Sài Gòn trưa 30/4/1975 trong hồi ức phóng viên chiến trường"Sài Gòn thất thủ! George, gọi New York đi", Peter Arnett, tim đập thình thịch, thét lên với trưởng văn phòng hãng thông tấn AP tại Sài Gòn, lúc 11h43 ngày 30/4/1975.

 Đồng nghiệp của Arnett, anh Matt Franjola, vừa đi thám thính một vòng quanh thành phố, trở về và kể rằng anh suýt va phải chiếc xe jeep chạy trên các con phố. "Trên xe có một thanh niên trẻ tuổi mặc bộ đồ đen, mang súng trường của Nga. Mặt anh ta rất hân hoan", Franjola cho biết.

"Đồ đen ư? súng Nga ư?" vừa nghĩ Arnett vừa lao xuống con phố chính mang tên Tự Do. Ông nghe thấy tiếng gầm rú của các chiến xa hạng nặng hướng về phía nhà thờ cổ của Pháp. Trên mỗi chiếc xe đều có các binh sĩ miền Bắc mặc quân phục. Chiếc mũ xanh trên đầu họ ngả ra phía sau mỗi khi họ chăm chú nhìn những tòa nhà cao ngất bên đường. "Có thể đó là lần đầu tiên họ trông thấy các tòa nhà như thế", Arnett nghĩ.

Một vài người dân Việt Nam đứng gần Arnett, chăm chú dõi theo đoàn xe, không thốt nên lời. Arnett trông thấy một lá cờ lớn của quân Giải phóng được kéo lên từ một căn phòng ở khách sạn Caravelle gần đó. Ông cũng để ý một nhóm lính Cộng hòa chạy xuống một con phố nhỏ, vứt bỏ quân phục, quăng cả vũ khí vào ô cửa các cửa hiệu.

"Tôi chạy vội về văn phòng, tim như nhảy ra ngoài theo mỗi bước leo lên cầu thang. Trên hành lang, hơn mười người Việt níu chặt lấy quần áo tôi, xin giúp đỡ. Tôi lao vào văn phòng và hét lên: 'George! Sài Gòn thất thủ, gọi trụ sở New York đi, khi ấy đồng hồ chỉ 11h43 ngày 30/4/1975", Arnett kể qua email gần đây gửi VnExpress, khi ông chuẩn bị tới TP HCM dự các hoạt động kỷ niệm 40 năm thống nhất Việt Nam.

Peter Arnett từng có 13 năm tuổi trẻ lăn lộn đưa tin ở chiến trường Việt Nam. Ông giành được giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ hơn 3.000 bài báo phản ánh cuộc chiến suốt những năm đầu thập niên 60. Ông đi khắp các chiến trường miền nam Việt Nam trong vòng 13 năm. Sau 30/4/1975, Arnett còn lưu lại Sài Gòn để tiếp tục đưa tin những ngày đầu sau giải phóng.

Sài Gòn 30/4/1975

Sau khi hét lên với George, Arnett vội vàng viết một bản tin về những gì mình chứng kiến, chuyển cho người phụ trách điện tín người Việt tên là Tammy. Anh này đọc nhưng cứ nhấp nhổm, nhìn ra cửa, Arnett ấn anh xuống ghế và yêu cầu gửi bản tin đi, Tammy thực hiện xong thì lao vọt khỏi văn phòng và Arnett không bao giờ gặp lại anh nữa.

Trước đó không lâu, George Esper, trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn, nghe đài phát thanh cùng người phiên dịch, người này la lên "Đầu hàng, đó là đầu hàng". Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh khi đó tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, miền Nam Việt Nam chính thức được chuyển giao cho quân Giải phóng miền Bắc. Esper chạy nhanh vào phòng điện tín và gửi cho trụ sở New York. "Bản tin về câu chuyện đầu hàng củaAP nhanh hơn UPI 5 phút. Trong chiến trận hay thời bình, các dịch vụ chuyển tín hiệu đóng một vai trò cạnh tranh đặc biệt", Arnett kể.

Esper trông hốc hác, ánh mắt lộ rõ vẻ xanh xao. Ông đã không rời khỏi văn phòng trong nhiều ngày. Chỉ ít phút sau khi ra ngoài, Esper trở về với vẻ bối rối. Anh kể khi đang đi qua khu vực gần Quảng trường Lam Sơn, một sĩ quan cảnh sát Việt Nam Cộng hòa trông như mất trí mặc nguyên quân phục, nói với Esper: "Thế là hết". Viên sĩ quan đó bước đi được khoảng 3 m thì  giơ tay chào một bức tượng tưởng niệm rồi giơ khẩu súng lục lên bắn thẳng vào đầu mình. Trong giây lát Esper tưởng rằng mình là mục tiêu của phát đạn đó. Ông chạy về văn phòng viết bài mà đôi tay run lên cầm cập.          

Sau khi gửi tin về Mỹ, Arnett cùng Franjola lại đi thăm dò ở các con phố. Xe tăng do Nga sản xuất tiến vào nhiều hơn. Người dân miền Nam tràn ra các vỉa hè, nỗi lo sợ của họ về đổ máu đã biến mất. Arnet gặp Neil Davis, một phóng viên quay phim người Australia, đang đi ra từ Dinh Tổng thống. Anh ta nói Tổng thống Minh đã bị dẫn giải đi.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 trong hồi ức phóng viên chiến trường_0

Peter Arnett (thứ ba từ trái sang), viên sĩ quan miền Bắc (giữa), tại văn phòng AP ở Sài Gòn đầu giờ chiều ngày 30/4/1975. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Tôi trở về văn phòng. Không lâu sau, các phóng viên ảnh cộng tác với chúng tôi bước vào cùng một sĩ quan miền Bắc cùng trợ lý. Người sĩ quan này tỏ ra nhã nhặn và cảm ơn khi chúng tôi mời đồ ăn vặt", Arnett kể. Viên sĩ quan và các phóng viên đã có một buổi phỏng vấn dài hai giờ.

Bất chấp nỗ lực của Arnet gửi thêm tin bài về Mỹ, hệ thống truyền tin không hoạt động nữa, chính quyền mới đã làm nó ngưng, Arnett nói với Esper "Thế đấy, George. Cuộc chiến đã chấm dứt".

13 năm lăn lộn trên chiến trường

Arnett được hãng tin AP cử đến miền Nam Việt Nam hồi tháng 6 năm 1962, khi đó ông mới 27 tuổi. Trước đó bốn năm, ông từng đến thăm Sài Gòn với tư cách khách du lịch.

"Khi còn ở Indonesia, nhờ gặp gỡ nhiều phóng viên phương Tây đưa tin về chiến tranh chống Pháp ở Đông Dương và chiến sự ở miền Nam Việt Nam nên tôi hiểu khá rõ về lịch sử hiện đại của Việt Nam và vị trí của họ trong suy tính của Mỹ", Arnett nói.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 trong hồi ức phóng viên chiến trường_1

Arnett chụp ảnh trong một cuộc giao tranh giữa đơn vị bộ binh Mỹ với "Việt Cộng" gần Củ Chi năm 1966. Ảnh do ông cung cấp.

Trong thời gian từ tháng 6/1962 đến tháng 5/1975, Arnett viết khoảng 3.000 bài báo, có mặt ở hầu hết các trận chiến ác liệt giữa quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa với lực lượng của Mặt trận Giải phóng miền nam Việt Nam. Trong số các trận chiến Arnett đưa tin có trận Ấp Bắc vào tháng 1 năm 1962, Phong trào Phật giáo ở Sài Gòn và Huế năm 1963, cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm tháng 11 năm 1963. Trong bốn năm tiếp theo ông đưa tin quân đội Mỹ giao tranh với lực lượng miền Bắc Việt Nam, Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chiến trường Campuchia năm 1970, Chiến dịch Xuân hè 1972.

"Những bài viết của chúng tôi từ miền Nam Việt Nam rất quan trọng, bởi sự can dự của Mỹ ngay từ đầu đã gây nên tranh luận và vấp phải sự phản đối ở chính nước Mỹ. Công việc của chúng tôi là viết sự thật về cuộc chiến như chính những gì chúng tôi chứng kiến. Vì thế các tác phẩm của chúng tôi thường bị phê bình là quá chỉ trích chính phủ Mỹ", Arnet cho hay.

Vào lúc cao điểm của cuộc chiến, chẳng hạn như Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, AP có đến 20 phóng viên viết và phóng viên ảnh làm việc tại Sài Gòn. 

Trong suốt 13 năm ấy, Arnett từng trải qua rất nhiều thời khắc nguy hiểm đến tính mạng, ông thường xuyên có mặt ở chiến trường nơi lính Mỹ đánh giáp lá cà với lực lượng miền Bắc, những lần ra trận kéo dài từ một đến hai tuần.

"Mỗi lần như vậy, tôi rất sợ hãi. Bạn hỏi tôi có nguy cơ bị chết không. Có, nhưng tôi tin rằng việc viết những câu chuyện chiến tranh như vậy rất đáng giá dù phải chịu hiểm nguy, bởi vì độc giả ở Mỹ muốn biết sự thật về điều đang xảy ra ở Việt Nam", Arnett nói.

Tuy nhiên, Arnett cũng không tránh khỏi việc phải chứng kiến bạn bè, đồng nghiệp thiệt mạng. Hồi tháng 1 năm 1966, người bạn của ông tên là George Eyster, một sĩ quan Mỹ, bị trúng đạn ngay bên cạnh ông khi họ đang xem bản đồ tại khu vực gần địa đạo Củ Chi. Bốn phóng viên ảnh của AP, một trong số đó có Huỳnh Thanh Mỹ, anh trai của phóng viên chiến trường Nick Út, thiệt mạng.

Sự kiện 30/4/1975 làm thay đổi cục diện thế giới 

Sài Gòn trưa 30/4/1975 trong hồi ức phóng viên chiến trường_2

Ông Peter Arnett, phải, năm 1985 được gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng, người chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

"Tôi chứng kiến thế giới thay đổi đáng kể sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Chiến tranh Lạnh giữa chủ nghĩa Cộng sản trên toàn cầu và phương Tây chấm dứt năm 1991", Arnett nhận định.

Cuộc chiến ở Việt Nam hoàn toàn khác với các những cuộc chiến mà Mỹ can dự, như ở Afghanistan và Iraq. Thứ nhất, theo Arnett, đây là cuộc chiến cuối cùng của thời kỳ "Chiến tranh Lạnh", mà Mỹ nỗ lực chống lại cái họ cho rằng lan truyền ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản với chủ nghĩa Tư bản. Cuộc chiến đầu tiên của mô hình này là chiến tranh Triều Tiên, chia cắt hai miền Nam và Bắc của bán đảo này.

Mặc dù gọi chiến tranh Việt Nam là "có giới hạn", Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã phải điều đến hơn 500.000 lính tới tham chiến. Trong nhiều năm miền Nam Việt Nam được coi là có tầm quan trọng lớn với lợi ích quốc gia của Mỹ.

Sự khác biệt thứ hai là cả chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đều được Mỹ thực hiện với các mục tiêu rất giới hạn. Chiến tranh Afghanistan năm 2001 cơ bản để đáp trả những kẻ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 khiến 3.000 người chết. Mục tiêu chính là trùm khủng bố Osama bin Laden. Chiến tranh Iraq đầu tiên năm 1991 cũng có mục tiêu hạn chế là đẩy quân của Saddam Hussein ra khỏi Kuwait, nhằm ngăn chặn việc lấy dầu. Cuộc chiến Iraq thứ hai năm 2003 cũng cơ bản là do lo ngại về khủng bố. "Cả hai cuộc chiến này đều có thương vong thấp, và dân chúng Mỹ ít quan ngại hơn so với sự phản đối kịch liệt của họ với Chiến tranh Việt Nam", Arnett cho hay.

Hiện nay, theo Arnett, các nước đang phải đối diện với những thách thức của thời đại mới, khủng bố ở Trung Đông trở thành mối quan ngại chung, Mỹ phải tính toán lợi ích của mình ở nhiều khu vực, an ninh châu Á bị đe dọa khi Trung Quốc thể hiện tham vọng của mình ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Các nhà ngoại giao và quân sự Mỹ cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng ở khu vực này.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 trong hồi ức phóng viên chiến trường_3

Arnet gặp gỡ Tướng Giáp tại Hà Nội năm 1995 khi là phóng viên của CNN. Ảnh:NVCC

Trở lại

Lần đầu tiên Arnett trở lại TPHCM năm 1985, với tư cách phóng viên củaCNN. Trước đó ông đến thăm Hà Nội năm 1979, cũng với tư cách phóng viên tháp tùng chuyến thăm của tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kurt Waldheim. Arnett có cơ hội gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1995 khi ông cùng đồng nghiệp ở CNN đến Việt Nam lần thứ ba.

Theo Arnett, lúc đó Việt Nam cho phép nhiều phóng viên nước ngoài đến thăm hơn, các câu chuyện của họ cũng góp phần thuyết phục chính phủ Mỹ cải thiện quan hệ với Việt Nam. Và hai bên đã thực sự bình thường hóa quan hệ.

"Điều thú vị với tôi là mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ sau chiến tranh. Thất bại năm 1975 dẫn tới thắng cử của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người ngay sau khi nhậm chức, năm 1978, đã gửi một phái đoàn cấp cao đến Hà Nội để thảo luận về cải thiện quan hệ hai nước", Arnet nói.

Là một trong 5 phóng viên có mặt trong đoàn đó, Arnett chứng kiến hai bên chưa đạt được thỏa thuận khi Mỹ không sẵn sàng trả khoản tiền 2 tỷ USD bồi thường chiến tranh như Tổng thống Richard Nixon cam kết trước khi ông từ chức năm 1974.

Mặc dù vậy, chuyến thăm do ông Carter sắp xếp cũng giúp thiết lập một khuôn khổ cho phép Việt Nam và Mỹ hợp tác trong việc tìm kiếm các lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

"Trong chuyến đi đó, tôi chứng kiến tận mắt hậu quả phá hoại của bom ở Hà Nội và các khu vực lân cận, dù công việc tái thiết đang được thực hiện", Arnett nói.

Suy nghĩ thời hậu chiến

Sau chiến tranh, Arnett vẫn giữ liên lạc với những người từng chứng kiến một giai đoạn lịch sử của Việt Nam. Các nhà ngoại giao từng làm việc với chính  phủ Việt Nam Cộng hòa nay vẫn làm việc cho chính phủ Mỹ, thậm chí thăng tiến lên cấp bậc cao hơn, như hàm đại sứ. John Negroponte, người từng là cố vấn cho thành phố Cần Thơ, sau đó giúp đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Bosnia những năm 1990. David Brown, làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đầu những năm 1970, hiện thường xuyên đến Việt Nam và viết về lịch sử hiện đại.

"Tất cả những người này, nói chung đều có suy nghĩ thực tế về những sai lầm của Mỹ trong chiến tranh và một cách tự nhiên thừa nhận rằng con đường dẫn tới chiến tranh là lầm lẫn. Họ tin rằng Mỹ không nên dính dáng vào cuộc chiến ở Việt Nam. Hoặc khi đã can dự, Mỹ nên có một giải pháp chính trị thỏa đáng", theo Arnett.

Arnett cũng thường xuyên gặp gỡ các cựu sĩ quan Mỹ. Họ ở tầm tuổi ông, từng ở cùng chiến trận với nhau. "Họ đều đến thăm Việt Nam thời bình và gặp gỡ các cựu chiến binh Việt Nam, những người từng ở phía bên kia chiến tuyến", ông cho biết.

Theo Arnett, hầu hết 58.000 lính Mỹ đã thiệt mạng ở Việt Nam khi tuổi đời mới 18, 19. Nhiều cựu chiến binh còn sống sót trở về hiện nay đều cảm thấy cay đắng vì sự hy sinh của mình, họ vẫn thấy bất an vì chính phủ, quân đội, nhà ngoại giao và truyền thông Mỹ đã can dự vào cuộc chiến ở Việt Nam và để nó kéo dài quá lâu.

Trong 5 năm qua, Arnett sống ở Fountain Valley, thuộc Quận Cam, California, gần Westminster, nơi có đông người Việt sinh sống ở Mỹ. Nhiều người trong số này sau khi rời Việt Nam năm 1975 có cuộc sống thành công, họ là luật sư, bác sĩ và doanh nhân. "Họ đang sống cuộc sống mà chúng ta hay gọi là Giấc mơ Mỹ".

Tuy nhiên, có một số cựu quan chức của chính quyền cũ ở miền Nam Việt Nam và doanh nhân vẫn còn bất mãn. "Họ bất mãn vì Mỹ đã không gửi thêm quân đến hỗ trợ năm 1975. Họ cảm thấy mình là nạn nhân của sự thờ ơ của người Mỹ, khiến họ mất cơ hội sống cuộc sống ở miền Nam Việt Nam. Một số người đã trở lại thăm quê hương, nhưng họ vẫn buồn. Có thể họ sẽ giữ thái độ đó cho tới lúc lìa đời", Arnett nói.

"Khi vai trò của những người Việt của thế hệ trước nhòa dần đi, có thể các Việt kiều ở Mỹ sẽ có xu hướng chấp nhận một Việt Nam ngày nay hơn, bởi vì họ sẽ hấp thụ xu hướng chủ đạo trong cách nhìn nhận của người Mỹ".

Sài Gòn trưa 30/4/1975 trong hồi ức phóng viên chiến trường_4

Arnett cùng vợ người Việt và con gái. Ảnh: NVCC

Duyên nợ với Việt Nam

Trong từng ấy năm lăn lộn trên chiến trường ở Việt Nam, Arnett đã từ một thanh niên 27 tuổi trở thành một người đàn ông trưởng thành. Dấu mốc đáng kể nhất trong cuộc đời ông là việc ông kết hôn với người vợ Việt Nam Nina Nguyen năm 1964. Họ gặp nhau khi bà vừa học từ Mỹ về. Ông bà có hai con là Andrew và Elsa.

"Sự hiện diện của họ có nghĩa rằng Việt Nam luôn luôn là một phần của cuộc đời tôi", Arnett nói.

Những tác phẩm trong chiến tranh ở Việt Nam cũng giúp Arnett gặt hái được thành công rực rỡ trong sự nghiệp làm báo. Ông được trao giải thưởng danh giá Pulitzer năm 1966 cùng nhiều giải thưởng khác. 

Trở lại với ký ức về ngày 30/4/1975, Arnett vẫn còn như nguyên cảm giác sững sờ khi đó. "Trong 13 năm đưa tin về chiến tranh Việt Nam, tôi chưa từng mường tượng rằng nó sẽ kết thúc như buổi trưa ngày 30/4 năm ấy. Tôi đã nghĩ các kịch bản, nó phải chấm dứt với một thỏa thuận chính trị như ở Lào, hay thậm chí theo kiểu ngày tận thế với một thành phố bị phá nát hoang tàn", Arnett viết.

"Nhưng trên thực tế, đã có sự đầu hàng vô điều kiện, tiếp nối bằng hai giờ gặp với các quân nhân vũ trang của miền bắc trong văn  phòng AP ở Sài Gòn, nói chuyện và uống Coca với bánh quy. Với tôi, cuộc chiến đã kết thúc như thế đấy".

Peter Arnett vừa hoàn thành cuốn sách mới mang tên "Sài Gòn thất thủ" (Sai Gon has falled), nói về cuộc đời làm phóng viên của ông ở Việt Nam. Một vài ngày tới Arnett sẽ xuất bản cuốn sách trên cả bản in và bản ebook.

Ông là một trong ba phóng viên AP còn lại ở Sài Gòn vào ngày quân đội miền Bắc tiesn vào thành phố ngày 30/4/1975.

Những năm cuối thập niên 1970, Arnett là phóng viên chiến trường ở Trung Đông, đưa tin về chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất từ Baghdad, Iraq cho CNN.  Ông từng phỏng vấn Saddam Hussein trong cuộc chiến đó, vào năm 1991; phỏng vấn truyền hình trùm khủng bố Osama bin Laden ở Afghanistan năm 1997. Ông ngừng sự nghiệp phóng viên chiến trường năm 2006, sau một thời gian đưa tin về cuộc chiến tranh Iraq.

Việt Anh 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC