Quen làm ăn kiểu "thuốc độc bọc đường" Liều thuốc độc bọc đường của gian thương có sức huỷ diệt uy tín thương mại ghê gớm, nhưng nguy hiểm hơn khi thói quen “dễ làm” chi phối nên chỉ cần vài quy định chuẩn mực là người sản xuất than thở “khó làm, hàng rào kỹ thuật “éo le”…

 Có lúc cả chục tàu sắt của thương nhân Trung Quốc vào sâu trong nội địa, neo trên sông Hàm Luông mua dừa khô. Thương lái người Việt hăng hái gom dừa đổ lên tàu. Xã Mỹ Thạnh An có 60 cơ sở chế biến thạch dừa, chẳng bao lâu sau 2/3 cơ sở đóng cửa. Bến Tre là nơi duy nhất kết nối ngành hàng khép kín theo hướng đa dạng hoá sản phẩm tới mức mụn dừa cũng có thể làm đất sạch xuất khẩu. Nhưng nếu vét hết dừa khô thì toàn bộ cơ sở sản xuất, quy trình và công ăn việc làm sẽ sụp đổ.

Cái giá của sự dễ dãi

Khoai lang Bình Tân, do chất đất và nguồn nước nên chất lượng khoai lang ở đây được khen ngon hơn vùng khác. Dân Vĩnh Long có món khoai lang ăn với mắm và dừa rám nạo thành sợi.

Thương nhân Trung Quốc tới Bình Tân, Vĩnh Long sau khi đã móc nối thương lái từng cung hàng, thuê đất trồng khoai, mượn tên người Việt mở vựa mua khoai lang, đóng thùng. Nâng giá mua khoai lang lên cao, thương nhân Trung Quốc có hai cái lợi: các đối thủ bỏ chạy và diện tích khoai tự động mở rộng vì được giá. Khi diện tích tăng bong bóng, cần thì mua, không thích thì vựa đóng cửa, giá tụt thảm hại khi người trồng nhưng không biết bán cho ai. Người trồng vẫn nuôi hy vọng rồi ngày nào đó thương nhân Trung Quốc sẽ cần tới mình?

Nhiều nông dân ở Bình Tân, lúc đầu thấy lạ khi thương lái mua khoai dính cả đất. Không cần kiểm tra, thanh toán dễ dàng… Một chủ tiệm bán xe gắn máy ở Bình Tân nói, lúc khoai lang thịnh, cửa hàng của ông bán 700 – 800 xe gắn máy trong một tháng.

Nhưng làm kiểu đó thì chỉ có thể bán cho thương nhân Trung Quốc, không thể bán cho ai khác. TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, trường đại học Cần Thơ cùng các giới chức ngành nông nghiệp Vĩnh Long qua Quảng Châu theo đường đi khoai lang tiểu ngạch, nghe các công ty ở chợ nông sản Quảng Châu phàn nàn: “Một tấn khoai, cả trăm ký đất”.

Các nhà phân phối ở Quảng Châu nói rằng bản thân các thương nhân từ Trung Quốc qua Việt Nam mua hàng về đây tìm đủ cách giảm giá, làm méo mó thị trường, làm cho bạn hàng không mấy gì thiện cảm với hàng từ ViệtNam sang đây.

Jiangnan Fruit & Vegetable ở Quảng Châu rộng 400.000m2, hoạt động từ năm 1994 bán nhiều loại nông sản nhập từ các nước Đông Nam Á. Hình ảnh hàng bẩn từ Việt Nam thêm tai tiếng.

Khi “bản tính khó dời”

Liều thuốc độc bọc đường của những gian thương có sức huỷ diệt uy tín thương mại ghê gớm, nhưng càng nguy hiểm hơn khi thói quen sản xuất hàng “dễ làm” chi phối nên chỉ cần một vài quy định chuẩn mực là người sản xuất than thở “khó làm, đòi hỏi quá hớp”, hàng rào kỹ thuật “éo le”…

Rất nhiều hàng hoá từ Việt Nam xuất đi, bị trả lại. MACBETH là dự án vừa kết thúc giai đoạn 1 tại Việt Nam trong khuôn khổ trợ giúp của WTO để khắc phục tình trạng bất cập này. MACBETH muốn giúp cho nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến tại Việt Nam hiểu và hàng xuất khẩu không bị trả lại nữa khi chạm vào quy định an toàn, vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.

TS Lê Quốc Điền, giám đốc trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuộc viện Cây ăn quả miền Nam, nói: “Tới đây phải kiểm tra – cấp mã số vườn đạt tiêu chuẩn, cấp mã số sản phẩm, xác định nhà đóng gói đúng tiêu chuẩn để làm hàng xuất sang Mỹ”. Vậy mà vẫn có người cho rằng “khó quá thì làm hàng cho thị trường dễ tính hơn như Trung Quốc, châu Phi”…

Thực tế cho thấy tại hội chợ Interfood, Jakarta (Indonesia), lần thứ 13 vừa kết thúc vào 31.8.2013, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trưng bày, giới thiệu quy trình sản xuất sạch, an toàn. Hiện nay nhiều loại hàng nhập vào Trung Quốc được kiểm phẩm theo chuẩn gắt gao không kém châu Âu. 

Ông Herb Cochran, giám đốc điều hành AmCham Vietnam khi nói về nhu cầu Walmart, Lowe’s… nhấn mạnh: “Các công ty lớn đều đòi hỏi dù là sản phẩm nhỏ nhất phải có mã số D&B. Đối với Walmart đó là một trong 11 tiêu chí trở thành nhà cung cấp. Tại Việt Nam đã có văn phòng cơ quan cấp mã số D&B Vietnam. Để thoả mãn tiêu chuẩn chất lượng, có mã số, doanh nghiệp còn phải giao dịch thông tin điện tử (EDI)…”

Walmart có doanh số 400 tỉ USD/năm, để tương thích yêu cầu của Walmart thật không dễ dàng chút nào. Ông Herb Cochran nói tới một cơ hội khác tại đảo Guam, nhưng có vẻ như cái gì cũng sẽ trở thành thách thức vì việc tổ chức sản xuất và xuất khẩu lâu nay chỉ thích “đồng hành” với kiểu dễ làm, thậm chí “đạp chân là qua cửa”!

Theo SGTT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC