GS Phạm Tất Dong cho rằng giáo dục đang phải đi giải quyết hậu quả của quy hoạch đô thị yếu kém. Ảnh: HN
GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, việc sĩ số lớp học tại Hà Nội quá tải như hiện nay là do sai lầm trong quy hoạch của thành phố Hà Nội. Đây là hậu quả từ việc yếu kém trong quy hoạch mà khó có thể sửa sai.
Phải đi giải quyết hậu quả
Liên quan tới câu chuyện về sĩ số quá tải ở nhiều trường công lập tại Hà Nội đang khiến các em học sinh vất vả, phụ huynh đau đầu, ngành giáo dục loay hoay, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, có hiện tượng trên là do chỉ chăm chăm xây nhà chứ không quan tâm đến xây trường thành ra thiếu trường, thiếu lớp.
GS Dong chỉ rõ: Chưa quan tâm tới vấn đề trường đã đạt chuẩn hay chưa nhưng có thể thấy về việc thiếu số lượng trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Nguyên nhân của hiện tượng này là do yếu kém trong quy hoạch.
Ông Dong phân tích, khi định xây một khu mới, cơ quan chức năng cần tính toán có bao nhiêu dân, ước đoán tỉ lệ trẻ học từng lớp, từng cấp ra sao sau đó tính toán về quy hoạch trường lớp. Khi đã tính toán có quy hoạch cụ thể mới cấp phép xây dựng cho các đơn vị.
“Hiện nay sai lầm là nhà đầu tư cứ xây. Xây xong mới vỡ nhẽ ra là không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Vì thế, các cơ quan chức năng khi duyệt cấp phép đầu tư xây dựng chung cư nếu không đảm bảo trường lớp, các dịch vụ công cộng đi kèm thì không được phép xây. Không thể để giáo dục hay các lĩnh vực khác như y tế, giao thông phải đi giải quyết hậu quả như hiện nay”, GS Phạm Tất Dong nói.
Khó sửa sai!
Về yếu kém trong quy hoạch này, ông Dong cho rằng khó sửa sai. “Đây là sai lầm. Giờ sửa sai bằng cách nào? Theo tôi là rất khó để sửa sai”.
GS Phạm Tất Dong cho rằng rất khó để sửa sai trong việc thiếu trường, lớp hiện nay. Ảnh: HN
Theo GS Dong, đây là một sai sót mà Hà Nội lẽ ra phải rút kinh nghiệm từ rất lâu rồi nhưng dường nhưu chưa có chuyển biến trong quy hoạch thành ra giờ có dồn, ghép kiểu gì thì cũng vẫn quá tải. Thành phố đang tính chuyện xây thêm tầng hay sắp xếp, tổ chức thời gian học kiểu gì đi nữa cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Quay trở lại câu chuyện chất lượng giáo dục, GS Dong bày tỏ lo ngại khi một lớp có 60 – 70 trẻ em thì sao có thể đảm bảo việc dạy là học. Lứa tuổi này các con cần sự quan tâm, kèm cặp.
“Trên thế giới, lớp ở cấp tiểu học quy định sĩ số chỉ dưới 30 em/lớp. Lớp quá đông như nhiều trường ở Hà Nội thì giáo viên giữ được trật tự cũng khó chứ nói gì đến dạy kiến thức cho trẻ", ông Dong đánh giá.
Nguồn: Báo LAO ĐỘNG