Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, đến năm 2021 đã giảm được 27.530 biên chế công chức (đạt 10,01%) nhưng việc này mang tính chất cơ chế cơ học, cào bằng…

Giảm được 8 huyện, 561 xã có "vội vàng lắm không"?

Sáng 5/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất về vấn về lĩnh vực Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã làm rõ thêm băn khoăn của đại biểu Hoàng Đức Thắng về việc sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã trong thời gian vừa qua có "vội vàng lắm không"?

1 Pho Thu Tuong Pham Binh Minh Tinh Gian Bien Che Con Mang Tinh Cao Bang

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh (Ảnh: Quốc Chính).

Theo ông Phạm Bình Minh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một vấn đề lớn, là chủ trương lớn, quan trọng, được thực hiện theo Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi có các nghị quyết trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo lộ trình và yêu cầu đặt ra.

Báo cáo của đoàn giám sát chuyên đề về lĩnh vực này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập đã đánh giá hết sức cụ thể, trong đó việc thực hiện về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và các đơn vị trong giai đoạn 2019-2021 đã bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Kết quả, giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước.

Trong 3 năm (2019-2021) thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư còn lúng túng; trụ sở chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính mới thành lập còn bất cập.

Lý giải về khó khăn vướng mắc, theo Phó Thủ tướng do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó có việc các tiêu chí đưa ra còn chưa được làm rõ.

Tới đây, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với vấn đề là cán bộ dôi dư như thế nào; đồng thời sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

"Trường hợp mà cần có chính sách đặc thù mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu để trình cho Quốc hội xem xét" - Phó Thủ tướng nói.

2 Pho Thu Tuong Pham Binh Minh Tinh Gian Bien Che Con Mang Tinh Cao Bang

Quang cảnh phiên chất vấn Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế

Báo cáo thêm nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, ông Phạm Bình Minh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới về sắp xếp tổ chức bộ máy và chỉ đạo các bộ trong giai đoạn vừa qua tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp; kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy hết sức tinh gọn; kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng được đủ điều kiện, tiêu chí và giảm đầu mối, giảm cấp trung gian cũng như là giảm các đơn vị sự nghiệp công.

Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ, còn lại 11 bộ, ngành sẽ được tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ. Dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ.

Vấn đề tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng khẳng định đây cũng là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ; nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương. Đến năm 2021, đã giảm được 27.530 biên chế công chức, đạt 10,01% và giảm 236.366 biên chế viên chức, đạt 11,67%.

"Chúng ta giảm được với con số như vậy nhưng còn mang tính chất cơ chế cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức" - Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Nói thêm về lĩnh vực giáo dục và y tế, ông Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế". "Đó là những lĩnh vực, những việc mà trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để giải quyết nhằm thực hiện các yêu cầu được đặt ra" - ông Phạm Bình Minh nói.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC