Phát hiện di cốt người cổ nhất VN ở Con MoongCửa hang Con Moong

Vừa qua, các cán bộ của Viện Khảo cổ học và Sở VH-TT&DL đã bắt đầu chương trình nghiên cứu tiếp tục Hang Con Moong (tiếng địa phương nghĩa là hang con thú), ở bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), thuộc phạm vi quản lý của Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Đây là di tích đang được chuẩn bị xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

1. Đây là một hang đá rất đẹp và to, có 2 cửa: cửa đông chếch nam và cửa tây chếch nam. Trần hang cao tới 8m41, còn nền hang nằm ở độ cao khoảng 32m so với bề mặt thung lũng, nơi có dòng suối cổ chảy qua.
 
Địa tầng ở đây dày khoảng 3.5m chứa đầy các loại ốc suối (Atimelania) và ốc núi (Cyclophorus). Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử - trưởng đoàn công tác, thì “Hang Con Moong được phát hiện vào tháng 11/1974 và tới năm 1976, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Thanh Hóa và Vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành khai quật lần thứ nhất. Còn lần này, để chuẩn bị lập hồ sơ trình UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới, các nhà khoa học đã tiến hành đào thám sát thêm một phần diện tích nữa. Hang Con Moong có một vị trí đặc biệt quan trọng trong thời đại đá của Việt Nam. Lớp văn hóa sớm nhất thuộc nền văn hóa Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ), cách nay khoảng 13.000 năm..”

Tới nay, trong nền văn hóa Sơn Vi, mới chỉ có vài di cốt người cổ được tìm thấy như bộ xương nằm co số 16 ở di chỉ Mái Đá Điều và 5 cá thể tìm thấy trong 3 ngôi mộ ở Con Moong vào năm 1976. Trong lần khai quật này ở độ sâu 3,4m lại tìm thấy 4 ngôi mộ nữa của 5 cá thể.

2. Di cốt ở mộ 1 được chôn theo tư thế nằm co nghiêng, hai tay co gập trước ngực. Hộp sọ tuy còn khá nguyên vẹn, nhưng bị vỡ bẹp thành nhiều mảnh. Còn lại 4 dẻ sườn bên trái, nằm gác lên cánh tay trái theo đúng vị trí giải phẫu. Điều này càng khẳng định đây là bộ xương chôn nguyên dạng không phải là cải táng.

Mặc dầu hộp sọ không được phép gỡ ra nhưng vẫn thấy được xương hàm dưới mảnh, thân hàm thấp, góc hàm không vểnh ra ngoài. Đó là những đặc điểm của một sọ nữ. Ba răng hàm dưới bên phải, mòn vẹt hết phần mặt nhai.
 
Dựa vào độ mòn răng và gắn liền của đường khớp sọ, chúng tôi cho rằng đây là di cốt của một cá thể nữ khoảng 40 - 50 tuổi.

Xương cánh tay phải dài 325mm. Từ đó dựa vào công thức tính chiều cao thân có thể tính được cá thể này cao: 1m61

Hiện vật chôn theo mộ là 2 mảnh tước, xung quanh mộ 1 có một số viên đá kè mộ. Lẫn trong mộ 1 còn có di cốt của một đứa trẻ.

Di cốt mộ 2, chỉ mới phát hiện ra một hộp sọ, xương dưới sọ có nhiều khả năng vẫn nằm trong vách địa tầng đầy ốc ken chặt với nhau. Hộp sọ còn khá nguyên vẹn mặc dầu bị vỡ thành nhiều mảnh. Xương hàm dưới có góc hàm vểnh ra ngoài, thân hàm cao, ngành hàm mập, có nhiều khả năng đây là di cốt của một người đàn ông. Răng chưa mòn nhiều. Cá thể này khoảng 25-30 tuổi.

Ngoài ra còn phát hiện được một đốt sống cổ mang dấu hiệu bệnh lý: thân của đốt sống ở phần xa lớn hơn thân đốt sống ở phần gần. Điều đó chứng tỏ rằng cổ của cá thể này, khả năng quay các phía rất hạn chế.

Ngôi mộ thứ 3, được mai táng theo tư thế nằm nghiêng. Chưa tìm thấy sọ, chỉ mới lộ rõ xương quay và xương trụ bên phải, vài dẻ sườn, một phần của chậu hông và vài đốt bàn chân bị vỡ. Xương rất lớn và nhiều gờ bám cơ nổi rõ. Có khả năng là di cốt của một người đàn ông. Xương quay còn gần như nguyên vẹn, chiều dài lớn nhất: 273mm. Từ đó suy ra chiều cao cơ thể của cá thể này là 1.75m.

Phát hiện di cốt người cổ nhất VN ở Con Moong
Di cốt người được phát hiện trong đợt khai quật

Ngôi mộ thứ 4, chỉ mới lộ ra phần khủy tay bên phải của của một cá thể trưởng thành. Xương còn bảo quản được rất tốt. Theo vị trí của xương, có thể thấytoàn bộ di cốt còn nằm trong vách của mặt cắt địa tầng.

3. Như vậy, trong đợt nghiên cứu năm 2008, ngoài những di vật khảo cổ học, đã phát hiện được dấu vết của 4 ngôi mộ táng chứa 5 cá thể. Bốn cá thể là người trưởng thành, chỉ có một cá thể là trẻ em.

Trong số 5 cá thể trên xác định được một cá thể nam khoảng 25 - 30 tuổi và một cá thể nữ khoảng 40 - 50 tuổi. Có 2 cá thể xác định được chiều cao cơ thể: nữ 1m61 và nam 1m75. Răng hàm có kích thước lớn, và ụ glabella nổi rõ. Có nhiều khả năng những người cổ ở đây mang đặc điểm của chủng tộc Melanesien.

Mặc dầu, di cốt còn để lại tại hang để làm bằng chứng đề nghị UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới trong thời gian tới, nhưng chỉ những phần di cốt hiện ra đã cho ta các tư liệu khoa học vô cùng có giá trị. Chẳng những nó bổ sung thêm tư liệu cho chủ nhân của nền văn hóa Sơn Vi nổi tiếng, mà trong tương lai sẽ là một địa điểm du lịch có tầm cỡ...

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC