Người dân Sài Gòn bắt đầu hoài nghi Dự án đào đường chống ngập của thành phố, bởi sau cơn mưa lớn cuối tuần trước, nhiều tuyến phố vừa được thi công xong như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Biểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... vẫn chìm trong biển nước.
Đầu năm ngoái, sau tuyên bố của Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM: "Nên chấp nhận sống chung với đào đường vì mục đích chống ngập", hàng loạt "trận địa" rào chắn thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè bắt đầu được mở trên nhiều tuyến đường.
Toàn tuyến Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, cũng xuất hiện lô cốt từ tháng 10/2008. Với 4 lô cốt án ngữ từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu, kẹt xe diễn ra gần như mỗi ngày ở đây. Đứng từ trên cao nhìn xuống, luôn là hình ảnh "rừng" xe chen chúc nhau qua từng khoảng không còn sót lại 2 bên rào chắn.
Đương nhiên, như bao tuyến đường đang bị "xẻ thịt" khác để phục vụ mục đích chống ngập, người dân tại đây dù phiền toái nhưng vẫn đặt hy vọng khi các lô cốt hoàn thành thì cảnh tát nước khi mưa sẽ không còn nữa.
Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng vì đường thông thoáng khi công trình hoàn thành vào đầu năm nay, người dân như bị "dội gáo nước lạnh" khi phải lội trên con đường như sông, hẻm như hồ bơi với nước ngập hơn bánh xe... sau cơn mưa cuối tuần trước.
"Đường ngập thậm chí còn nặng hơn trước khi lắp đặt cống. Bao nhiêu tiền của đổ vào đây. Hết chịu cảnh kẹt xe rồi đến ngập nước, thi công xong cũng vẫn vậy, thà đừng làm thì hơn", một người dân trên tuyến đường này bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ, các công trình đào đường trên đường Lê Hồng Phong quận 10, đường Nguyễn Biểu quận 5 dù đã làm xong nhưng tình trạng ngập vẫn không có gì suy giảm. Cơn mưa ngày 7/3 cũng khiến tuyến đường này ngập tràn nước, giao thông tê liệt.
..., con đường này vừa hoàn thành công trình thi công chống ngập cách đây 2 tháng. Ảnh: Kiên Cường |
Với câu hỏi bao giờ dự án chống ngập này mới phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng trả lời "người dân vẫn tiếp tục phải chờ".
"Dự án có 2 gói thầu: thu gom nước thải và thoát nước mưa. Chúng tôi chỉ mới thực hiện xong giai đoạn 1, giai đoạn 2 tác động vào nước mưa theo tuyến Hàm Tử - Sư Vạn Hạnh - Huỳnh Mẫn Đạt - An Dương Vương - Trần Bình Trọng - Lê Hồng Phong sẽ hoàn thành vào năm 2010", ông Đặng Ngọc Hồi, Trưởng phân ban dự án Môi trường nước cho biết.
Theo ông Hồi, việc ngập do mưa trên những con đường đã thi công đào đường lắp đặt cống xong là vì việc đấu nối giữa các tuyến chưa được hoàn thiện do nhiều nơi vẫn còn đang thi công. "Cống mới là cống hộp 2 m rất lớn nên đến khi dự án hoàn thành đồng bộ, việc chống ngập sẽ cơ bản được hoàn tất", ông Hồi giải thích.
Cùng quan điểm, một chuyên gia trong ngành thoát nước cho rằng nguyên tắc khi thi công lắp đặt cống mới xong thì phải kết nối với nhau và đấu nối với cả cống cũ để thoát nước. Hiện tại việc đào đường còn nơi xong nơi chưa xong thì việc còn ngập là đương nhiên, chuyên gia này chia sẻ.
Đứng trên góc nhìn khác, nguyên nhân trung tâm TP HCM vẫn còn ngập được lý giải là do rạch Bến Nghé đã bị lấp một phần khi thi công dự án Đại lộ Đông Tây. "Đoạn từ cầu Calmet đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa của rạch Bến Nghé do thi công đã làm hẹp một phần dòng chảy", ông Lương Minh Phúc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây vả Môi trường nước thông tin thêm.
Để giải quyết, ông Phúc cho biết trong thời gian tới Ban quản lý dự án sẽ tổng kiểm tra việc thông dòng của những cống đã được lắp đặt để hạn chế thấp nhất tình trạng ứ dọng.
Theo Vnexpress.