Quang gánh đêm đông  Một cụ bà lầm lũi mưu sinh trong đêm đông Hà Nội. Không biết cụ buôn bán gì, tôi chưa kịp hỏi..

Hà Nội, những ngày rét đậm. Đêm mưa phùn lất phất, đường phố vắng người qua lại, nhưng ở các góc đường vẫn nghe trong gió những tiếng rao và bóng đôi quang gánh liêu xiêu dưới ánh đèn vàng đô thị. Họ như những thân cò lầm lũi kiếm sống trong đêm đông...

20g, phố Nguyễn Quý Đức, vài phụ nữ ngồi co cụm bên đống lửa chất bằng củi vụn và bìa cứng. Những câu chuyện xoay quanh chủ đề thời tiết, gia đình, công việc và cái tết đang đến rất gần...

Thân cò trong đêm rét mướt

Sau lời than thở về một ngày ế ẩm, chị Nguyệt (46 tuổi, quê Ninh Bình), chừng như sốt ruột, đứng dậy quẩy gánh táo về phía một quán nhậu chào mời. Chị đã mệt lắm, bước chân liêu xiêu như chực ngã trên con đường nhớp nháp mưa phùn.

Chị tiếp tục hướng đến ngã tư Sở, đôi quang gánh liên tục vần đổi trên đôi vai gầy gộc nhô xương. Mệt và dừng lại nghỉ. Chị thở dài, mở bọc tiền lẻ được quấn nilông cột thun cẩn thận ra đếm. Được hơn 20.000 đồng tiền lãi. Bất chợt một khách qua đường hỏi mua cân táo, chị Nguyệt nở nụ cười rạng rỡ giống như họ có thể mua hết ngay cả gánh hàng. Đêm hôm đó tôi đã gặp ít nhất một nụ cười như thế. Nụ cười mang rất nhiều hi vọng về một ngày bán hết hàng, nhất là trong đêm rét cắt da cắt thịt.

22g, phố Cửa Nam, trời lại lất phất mưa. Chị Rền (58 tuổi, quê Thạch Thất), một người bán trứng vịt lộn dạo, khi phố đã vắng người mà vẫn còn hơn phân nửa. Chị gượng gạo cười: “Đêm nay bán được thế là may rồi. Trời rét buốt thế này ai cũng muốn về nhà đắp chăn sớm. Chẳng có mấy khách đâu!”.

Phải nhờ đến ánh đèn pha của một chiếc xe đi đường tôi mới thấy đôi chân nứt nẻ của chị Rền giấu trong đôi dép lê màu xanh nhạt. Chị Rền không đi giày. Chị lại giải thích: “Cả ngày đi bộ cũng ấm người, ngồi một chỗ mới thấy lạnh nhưng chân tôi nhức quá không cất bước được nữa rồi”. Chị bị bệnh viêm khớp, lại đi cả chục cây số giữa trời lạnh nên phải ngồi xoa bóp cho chân bớt nhức và chờ bán những quả trứng cuối cùng mới về nhà trọ ở phố Khâm Thiên.

23g20, ga Trần Quý Cáp, hàng nước đêm vẫn còn ánh đèn dầu leo lét. Một người đàn bà nằm trùm chăn ở vỉa hè ngồi nhổm dậy, gọi giật giọng: “Khúc ơi!”. Người bán bánh khúc chạy lại, nhưng nụ cười của chị vội tắt ngay sau đó khi người đàn bà mua bánh chợt rít lên: “Mày điên à? Tao chưa bao giờ mua cái bánh khúc giá 5.000 đồng cả, tao chỉ có 2.000 đồng thôi, mày cầm lấy!”. Và đồng tiền cắc được ném thẳng vào thúng bánh. Người bán bánh tên Nhàn (38 tuổi, quê Hưng Yên) đi một quãng xa, nói rằng mình còn gặp may vì vài hôm trước thôi, người bạn cùng trọ với chị bị đánh chảy máu mũi vì “can tội” chạy theo thằng nghiện đòi lại ví tiền. Cái kiểu mua như giật vậy không phải là hiếm với người nghèo kiếm ăn đêm.

Những người phụ nữ thân cò lặn lội trong đêm đông giá rét tôi gặp đều chép miệng: “Chẳng ai muốn đi đêm, lại là đêm đông rét như cắt da cắt thịt thế này. Chỉ vì hoàn cảnh nên buộc mình phải cố gắng!”.

Những vòng tròn miên man

Chị Rền có ba người con đã lập gia đình nhưng theo lời chị, “con cái nghèo chẳng sao nhờ cậy được”, lại có chồng bị đau ốm luôn. Khi trước còn sức khỏe chồng chị đi làm phu hồ, vài năm nay nghỉ việc ở nhà trông hơn một sào hoa màu. Nhưng năm nay hơn sào đỗ của gia đình chị bị hỏng hết trong đợt lụt vừa rồi.

Vì phải gắng nên chị Rền ngoài việc bán trứng dạo cho tới khuya còn nhận thêm phụ bếp cho một quán phở gần nhà trọ. Một ngày làm việc của chị Rền bắt đầu từ 4g sáng, dọn hàng, bưng bê và rửa bát đến tận trưa. Ăn vội bát cơm và đi chợ lấy trứng ở Văn Chương. Bắt đầu hành trình rong ruổi bán trứng trên những con phố cổ từ lúc 14g-23g. Ngày nhiều bù ngày ít, chị lãi ra năm, sáu chục nghìn, cộng cả tiền phụ bếp cũng được một khoản đủ trả tiền nhà trọ, tiền ăn và gửi tiền về cho chồng thuốc men.

Chị Bảo (45 tuổi) bán trứng ngải cứu, trứng vịt lộn ở góc đường Nguyễn Trãi cho biết nhà chị ở Ứng Hòa, cách chỗ làm hơn 40km nhưng để tiết kiệm tiền xe, ba mẹ con chị thay nhau mỗi tháng về một lần. Chỉ những ngày có việc gia đình chị mới tập trung đầy đủ.

Vài năm trước, vợ chồng mỗi người một thúng bánh mì đi bán ở hai phố. Có những đêm đông rét mướt, chị phát khóc vì đi bộ kiệt sức mà vẫn không bán được hàng sau một ngày ròng rã. Năm nay chồng chị phải ở nhà lo hương khói cho người mẹ mới mất. Cái ăn cả nhà bây giờ phụ thuộc vào gánh trứng của chị và tiền làm thuê của hai người con trai. Chị thuộc hàng tháo vát, mùa nào thức ấy, khi bán cháo, xôi, bánh khúc, mùa hè bán chè, mùa đông bán trứng... “Nhưng cũng chẳng cất mặt lên được” - chị thở dài.

Dự định lớn

 Quang gánh đêm đông  _0

Chị Nguyệt rong ruổi từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya với gánh hoa quả, lúc thì lê, lúc thì táo. Với quang gánh này chị đang nuôi một con học đại học

Ngồi gần chị Nguyệt hơn một giờ, tôi phát cười vì cách đếm tiền của chị. Mỗi khi có khách mua hàng trả tiền, lần nào chị cũng mang cả vốn lẫn lãi ra đếm, đếm từng đồng xu lẻ. Khi tôi thắc mắc, chị Nguyệt ghé sát vào tai tôi chia sẻ dự định lớn: “Tôi đang cố gắng dành dụm để góp cùng thằng con lớn mua cái xe máy”. Con trai lớn của chị Nguyệt đang làm công nhân ở Gia Lâm nhưng năm nay công ty ít việc, ra tết càng rỗi nên muốn mua xe để kiếm việc làm thêm.

Chị Nguyệt khoe thằng con thứ hai của chị đang học ĐH Công nghiệp Thái Nguyên. Khoe xong là nhíu mày vì nghĩ ngay đến khoản tiền hằng tháng phải gửi cho con hơn 700.000 đồng.

23g, bên rổ rau cải mới nhặt, chị Nguyệt chuẩn bị cho bữa tối. Một giấc ngủ ngắn để rồi 4g sáng dầm trong cái rét cắt da thịt, chị Nguyệt có mặt ở chợ Hà Đông để lấy hoa quả đem bán. Một ngày lại tiếp tục như một vòng tròn miên man, ra đi từ lúc mọi người chưa ngủ dậy và trở về khi phố xá vắng bóng người.

Đêm đông, họ dầm trong sương lạnh để nhen lên cho mình ngọn lửa mưu sinh nhọc nhằn.

Theo Quỳnh Liên (Tuổi Trẻ)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC