"Trong những tuyên bố về đường lưỡi bò, phía Trung Quốc thể hiện đầy những mâu thuẫn. Ngay trong giới nghiên cứu của Trung Quốc cũng chưa có sự thống nhất quan điểm",ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ trả lời.

- Tại hội thảo về Biển Đông kết thúc cuối tuần qua tại Hà Nội, vấn đề nào được các học giả quan tâm nhất, thưa ông?

- Tại hội thảo này, các học giả quan tâm đến các giải pháp giải quyết tranh chấp nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Hiện nay, trong khu vực Biển Đông đang tồn tại chủ yếu là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ranh giới các vùng biển, thềm lục địa.

Giải pháp mà các học giả đưa ra đều có tính nguyên tắc, một số đề cập cụ thể hơn. Ví dụ trong vấn đề chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các học giả đã đề cập đến các nguyên tắc pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ theo luật pháp và thực tiễn quốc tế như: nguyên tắc chủ quyền lịch sử, chiếm hữu thực sự, phát hiện đầu tiên, khám phá đầu tiên hay dựa vào địa lí (khoảng cách kế cận)...

Một số học giả Trung Quốc cũng đã đề cập đến những lập luận, bằng chứng để nói họ có chủ quyền ở các quần đảo trên biển Đông; đồng thời có giải thích ranh giới biển lưỡi bò.

alt
"Đường lưỡi bò" (màu đỏ) chiếm 80% diện tích Biển Đông. Ảnh: UNCLOS và CIA.

- Giáo sư Ramses Amer, chuyên gia nghiên cứu biển Đông của ĐH Stockholm (Thụy Điển) cho rằng, chính các học giả Trung Quốc cũng "không hiểu thực sự đường lưỡi bò thể hiện điều gì". Ông có ý kiến gì về phát biểu này?

- Theo tôi nhận xét này là chính xác. Trao đổi ở hội thảo về Biển Đông vừa qua, các học giả Trung Quốc cũng chỉ nhắc lại đường biên giới bao lấy vùng nước truyền thống, lịch sử của Trung Quốc hoặc để chứng tỏ Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu. Họ có nêu một số bằng chứng nhưng trong khuôn khổ hội thảo không sâu và cũng không có gì mới so với trước đây.

Song, lại có nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng, Chính phủ của họ chưa bao giờ có ý kiến chính thức về đường biên giới chữ U đứt đoạn. Mặc dù vậy, trong các công hàm chính thức, bản đồ Trung Quốc đang sử dụng và bản đồ kèm theo văn bản chính thức, Trung Quốc lại sử dụng bản đồ có đường biên giới này.

Rõ ràng giữa ý kiến của các học giả và những tuyên bố của Chính phủ chứa đầy những mâu thuẫn. Đó là những vấn đề cần được trao đổi thêm và phía Trung Quốc cần phải trả lời trước dư luận của cả Trung Quốc, Việt Nam và quốc tế.

alt
Vấn đề Biển Đông thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Hưng.
"Trong khi đàm phán hoạch định biên giới biển, thềm lục địa, các bên có thể điều chỉnh, thay đổi hoặc thậm chí phải rút bỏ các yêu sách xét thấy không đủ căn cứ pháp lý hoặc vô lý thì mới có thể ngồi với nhau để đi đến một giải pháp công bằng. Đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý, vì vậy, muốn giải quyết thì phải rút bỏ. Thực tiễn quốc tế cũng như việc giữa Việt Nam và Trung Quốc đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ đã chứng minh điều đó". (Ông Trần Công Trục)

- Trước mắt, đâu là tính khả thi của việc hợp tác khai thác tại các vùng tranh chấp?

- Nguyên tắc của vấn đề khai thác hợp tác chung ở các vùng chồng lấn là giải pháp tạm thời theo quy định của Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, trong khi hai bên chưa đi đến một giải pháp cuối cùng thì có thể thỏa thuận tạm thời là cùng khai thác chung ở vùng chồng lấn.

Tuy nhiên, không thể nói một cách chung chung hợp tác khai thác mà việc khai thác chung đó được tiến hành ở đâu, ở khu vực nào và vùng chồng lấn được hình thành trên cơ sở nào phải được làm rõ. Giải pháp tạm thời chỉ có thể thực hiện được trên các vùng chồng lấn được hình thành từ các yêu sách của các bên đã căn cứ vào Công ước Luật Biển 1982 chứ không phải được hình thành xuất phát từ những tài liệu không có cơ sở pháp lý như bản đồ có đường biên giới hình lưỡi bò của Trung Quốc.

Trong thực tế Việt Nam cũng đã áp dụng giải pháp tạm thời đó cùng với Malaysia trong việc ký kết thỏa thuận khai thác chung từ năm 1992.

- Cũng có ý kiến lo ngại về khả năng xảy ra xung đột trên Biển Đông. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

- Tại hội thảo vừa qua, các học giả cho rằng, dù có tranh chấp phức tạp trên biển Đông, các bên vẫn có thể giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Lộ trình, cơ chế để giải quyết tranh chấp này có thể được thông qua trên các diễn đàn đàm phán song phương, đa phương; chính thức, không chính thức; đàm phán với với các tổ chức quốc tế; các cơ quan tài phán quốc tế...

alt
Theo ông Trần Công Trục, phía Trung Quốc cần trả lời với dư luận về đường lưỡi bò. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Có ý kiến cho rằng, để giải quyết tốt việc phân định ranh giới trên biển Đông, các nước ASEAN cần thống nhất quan điểm trong đàm phán với phía Trung Quốc. Ông suy nghĩ thế nào về quan điểm này?

- Đúng là nhiều học giả đã đề cập tới vấn đề này một cách khá thẳng thắn. Họ cho rằng đó là một giải pháp hữu hiệu, có tác dụng thúc đẩy tranh chấp giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc về biển đảo. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc chưa đề cập tới vấn đề này.

Theo tôi, việc các bên liên quan nếu muốn giải quyết vấn đề phức tạp này cần có tiếng nói chung, trên cơ sở pháp lý chung. Song, thực tế, để có thể có được một thỏa thuận chung cho tất cả các bên thì rất khó. Vì vậy, tùy từng tình huống có thể tìm sự thống nhất đối với 2,3 hoặc càng nhiều nước càng tốt.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC