Quỳ gối vì iPhone 6, hãy học cách để thương nhauThương một du khách nước ngoài bị lừa đảo, người dân Singapore đã bảo nhau góp tiền cho và trừng trị kẻ xấu. Còn người Việt thế nào?

Quỳ gối vì iPhone 6, hãy học cách để thương nhau_0

Người thanh niên Việt khóc vì bị lừa ở Singapore. 

Mấy hôm nay vụ một thanh niên người Việt bị lừa khi mua Iphone 6 tặng bạn gái ở Singapore, quá tuyệt vọng, anh này đã quỳ xuống khóc xin trả lại tiền đang làm nóng mạng xã hội.

Người thông cảm thì ít, người chửi bới trách móc thì nhiều, thậm chí có người còn nâng hành động của anh thanh niên này lên tầm “khốn nạn, làm nhục quốc thể”.

Nếu dùng mạng xã hội, chắc chắn bạn đọc phải thừa nhận với tôi một điều, đó là nơi dày đặc nhất các bài học và những lời rao giảng đạo đức của những người luôn tỏ ra hoàn hảo. Bởi vậy việc anh thanh niên tội nghiệp bị “ném đá” tập thể bởi những người đồng bào mình cũng là điều dễ hiểu mà thôi.

Trong khi ấy, cũng một bản tin đưa lên báo chí, mà phản ứng của người Singapore thế nào?

Ai theo dõi tin tức về vụ này cũng biết, người dân Singapore đã lập một trang mạng xã hội để phát động chiến dịch quyên tiền cho người thanh niên đồng thời truy tìm tung tích của người chủ cửa hàng xấu bụng đó, dùng áp lực, dọa tẩy chay khiến mẹ và vợ anh này phải đứng ra xin lỗi thay.

Đọc những bản tin như vậy, chúng ta có thấy ấm lòng không? Sao người Việt lại không thể làm điều đó với đồng bào mình mà chỉ ngồi cười khẩy, bỉ bai, chế giễu và xúc phạm người ta như một kẻ thiểu năng?

Những việc người dân Singapore đã làm hoàn toàn có thể trong tầm tay chúng ta, ai có tiền thì cho tiền, ai có ý tưởng thì dùng ý tưởng, và quan trọng hơn cả là họ đã đồng tâm hiệp sức gây áp lực để trừng trị kẻ xấu, đòi lại lẽ công bằng cho kẻ yếu thế.

Những việc ấy không thể nào làm được, một khi chúng ta không có tình thương. Tình thương đang trở thành một thứ vô cùng hiếm hoi trong xã hội. Tình thương giữa những người ruột thịt với nhau còn ngày càng ít ỏi, huống gì là tình thương với đồng bào mình.

Cũng trên mạng xã hội, mới đây, một người mẹ trẻ chụp ảnh người giúp việc tung lên để hạ nhục người này vì tội “đã uống trộm sữa của con trai mình”. Bức ảnh thì tình ngay lý gian, có thể người phụ nữ đứng tuổi này vì thèm sữa mà uống trộm, có thể vì thói quen của người ít học, thử độ nóng của sữa bằng cách lè lưỡi vào, uống một ngụm thay vì nhỏ vào cườm tay như sách báo dạy.

Nhìn bức ảnh cắt ra từ camera chưa đoán định được điều gì. Nhưng cho dù người giúp việc uống trộm sữa là có thật, thì cách tung ảnh của bà này lên mạng, để gây ra một cuộc hạ nhục tập thể như vậy, sẽ mang lại điều gì cho chính chúng ta?

Tôi rất hiểu tâm lý những bà mẹ đang nuôi con nhỏ, thôi thì họ vào nhiếc móc, buông lời mạt sát nặng nề giống như người đàn bà đứng tuổi (xuất thân từ quê ra, tôi đoán thế) vừa gây ra một tội ác tày trời.

Giả sử người đàn bà uống trộm sữa kia là thật, thì với lỗi lầm ấy, bà có đáng bị tung ảnh lên mạng xã hội để cả “cộng đồng mạng” xúm vào hạ nhục hay không?

Giả sử người đàn bà ấy đọc những lời lẽ mà những người nhân danh cho đạo đức, công lý đang trút vào mình, nếu là người yếu đuối, tôi nghĩ có lẽ bà sẽ nghĩ quẩn mà chọn cái chết cho đỡ nhục.

Giá có một cách ứng xử khác nhân văn hơn trong trường hợp này, người mẹ có thể ngồi nói chuyện thẳng thắn với người giúp việc, rằng cô (chị, bà) hãy đừng làm điều khuất tất, ăn vụng của trẻ phải tội đấy, làm việc ở đâu cũng nên để sự trung thực lên hàng đầu.

Sau cuộc nói chuyện ấy, nếu người giúp việc hiểu ra, vẫn có thể giữ lại làm cùng, còn nếu họ vẫn chối đây đẩy, thì không thuê người ta nữa. Đó cũng sẽ là một bài học đắt giá cho họ.

Nhưng như tôi đã nói ở trên. Làm được những điều tưởng như đơn giản ấy không dễ, khi mà chúng ta không có tình thương.

Cũng như với người thanh niên quỳ gối khóc xin trả lại tiền bị lừa, đa phần người Việt chỉ nhìn thấy hành động ấy là “sỉ nhục quốc thể” chứ chưa thấy đó là một kẻ yếu thế để nâng đỡ, bênh vực.

Xúm vào hạ nhục tập thể trên mạng xã hội một người đàn bà phạm lỗi (nếu đó là thực) thì dễ hơn là nói một lời nhân ái với nhau.

Qua hai ví dụ về lối ứng xử này, tôi và các bạn đều đã có thể trả lời cho câu hỏi, tại sao xã hội chúng ta đang trong tình trạng này, tại sao cộng đồng của chúng ta yếu thế, bị người ngoại quốc xem thường.

Vì chúng ta không biết thương nhau.

Nếu biết thương nhau, thương kẻ yếu thế bị chèn ép, chúng ta sẽ đoàn kết lại để trừng trị và loại trừ cái xấu ra khỏi xã hội. Nếu biết thương nhau, chúng ta sẽ tìm ra cách xử lý vấn đề trong từng vụ việc sao cho nhân ái nhất, đỡ tổn thương người khác nhất.

Nhìn cách người Singapore trừng phạt kẻ xấu, bênh vực người yếu thế, thượng tôn lẽ phải và sự công bằng, chúng ta đều đã rút ra một bài học quý giá cho mình. Đừng ích kỷ, đừng chỉ nghĩ cho bản thân, hãy vì người, người sẽ vì mình, triết lý sống ấy mong sao người Việt đừng lãng quên.

Hãy học cách để thương lấy nhau mỗi ngày như gieo vào đất một hạt mầm của cái thiện.

Mi An.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC