Phiên giao dịch sáng nay (26/4), sàn HoSE "xanh vỏ đỏ lòng" khi số lượng mã tăng ít hơn số mã giảm (188 mã so với 220 mã) nhưng VN-Index vẫn tăng 3,64 điểm tương ứng 0,3%. Cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 2,7% lên 43.150 đồng và đóng góp hơn 1 điểm cho VN-Index.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 25/4, trong số 11 mã thuộc rổ VN30 tăng giá có cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup. VIC cũng là một trong những mã ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index.
Phiên tăng giá sáng nay giúp VIC trụ vững trong tốp 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường (Nguồn: VDSC).
Mã này tăng 1% lên 42.000 đồng. Trong khi đó, toàn sàn HoSE cũng chỉ có 166 mã tăng so với 293 mã giảm, VN-Index điều chỉnh 0,64 điểm tương ứng 0,05% còn 1.204,97 điểm.
Với mức thị giá này, giá trị vốn hóa thị trường của Vingroup đạt gần 165.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với phiên hôm qua. Tính đến sáng nay, trong top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, Vingroup đã giành lại vị trí thứ 8 từ Techcombank và Hòa Phát. Mặc dù vậy, mức chênh lệch về quy mô vốn hóa trong nhóm Techcombank, Hòa Phát, Vingroup và PV Gas tương đối sít sao.
Cổ phiếu VIC phiên hôm qua và sáng nay giao dịch tích cực sau khi Vingroup tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Tại phiên họp này, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup - đã đi thẳng vào những câu hỏi mà cổ đông đặt ra với VinFast, bao gồm lo ngại việc dồn lực cho VinFast sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Vingroup.
Ông Phạm Nhật Vượng tái khẳng định mục tiêu "VinFast không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là dự án trách nhiệm xã hội, VinFast không chỉ muốn sản xuất được xe mà còn muốn vào top đầu thế giới".
Theo đó, người đứng đầu Vingroup nhấn mạnh việc dành mọi nguồn lực cho dự án này, "tất cả cho VinFast".
Sau khi cam kết dành 1 tỷ USD cho VinFast, ông Vượng cho hay sẽ tiếp tục thu xếp tài sản cá nhân cho dự án này, ít nhất 1 tỷ USD nữa.
Biến động giá cổ phiếu VIngroup trong 1 năm qua (Nguồn: Investing).
Theo báo cáo quản trị công ty năm 2023 do Vingroup công bố, ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu trực tiếp 691.274.400 cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,82% vốn điều lệ tập đoàn. Vợ ông, bà Phạm Thu Hương, cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, sở hữu 170.610.525 cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 4,4%.
Tính theo thị giá của VIC, ông Phạm Nhật Vượng đang có gần 30.000 tỷ đồng tài sản nhờ trực tiếp sở hữu cổ phiếu tại Vingroup.
Thời gian qua, ông Phạm Nhật Vượng liên tục sử dụng cổ phần tại Vingroup để góp vốn vào các doanh nghiệp, tuy vậy, sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới ông Vượng tại Vingroup vẫn giữ ở mức hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC tương ứng khoảng 63% vốn điều lệ tập đoàn.
Giá trị tài sản trên sàn của nhóm cổ đông liên quan đến ông Phạm Nhật Vượng thông qua sở hữu cổ phiếu Vingroup ước tính hơn 103.000 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng hiện ở mức 4,2 tỷ USD, xếp thứ 736 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Hồi năm ngoái, với việc niêm yết thành công hãng xe VinFast trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng từng có thời điểm xếp thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes tính toán tài sản ông Vượng dựa vào biến động giá của cổ phiếu VinFast, hãng xe mà ông Vượng đang sở hữu 100% lợi ích.
Cổ phiếu Vinfast: chuỗi 7 ngày giảm giá liên tiếp
Lại có thêm một vụ kiện khác ở Mỹ nhằm vào VinFast. Lần này là cáo buộc vi phạm bản quyền thép.
Nguyên đơn là ArcelorMittal, một trong những tập đoàn sản xuất thép đa quốc gia lớn nhất trên thế giới. Tập đoàn ArcelorMittal đã đệ kiện VinFast lên Tòa án quận trung tâm California vào hôm 16/4.
Vào ngày 17/4, ArcelorMittal cũng đệ trình đơn khiếu nại lên Ủy Ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) yêu cầu điều tra và không cho phép VinFast nhập khẩu xe vào Mỹ.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí