Vài giờ sau khi xảy ra sự cố sập dầm cầu vượt đường cao tốc TP HCM -Trung Lương, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra kết luận, nguyên nhân sập dầm cầu là do sơ suất trong thao tác sử dụng thiết bị nâng hạ của công nhân.
Theo đó, sự việc xảy ra lúc 15h23 phút ngày 10/3, khi Công ty cổ phần cầu 11 (Tổng Công ty Xây dựng cầu Thăng Long) đang thi công lao dầm thứ 142, cầu Chợ Đệm - thuộc tuyến Tân Tạo - Chợ Đệm (Dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương).
Khi đang hạ dầm vào gối và cân chỉnh cao độ, do công nhân sơ suất trong thao tác sử dụng thiết bị nâng hạ nên gây ra rung lắc, mất ổn định bụng dầm Y42. Do đó dầm bị xoắn và gẫy rơi xuống sông, làm một dầm khác bị nghiêng do va chạm mạnh. Hai công nhân kích kéo bậc 4 của Công ty cầu 11 bị thương nặng, đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi nhận được tin về sự cố, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chỉ đạo Phó cục trưởng Cục quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Thăng Long đến hiện trường trong thời gian sớm nhất để xử lý sự cố. Việc cứu chữa, động viên, hỗ trợ công nhân bị nạn phải được ưu tiên.
Bộ Giao thông cũng cho biết, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long cũng đã tổ chức điều tiết và hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đường thủy. Hai cần cẩu nổi 80 tấn đang được huy động đến hiện trường để tháo dỡ thanh dầm bị gẫy. Việc tháo dỡ sẽ được tiến hành trong vòng 24 giờ.
Cầu Chợ Đệm vượt sông Chợ Đệm có tổng số 150 dầm phải thi công. Đơn vị thi công đã lao được 141 dầm.
Chiều 10/3, sau một tiếng "ầm" cực lớn, nước con sông Đệm bắn tung cao hàng chục mét khiến người thị trấn Tân Phúc, Bình Chánh, TP HCM, bàng hoàng. Dầm cầu số 2 nặng 60 tấn của cầu vượt đường cao tốc Trung Lương bị gãy. Ít nhất 2 người bị thương. Nhà thầu thi công công trình này là Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương dài gần 62 km, có những đoạn vượt sông và qua những khu vực có nền địa chất yếu. Công trình khởi công cuối năm 2004, nối huyện Bình Chánh (TP HCM) với huyện Châu Thành (Tiền Giang). Vốn đầu tư lên gần 10.000 tỷ đồng.
Đây là tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế về đường cao tốc với vận tốc 120 km một giờ gồm 4 làn xe (tính đến năm 2010), mở rộng 8 làn xe vào năm 2020. Khi hoàn thành, đường cao tốc này sẽ rút ngắn 50% thời gian từ TP HCM về Tiền Giang.
Theo Vnexpress.