng 31,38 triệu USD (mặc dù 9 tháng có lãi lũy kế trên 100 ngàn USD).

Petrolimex nói thật lý do lỗ nghìn tỷ_0
Nhiều chuyên gia đề nghị cần làm rõ việc lỗ, lãi của hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay. Ảnh: Tuổi trẻ

Nguyên nhân được chỉ ra là năm 2014, tình hình thế giới và địa chính trị diễn biến phức tạp, giá dầu thế giới giảm sâu, liên tục và kéo dài đã tác động vô cùng bất lợi đến hoạt động kinh doanh của Petrolimex Singapore.

Ngoài ra, việc mua hàng đưa về gửi tại kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong ở thời điểm giá dầu thế giới đang cao (bình quân 120,91 USD/thùng), sau đó giá dầu giảm mạnh nên rất khó bán, dẫn đến tồn kho dài ngày. Cùng đó, hoạt động phái sinh cũng chịu ảnh hưởng tương tự nên phát sinh lỗ dự kiến khoảng 2 triệu USD.

“Hiện Petrolimex Singapore đang đứng trước thực tế kết quả kinh doanh bị lỗ lớn và không có khả năng thanh toán”, báo Tiền phong dẫn báo cáo Petrolimex gửi Bộ Công Thương cho biết.

Ngoài ra, báo cáo kết quả kiểm tra tại Petrolimex Singapore cho thấy hoạt động của công ty có nhiều vấn đề về mặt quản trị. Cụ thể, công ty chưa ban hành các quy chế, quy định, quy trình cụ thể về mua bán, ký kết hợp đồng mua hàng và bán hàng. Một số hợp đồng ký kết chưa thực sự chặt chẽ ở một số điều kiện, điều khoản, hồ sơ lưu trữ một số lô hàng còn chưa đầy đủ.

Phó Tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết, việc thua lỗ của Petrolimex Singapore tập đoàn đã công khai trong báo cáo kiểm toán.

“Tập đoàn không né tránh. Khi có kết luận cụ thể, tập đoàn mới có thể phát ngôn chính thức. Tập đoàn hiện đã có quyết định giám sát đặc biệt với đơn vị này. Tập đoàn đã yêu cầu lãnh đạo công ty Petrolimex Singapore, cá nhân Chủ tịch kiêm Giám đốc của công ty phải giải trình, kiểm điểm xem nguyên nhân thua lỗ vì sao. Từ kiểm điểm của lãnh đạo đơn vị, tập đoàn sẽ phân tích, đánh giá nguyên nhân thua lỗ từ đâu và sẽ xem xét xử lý trách nhiệm”, ông Năm nói.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex, đã được Công ty Deloite kiểm toán, công bố mới đây cho thấy tập đoàn lỗ hơn 9 tỷ đồng năm 2014 trong khi năm 2013, Petrolimex lãi gần 1.579 tỷ đồng. Trước đó, hồi tháng 11/2014, tập đoàn này họp báo công bố kết quả sản xuất – kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt mức lãi 1.400 tỷ đồng trong 9 tháng.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thực tế là khi muốn tăng giá, Petrolimex thường báo lỗ. Mức lỗ đúng hay sai rất khó nhận biết vì cơ quan quản lý chỉ dựa vào báo cáo của Petrolimex để phê duyệt. Vì thiếu minh bạch (cả từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý) nên chưa thể kiểm soát được lỗ lãi của Petrolimex.

PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) khi nhắc đến sự thiếu minh bạch, nhập nhèm lãi lỗ của Petrolimex thì cho rằng, đó không phải chỉ là vấn đề của riêng Petrolimex.

"Việc công khai, minh bạch hoá thông tin liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý của Nhà nước, kể cả quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước. Nếu minh bạch hoá được tất cả những thứ cần minh bạch và có một cơ chế kiểm soát tốt thì người dân mới có niềm tin. Ngược lại, không minh bạch hoá thông tin, không giám sát được thì trong đó còn bao nhiêu thứ tù mù".

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh dẫn chuyện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, rồi điện thường xuyên báo cáo lỗ nhưng lại rất khó xác minh tính chuẩn xác họ có lỗ thật hay không.

“Chúng ta không có cơ chế để kiểm soát tính chính xác của các con số đó, vì chỉ toàn dựa vào báo cáo của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Vinh nói.

Theo báo cáo kiểm toán năm 2014 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, giai đoạn 2011-2013, hầu hết các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã vi phạm hạn mức nhập khẩu, dự trữ lưu thông xăng dầu… được quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã cố tình nhập khẩu sản lượng thấp hơn so với hạn mức tại một số thời điểm không đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày. Ngoài ra, những đơn vị này còn mua xăng dầu của các đơn vị không phải là doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV TCT Xăng dầu Quân đội từ năm 2011 đến năm 2013 mua 143.997.297 lít, kg (tương đương 2.906,37 tỷ đồng); Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà năm 2012 và 2013 mua 29.404.973 lít,kg (tương đương 542 tỷ đồng)...

An Nhiên (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC