Sinh viên ngành Viết văn: Ra trường, làm gì?Họ là những sinh viên của Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình Văn học (ST&LLBPVH), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hàng ngày, họ vẫn hăm hở học tập, cần mẫn sáng tác và đã gặt hái được một số thành công. Nhiều người trong số họ hy vọng sau khi tốt nghiệp, cùng với sự dấn thân của bản thân, tích cực sống và viết, diện mạo văn học trẻ trong tương lai sẽ khác. Và đây là những suy nghĩ, trăn trở và những điều tâm huyết của một số gương mặt trong khoa.

Nguyễn Thị Thu Hà (Khóa 8): Tất cả còn ở phía trước

Sinh viên ngành Viết văn: Ra trường, làm gì?_0

Với những sinh viên sắp ra trường như chúng tôi thì tất cả còn ở phía trước, con đường vẫn còn nhiều chông gai. Tôi thấy hiện nay văn trẻ nước mình khá phát triển, nhiều cây bút mới đã tạo được chỗ đứng cho mình và có tiếng vang như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… và tôi thấy rất nhiều người có tâm huyết với văn chương, thực sự yêu thích văn chương và tha thiết gắn bó với nó.

Hiện nay văn đàn nước nhà có rất nhiều những cây bút gạo cội mà không dễ dàng gì thế hệ trẻ, những người cầm bút trẻ có thể ngay lập tức thay thế nhưng ở thế hệ nào cũng thế thôi, với sức viết và lối tiếp cận của văn trẻ hiện nay tôi tin tưởng những thế hệ trẻ có thể tiếp nhận văn đàn hiện nay và làm chủ được nó.

Được học trong Khoa ST&LLPBVH là một sự may mắn đôi với tôi. Từ đây mà tôi lớn lên, tôi học được rất nhiều điều. Thật sự phải rất cảm ơn thầy Trưởng khoa - nhà văn Văn Giá. Nhờ thầy mà chúng tôi được học, tiếp cận với những thầy giáo, những giáo sư đầu ngành.

Đây là may mắn lớn nhất đối với sinh viên chúng tôi. Còn việc có trở thành một người viết chuyên nghiệp hay không thì lại là một việc khác. Các thầy, cô giáo có thể cho chúng tôi những kiến thức cơ bản nhất nhưng để vận dụng nó vào tác phẩm của mình thì còn tùy thuộc khả năng mỗi người.

Cũng là một người cầm bút, tôi rất hy vọng những người viết trẻ sẽ được quan tâm hơn nữa. Và tôi cũng rất hy vọng những người viết trẻ hãy cố gắng nỗ lực nhiều hơn để có thể khẳng định mình trên văn đàn.

Vũ Thị Huyền Trang (Khóa 9): Tôi hy vọng vào khả năng bản thân

Sinh viên ngành Viết văn: Ra trường, làm gì?_1

Mỗi sinh viên trong khoa đồng thời là những người viết, đều tự ý thức được trách nhiệm trong công việc sáng tác của mình. Mỗi người viết tự khẳng định mình bằng kết quả học tập và tác phẩm, ngoài các tác phẩm được đăng báo, tham gia các cuộc thi, các diễn đàn thì mỗi một học kỳ sinh viên trong khoa phải nộp bài định kỳ để các nhà văn có tên tuổi đọc và nhận xét, thẩm định tác phẩm. Qua ba năm học tập trong khoa bản thân tôi thấy hầu hết các sinh viên đều rất cố gắng và họ đang trong quá trình đi tìm cái "tôi", thực tế đã có rất nhiều cây bút khẳng định được mình.

Sau ba năm học tập và rèn luyện trong "ngôi nhà văn chương", tôi thu nạp được rất nhiều kiến thức, đặc biệt là những môn học giúp ích nhiều cho người viết như: Phân tâm học, Văn hóa học đại cương, Lý luận phê bình văn học, Tâm lý học… Giúp tôi tiếp cận các tác phẩm văn học và tiếp cận ngay cả nhân vật của chính mình.

Kết quả là trước khi vào học ở Khoa ST&LL PBVH tôi không có gì ngoài niềm đam mê văn chương và chút ít năng khiếu bẩm sinh, còn bây giờ thì tôi đã viết chắc tay hơn, không chỉ viết đơn thuần bằng những cảm nhận của mình về cuộc sống và con người mà tôi đã biết xác định được hướng đi trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên kiến thức thì mênh mông, mà tuổi trẻ thì chưa thật nhiều vốn sống. Tôi tự ý thức được rằng mình còn phải học tập và "sống" thật nhiều.

Cũng giống như bất kì người viết nào, tôi cũng ấp ủ nhiều hoài bão, khát vọng trong mình. Tôi vừa vui mừng vừa lo lắng về sự "trẻ" của mình, nó cho tôi thời gian nhưng cũng mang đến cho tôi sự bồng bột, nông nổi. Nhất là trong khi người viết phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, những "cơm áo gạo tiền" để tồn tại và viết.

Hơn thế nữa nhìn vào một thực tế ở nước ta hiện nay cũng có khá nhiều người viết chuyên và không chuyên, muốn khẳng định được mình thì bản thân mỗi người viết phải cố gắng rèn luyện ngòi bút và phải "sống" rất nhiều. Là một người viết trẻ trong thời hội nhập tôi mong muốn sẽ tự khẳng định được mình bằng tác phẩm, cụ thể đó là một tiểu thuyết mà bản thân đang ấp ủ. Tự biết mình chưa đủ sức nên tôi đang hy vọng và chờ đợi… chờ đợi vào sự cố gắng của mình.

Tôi hy vọng vào thế hệ những người cầm bút trẻ, cũng như tôi đã hy vọng vào bản thân mình. Chỉ cần mỗi một người viết có một niềm tin như thế thì chắc chắn văn học trẻ sẽ làm được một điều gì nó, ít nhất là nó sẽ mang đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, về con người.

Dĩ nhiên là văn học trẻ sẽ thật thành công nếu nó có cái nhìn mới dựa trên những nền tảng về bản sắc văn hoá dân tộc. Còn bản tôi không dám nói to tát rằng mình có một sứ mệnh văn chương hay không? Nhưng tôi luôn cố gắng học tập, sống và rèn luyện ngòi bút của mình, khao khát nói được những điều mà con người muốn nói.

Khúc Hồng Thiện (Khóa 10): Môi trường sáng tạo rất quan trọng

Sinh viên ngành Viết văn: Ra trường, làm gì?_2

Năm 2007, được Hội VHNT tỉnh Hưng Yên gợi ý, với mong muốn tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp cho mình, tôi quyết định ra Hà Nội theo học Khoa ST&LLPBVH. Thật vui mừng khi tôi được biết khoa chính là Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây.

Đến nay đã gần hai năm học tập, tôi nhận thấy mình đã không chọn nhầm hướng đi. Ở trường, tôi được gặp gỡ, trao đổi với bạn bè - những người yêu văn chương, các nhà thơ, nhà văn đã thành danh. Học tập trong khoa là được tiếp xúc với môi trường sáng tác để dần dần hình thành ý thức chuyên nghiệp trong nghề văn.

Trong quá trình học, được tiếp xúc với các thầy giáo, chúng tôi không chỉ thu nhận được tri thức mới, mà còn hiểu biết nhiều vấn đề xã hội đương đại, được tiếp xúc với phong cách làm việc của các thầy, cô giáo. Hầu hết các sinh viên đang theo học ở đây đều có ý thức hướng đến tính chuyên nghiệp trong nghề, vẫn biết điều này cực khó.

Tôi học viết văn, không phải để tìm kiếm danh vọng, mà ý thức rõ ràng là để học và làm việc bằng nghề viết. Văn chương sẽ là niềm đam mê suốt đời, nhưng sau khi ra trường chúng tôi phải sống bằng nghề báo, biên tập viên, truyền thông… và đó sẽ là vốn để nuôi dưỡng văn chương, nuôi dưỡng lý tưởng nghề nghiệp.

Tuy có làm thơ, viết văn, nhưng trong quá trình học tập tại khoa tôi lại hướng sang chuyên ngành Lý luận Phê bình Văn học - lĩnh vực mà rất ít người trẻ lựa chọn. Trong đời sống văn chương đương đại Việt Nam đang dần xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, tuy chưa khẳng định được nhiều thành công nhưng hứa hẹn hy vọng.

Tôi thường theo dõi các diễn đàn về văn học nghệ thuật, người ta hay bàn về phạm vi ảnh hưởng của văn chương trong đời sống hôm nay. Theo tôi, đó là quy luật vận động tự nhiên của phát triển. Khi nền kinh tế của một xã hội phát triển, cộng đồng đó được tiếp xúc với nhiều công việc khác nhau, đương nhiên họ có quyền và có nhu cầu thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí khác.

Thực tế, không có gì khiến chúng ta phải ngạc nhiên và lo ngại, văn chương vẫn chiếm một vị trí quan trọng, xứng đáng trong đời sống xã hội. Điều mà những người cầm bút, nhất là những người viết trẻ cần làm là sáng tạo những tác phẩm hay. Chỉ có tác phẩm mới có căn cứ để chúng ta bàn luận. Chúng ta cũng không cần phải thổi phồng những gì chưa hoặc không đáng nói.

Lê Bảo (Khóa 9): Không đam mê và dấn thân đừng hòng thành công

Sinh viên ngành Viết văn: Ra trường, làm gì?_3

Biết đến Trường Viết văn Nguyễn Du và ham muốn thi vào trường. Duyên phận đã chiều lòng ham muốn của tôi. Đọc, học và viết đó là những việc cần và phải làm ở môi trường văn chương này. Ở đây tôi được đọc, được viết, được chia sẽ, được cọ sát... Lòng đam mê văn chương lại thôi thúc tôi viết. Tôi mới viết truyện ngắn một cách nghiêm túc được mấy năm nay. Và quả thật nhận thấy còn phải sống và trải nghiệm nhiều hơn nữa, hy vọng một ngày không xa sẽ có những tác phẩm đứng được.

Năm thứ nhất đó là bước thử nghiệm với ngòi bút của mình. Năm thứ hai bắt đầu viết nghiêm túc. Năm thứ ba đó là sự trải nghiệm sự trăn trở của bản thân cũng như sự lo toan về cuộc sống hiện tại, chính những điều đó đã hướng những trang viết của tôi về cái thực tại. Từ đó tôi càng hướng bản thân mình để có thể "chung sống" với văn chương là: Sống, nuôi đam mê và viết

Thầy Văn Giá Trưởng khoa luôn nói với chúng tôi rằng: "Không ai từ đào tạo mà trở thành nhà văn. Nhà trường cũng không đào tạo được nhà văn mà thầy, cô giáo chỉ truyền đạt phông kiến thức, kỹ thuật ngôn từ và kinh nghiệm sáng tác". Từ khi đặt chân vào trường viết văn, tôi đã xác định riêng cho mình sẽ gắn bó lâu dài với nghề viết. Những thành công đầu tiên đã giúp sức cho những bước đi tiếp theo của tôi trên con đường phía trước. Tôi không muốn nói gì nhiều tới điều này, hãy để những tác phẩm nói lên tất cả.

Văn học trẻ đã và đang là mối quan tâm của nhiều độc giả bởi cách nghĩ, cách sống và cách viết. Những gì tôi quan sát những gì tôi thấy nó thể hiện đâu đó trong các tác phẩm và hiển nhiên thế hệ 8X đang thao thức với những điều đó. Đó là sự tươi rói, sự lạc quan hay ngược lại là sự lo toan về cuộc sống.

Đó là cái nhìn lạc quan về thế giới quan nhưng cũng không ít cái nhìn ngược chiều. Sex trong văn học trẻ cũng kéo được nhiều sự quan tâm đấy chứ. Nhưng cái quan trọng là trong những dòng văn những lời thơ sex ấy chúng ta tìm thấy cái giá trị mỹ học cho mình. Như thế chúng ta sẽ nhìn văn học trẻ với ánh mắt trìu mến hơn.Những bước đi tiếp theo tôi chỉ biết sẽ cố gắng hết mình.

Có lẽ tôi sẽ thiên về mảng thiếu nhi hơn. Tôi thích viết về quá khứ, những gì tôi đã trải qua. Tôi bắt đầu viết những truyện giả tưởng, hy vọng thời gian tới sẽ có được những thành công ở đề tài này. Sau cùng, tôi muốn nói đến cái gọi là đam mê. Người viết không có sự đam mê và dấn thân đừng hòng thành công

Theo CAND online.


 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC