Cho con đi đường tắt, ngồi vào vị trí không phù hợp năng lực tưởng là thương con, tốt cho con nhưng hóa ra hại con.

 

Những ngày qua, dư luận nóng lên với vụ việc con trai của một số lãnh đạo tỉnh được bổ nhiệm siêu tốc, sai quy trình.

Đó là trường hợp của ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở KHĐT, con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam bị đề nghị xóa tên Đảng viên, hủy quyết định bổ nhiệm vì có nhiều sai phạm;

ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương, con trai ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang có đường quan lộ thần tốc.

Ngoài ra, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm 2 con trai lần lượt giữ chức vụ quan trọng tại các trung tâm, phòng, ban của tỉnh Quảng Nam mà chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn.

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia cho rằng, xét ở góc độ tâm lý, những trường hợp trên đều xuất phát từ lòng thương con, muốn con thành đạt của bậc làm cha, làm mẹ.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý - TS Trịnh Trung Hòa, còn rất nhiều trường hợp lãnh đạo có con được bổ nhiệm thần tốc mà trước nay dư luận vẫn xôn xao bàn tán. Điểm chung của những trường hợp này, theo ông, là các "quan bố" đều là những người có chức có quyền, tìm mọi cách để đẩy con lên, đưa con vào vị trí cao, bất chấp thủ tục, quy trình. Họ có thể không trực tiếp bổ nhiệm mà thông qua người này, người khác, đơn vị này, đơn vị khác để làm việc đó.

Quan bố có con thăng tiến siêu tốc: Đường ngang lối tắt... - 0

Ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai nguyên Bí thư Quảng Nam Lê Phước Thanh, tuy còn trẻ nhưng sớm thành danh 

"Làm cha làm mẹ ai cũng muốn con mình thành đạt, đó là tâm lý chung. Để con thành đạt có nhiều cách và con đường thông thường của người dân là cha mẹ giáo dục để con chịu khó học hành tu dưỡng, trở thành người tài, có địa vị xứng đáng trong xã hội.

Tuy nhiên, một số người có chức có quyền lợi dụng thế mạnh đó của họ để đưa con mình vào vị trí xã hội một cách nhanh nhất mà có thể nó chưa xứng đáng với vị trí ấy.

Những người con ấy còn quá trẻ, thậm chí có những người không hề được đào tạo về ngành đó vẫn được bổ nhiệm.

Xét ở góc độ tâm lý, làm như vậy tưởng tốt cho con hóa ra lại làm hại con. Đưa con vào vị trí mà nó không có năng lực, không hiểu biết về vị trí đó thì sẽ dễ mắc sai lầm. Sai lầm đó nếu nặng thì thậm chí có thể dính vào vòng lao lý, hỏng việc thì có thể phải bồi thường, bị phạt...

Khi xảy ra kết cục buồn, các "quan bố" phải tiên trách kỷ vì chính mình đã đặt con vào tình trạng nguy hiểm, đẩy con đi vào con đường tắt mà con họ không đi được, không phù hợp với năng lực của con", TS Trịnh Trung Hòa phân tích.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội, trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, bản tính về họ hàng, thân tộc của người Việt rất lớn và việc những bậc làm cha, làm mẹ chăm lo cho lợi ích của dòng họ, gia đình, con em mình là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc bổ nhiệm trong những trường hợp nói trên phải thông qua nhiều cơ quan khác chứ một mình "quan bố" không thể làm được.

"Để bổ nhiệm con vào một vị trí lãnh đạo nào đó mới là kỳ vọng của người làm cha, làm mẹ, quyết định còn do nhiều cơ quan chức năng khác. 

Nếu như các cơ quan chức năng mà bị tê liệt thì các vị lãnh đạo kia sẽ đạt được mục đích. Sự tê liệt ấy xuất phát từ tâm lý nể nang của tập thể.

Còn cơ quan chức năng trong giai đoạn bổ nhiệm đó thực hiện đúng chức năng của mình thì không thể bổ nhiệm được", TS Huỳnh Văn Chẩn khẳng định.

Dù nhấn mạnh tâm lý gia đình luôn có trong mỗi con người nhưng TS Chẩn cũng lưu ý rằng, thương con theo kiểu muốn đặt con ở vị trí vượt khả năng của nó là điều tai hại, giống như con chim non trong tổ, chưa biết bay mà buộc nó phải bay thì sẽ rơi ngã.

Ông cũng nhận định rằng, bên cạnh lòng thương con, trong một số trường hợp, việc đẩy con đi đường tắt còn xuất phát từ tham vọng quyền lực của một số vị lãnh đạo.

"Một khi chưa có sự cạnh tranh lành mạnh trong vị trí việc làm sẽ dễ dẫn đến tình trạng trên. Còn ở các nước phát triển, luôn có sự cạnh tranh lành mạnh trong vị trí việc làm nên tránh được những hệ lụy xảy ra sau này", TS Huỳnh Văn Chẩn nói.

Từ những phân tích trên, TS Chẩn cho rằng, tất cả đều phải ngang bằng nhau trên mọi lĩnh vực, trong các quyền thì mới đem lại hiệu quả cao.

Ông dẫn một ví dụ để minh chứng:

GS.TS Dương Thiệu Tống từng tốt nghiệp tâm lý ở Mỹ, có mở trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức, một trường phổ thông thực nghiệm dạy theo phương pháp trước năm 1975.

Ba người con của GS Tống thi vào trường này thì một người bị rớt dù ông đang là hiệu trưởng của trường. Sau này, trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức là trường mà đại đa số học sinh ở đây đều rất thành đạt.

"Nếu làm chính trị mà có tâm khoa học, tâm khách quan thì sẽ đem lại hiệu quả cho đất nước, còn vì vấn đề cá nhân, gia tộc, gia đình thì sẽ xảy ra những hệ lụy như chúng ta thấy hiện nay", TS Chẩn nhấn mạnh.

 

Nguồn: Thành Luân

Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC