Jorgen Skakke là phóng viên Đan Mạch đầu tiên có mặt tại miền nam Việt Nam giai đoạn từ 1967-1971. Ông đã bán hết tài sản mình có khi đó để sang Việt Nam tìm sự thật về cuộc chiến của Mỹ. Dân Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết về Skakke của Đại sứ Lương Thanh Nghị, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch.

Cuối tháng 3 vừa rồi tôi may mắn gặp Jorgen Skakke. Ông năm nay đã 86 tuổi nên con trai và con dâu ông đi cùng để hỗ trợ.

Thật sự xúc động nghe ông kể lý do đi Việt Nam và hành trình tác nghiệp của ông để tìm hiểu về cuộc chiến tại đây. Năm 1965, vốn là sỹ quan dự bị, ông được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Đan Mạch tại đảo Síp. Trong thời điểm đó, Phương Tây nói chung có sự chia rẽ quan điểm về chiến tranh ở Việt Nam. Tại Đan Mạch, phong trào cánh tả đang lên yêu cầu Mỹ rút quân khỏi miền nam Việt Nam và Đan Mạch nên rời khỏi NATO.

1 Phong Vien Nguoi Dan Mach Dau Tien Di Tim Su That Trong Cuoc Chien Tranh Cua My O Viet Nam

Đại sứ Lương Thanh Nghị và nhà báo John Skakke. Ảnh: NVCC.

Bản thân Skakke nghi ngờ điều đó và quyết định sẽ tự mình đi Việt Nam để "đi tìm sự thật". Chỉ với 400 USD trong túi và vé máy bay một chiều sau khi bán hết tài sản trong tay, ông lên đường đến Sài Gòn qua đường Bangkok với nhận thức chung ban đầu về cuộc chiến là "người Mỹ đúng", do thông tin về cuộc chiến tại Đan Mạch lúc đó hầu như không có, chủ yếu theo truyền thông của Mỹ.

Ông đã có mặt tại Việt Nam lần đầu từ tháng 3/1967 đến tháng 8/1968 và lần 2 từ tháng 9/1970 đến tháng 3/1971 với tư cách phóng viên tự do, trong khi kế hoạch ban đầu chỉ là 3 tháng nhằm tìm hiểu, đưa tin về cuộc chiến đến công chúng Đan Mạch và kiếm một công việc trên tàu buôn của Đan Mạch để có tiền về nước.

Ông nói, ban đầu "người Mỹ khá cởi mở" và sẵn sàng cho các phóng viên đi theo nhằm "biện minh cho tính chính nghĩa của cuộc chiến". Chính vì vậy, ông được cấp thẻ phóng viên tác nghiệp do quân đội Mỹ cấp, được theo quân Mỹ trong các chiến dịch để đưa tin, được ưu tiên sử dụng các phương tiện của quân đội Mỹ. Trong hơn 2 năm ở Việt Nam, ông là một trong số ít phóng viên tác nghiệp cả ở "trên đất liền, ngoài biển khơi và trên không trung", viết bài cho báo Jyllandsposten của Đan Mạch, Financial Times của Anh, Kvallsposten của Thụy Điển và cuối cùng trở thành phóng viên của Đài phát thanh Đan Mạch.

Ông cho biết, sau một năm rưỡi có mặt tại chiến trường Việt Nam, nhận thức về cuộc chiến của ông đã thay đổi. Qua tiếp xúc với lính Mỹ nhận thấy ban đầu người Mỹ rất tự tin vào "chiến thắng." Tuy nhiên, kể từ sau sự kiện Tết Mậu Thân, tâm trạng và sự tự tin của lính Mỹ đã thay đổi theo hướng ngược lại, lo sợ Mỹ sẽ thất bại.

2 Phong Vien Nguoi Dan Mach Dau Tien Di Tim Su That Trong Cuoc Chien Tranh Cua My O Viet Nam

Đại sứ Lương Thanh Nghị và gia đình ông Skakke. Ảnh: NVCC.

3 Phong Vien Nguoi Dan Mach Dau Tien Di Tim Su That Trong Cuoc Chien Tranh Cua My O Viet Nam

Cuộc trò chuyện về Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, những lần theo lính Mỹ trong các trận đánh, tận mắt chứng kiến sự phá huỷ do lính Mỹ gây ra đã khiến Skakke nhận ra tính phi nghĩa của cuộc chiến như lần được lên máy bay tiêm kích theo phi công Mỹ đi thả bom. Skakke mô tả phải "nín thở" khi máy bay Mỹ liên tục bay lên rồi bổ nhào xuống thả bom và gọi đó là "sự chứng kiến kinh khủng".

Skakke cho biết, ông có mặt tại Sài Gòn vào thời điểm Tết Mậu Thân. Vào thời điểm đó, Skakke được một người bạn Việt Nam làm cho một ngân hàng của Anh tại Sài Gòn mời về nhà ở phía Bắc Sài Gòn, gần Biên Hoà để thưởng thức Tết truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, khi nghe tin thoả thuận ngừng bắn bị phá vỡ, ông  đã nhanh chóng quay lại Sài Gòn vào ngày 31/1/1968 để tác nghiệp. Ông đã ghi âm được nhiều tiếng nổ lớn. Khi quay lại Sài Gòn, chứng kiến đạn pháo bay đầy trời, ban đầu ông nghĩ rằng đó là một chương trình bắn pháo hoa lớn nhưng sau đó mới biết giao tranh đã nổ ra.

Skakke kể kỷ niệm thú vị nhất của ông là đã quen biết và từng thu âm một số tác phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly, hiện vẫn còn giữ các bản thu âm đó. Thậm chí, Skakke kể, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và những người bạn đã dạy Skakke một câu tiếng Việt: "Tôi không phải là lính Mỹ."

Skakke nói, trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, ông luôn cẩn trọng, cố gắng đưa tin một cách cân bằng và khách quan vì cho rằng cách tốt nhất để đưa tin là mô tả lại chính xác và trung thực những gì đang diễn ra và để độc giả tự đưa ra đánh giá thay vì thể hiện quan điểm của mình. Bên cạnh đó, tại thời điểm Skakke có mặt tại Việt Nam, không nhiều nhà báo, phóng viên Mỹ có thể đưa tin theo hướng "phê phán" (critical) chính sách của Mỹ do có thể gặp rắc rối và bị quy kết là không yêu nước tại quê nhà.

4 Phong Vien Nguoi Dan Mach Dau Tien Di Tim Su That Trong Cuoc Chien Tranh Cua My O Viet Nam

Sau khi trở về từ Việt Nam, Skakke đã viết một cuốn sách ngắn về cuộc chiến phản ánh khách quan những gì đã diễn ra và cuốn sách đó được dùng làm tài liệu tham khảo trong một số trường học tại Đan Mạch.

Skakke đi đến kết luận cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là một "cuộc chiến sai lầm" (wrong war).

Năm 1999, Skakke và vợ đã quay lại Việt Nam du lịch, thăm Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, và thành phố Hồ Chí Minh. Trong lần đi thăm địa đạo Củ Chi, trong đoàn khách có một cựu binh Mỹ đứng cạnh Skakke và cho biết, tận mắt chứng kiến địa đạo Củ Chi thì đã hiểu tại sao Việt Nam là bên chiến thắng trong cuộc chiến này.

Khi thăm Hà Nội, Skakke gặp một người lái xe từng học tại Đại học Mát-xcơ-va và đã từng tham gia cuộc chiến tại biên giới phía Bắc năm 1979. Sau khi trò chuyện, Skakke thuê người lái xe đó chở mình lên thăm Điện Biên Phủ.

Skakke đánh giá Hà Nội là "một thành phố xinh đẹp và tuyệt vời," bày tỏ rất ấn tượng với sự nhân nghĩa của người Việt Nam "không ghét ai cả" và luôn hướng về tương lai.

Năm 2020, ông xuất bản cuốn sách về chiến tranh ở Việt Nam với tựa đề "Chiến tranh Việt Nam trong mắt tôi" (tiếng Đan Mạch). Con trai ông hiện đang giúp bố số hóa toàn bộ tư liệu mà ông có được trong hơn 2 năm ở Việt Nam và sẵn sàng trao tặng Việt Nam nguồn tư liệu này.

Jørgen Skakke sinh năm 1937 tại Randers, Đan Mạch. Ban đầu ông học chuyên ngành đồ hoạ và quảng cáo, từng có thời gian làm cho 1 công ty quảng cáo của Anh khi theo học tại Anh. Năm 1965, ông tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ của Đan Mạch tại đảo Síp. Tháng 3/1967, Skakke quyết định tự bỏ tiền để kiếm cơ hội sang Việt Nam đưa tin về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, là phóng viên tự do cộng tác với các kênh Danmarks Radio (DR), Jyllands-Posten, Financial Times và Kvallsposten (Thuỵ Điển). Năm 1973, sau khi trở về từ Việt Nam, ông làm việc cho kênh Radioavisen đến năm 1979 chuyển sang làm việc cho đài Copenhagen Radio. Năm 1990, Skakke quay lại Danmarks Radio đảm nhiệm vị trí quản lý tại đây. Đến năm 1994, ông trở về làm việc cho kênh Radioavisen cho đến khi nghỉ hưu.

Skakke là một trong 3 phóng viên Đan Mạch nổi tiếng nhất đưa tin về chiến tranh. 2 người kia là đồng nghiệp và là bạn của ông. Skakke cho biết: "Tổng biên tập cũ của tôi, Jørgen Flindt Pedersen quá cố, là người nổi tiếng nhất. Người còn lại là Jens Nauntofte quá cố, ở lại Sài Gòn sau ngày 30/4 để đưa tin về chế độ mới. Anh ấy trở thành bạn thân của tôi và đóng một vai trò quan trọng trong cuốn tiểu thuyết của tôi. Nhiều năm trước, ông đã xuất bản cuốn nhật ký của mình từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1975 với tựa đề: "Sao vàng trên Việt Nam".

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC