Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản về dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và UBND quận 1. Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và UBND quận 1 khẩn trương thực hiện kết luận của Ban cán sự Đảng UBND TP về thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh.
Người dân trong khu Mả Lạng (quận 1, TP.HCM) gặp nhiều bất tiện vì không thể sửa chữa, mua bán nhà cửa. Ảnh: I.T
Trước đó, ngày 20/2 vừa qua, Ban cán sự Đảng UBND TP đã họp nghe báo cáo về thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh.
Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo giao Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu văn bản UBND TP trả lời cho nhà đầu tư (Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco) không có cơ sở xem xét việc nhà đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện dự án khu Mả Lạng theo quy định xử lý chuyển tiếp của Luật đầu tư năm 2020 và triển khai dự án Bệnh viện Sài Gòn; đồng thời tham mưu dự thảo công văn của UBND TP gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Văn phòng Chính phủ về nội dung trên, hoàn thành trong tháng 2/2023.
Ban cán sự Đảng UBND TP giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND TP thành lập tổ công tác rà soát thực hiện dự án này và dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học.
Nhiều ngôi nhà khu Mả Lạng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: I.T
Các tờ trình gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND TP trước ngày 28/2. Tổ công tác khẩn trương làm việc, đề xuất UBND TP về phương thức thực hiện dự án trong quý 2/2023, đảm bảo khả thi, đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân.
Theo đó, TP.HCM giao UBND quận 1 xem xét thực hiện thu hồi thông báo thu hồi đất và các văn bản có liên quan đến thu hồi đất tại khu Mả Lạng. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, UBND quận 1 lấy ý kiến của Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tư pháp để thực hiện.
Nhiều năm qua, người dân trong khu Mả Lạng (quận 1, TP.HCM) gặp nhiều bất tiện, khó khăn khi xây dựng, sửa sang nhà cửa hoặc mua bán, sang nhượng vì vướng quy hoạch treo.
Được biết, khu dân cư Mả Lạng được bao bọc bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Xung quanh khu dân cư Mả Lạng là những tòa nhà cao chọc trời, tráng lệ giữa trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, ít ai biết rằng bên trong khu Mả Lạng là hơn 1.000 con người với nhiều thế hệ đang phải sinh sống trong những căn nhà chật hẹp, lụp xụp, xuống cấp trầm trọng. Người dân lâm vào cảnh "đi không được, ở không xong" khi nhà cửa không được sửa sang, mua bán.
Người dân khu Mả lạng hơn 2o năm chờ quy hoạch
Gắng bó hơn 30 năm qua tại khu Mả Lạng, bà Mười (65 tuổi) sống bằng nghề bán vé số cho hay đa phần người sinh sống ở đây có cuộc sống cực khổ. Nơi này trước đây là khu mồ mả. Sau đó người dân nghèo tìm về đây cư trú, dần dần hình thành một khu dân cư đông đúc. Vì thế, Mả Lạng dường như tách biệt hẳn với thế giới nhộn nhịp và phát triển của TP.HCM.
"Trong cái xóm này, người ta làm đủ nghề để mưu sinh, chen chút trong những căn nhà chật hẹp. Ở đây có dự án lâu rồi, nhưng chưa thấy làm. Chúng tôi cứ phải sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp để đợi thành phố họp bàn việc giải tỏa, bố trí nơi ở mới… nhưng đợi cả nửa đời người rồi... Bây giờ, Người có tiền cũng không thể sửa sang nhà cửa. Còn người nghèo khó thì tất bật mong cơm ngày hai bữa. Nhà ai cũng như nhau, chẳng thể làm gì được khi sống trong cảnh quy hoạch treo", bà Mười cho hay.
Được biết, năm 2000, UBND TP.HCM chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang khu Mả Lạng có diện tích đất thu hồi hơn 6,8ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh.
Ban đầu, dự án được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2006, dự án được chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị.
Giữa TP.HCM hoa lệ, người dân sống trong khu vực Mả Lạng vẫn phải chịu cảnh “khu ổ chuột”. Ảnh: H.T
Đầu năm 2017, UBND TP.HCM có văn bản giao Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với cơ quan chức năng quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, UBND quận 1 chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, thu hồi đất, cũng như điều tra, khảo sát lập phương án tái định cư.
Qua quá trình triển khai thực hiện, đến năm 2017, quận 1 đã đo đạc, kiểm đếm được 1.360/1.363 căn nhà nằm trong khu vực thực hiện dự án. 3 trường hợp còn lại do là đất trống, có tranh chấp, chủ nhà không đồng ý cho đo đạc kiểm đếm.
Giữa năm 2017, UBND quận 1 đã ban hành 1.424 thông báo thu hồi đất đối với các thửa đất trong phạm vi dự án nói trên. Do dự án kéo dài, người dân bức xúc vì dự án ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện việc giao dịch dân sự, xin cấp giấy phép xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà...
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT