Hai tháng đầu năm 2016, Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD nhưng đây lại là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khối FDI.

 

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt 46,69 tỷ USD, giảm 1,5% (701 triệu USD) so với cùng kỳ 2015.

Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 30,37 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Riêng xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,68 tỷ USD, tăng 3% (688 triệu USD). Trong đó, giá trị từ khối FDI lên mức 16,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sự thật buồn thành tích xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam - 0

Việt Nam đã có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng một tỷ USD, trong đó lớn nhất là điện thoại - linh kiện với 4,7 tỷ USD. Dệt may cũng có nhiều bứt phá với giá trị xuất khẩu lên tới 3,3 tỷ USD.

Tiếp đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD; giày dép đạt 1,8 tỷ USD; máy móc, thiết bị và các phụ tùng đạt 1,3 tỷ USD.

Trong 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 23 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trị giá nhập khẩu của khối FDI đạt 13,77 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ.

Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 680 triệu USD. Khối doanh nghiệp FDI vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế khi chiếm 65% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Đối với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng một tỷ USD, có thể thấy cũng chủ yếu là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khối doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu điện thoại và linh kiện, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm thế độc tôn, điển hình là dự án sản xuất điện thoại của Samsung.

Tương tự, các mặt hàng điện tử và linh kiện, máy tính các loại cũng chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp ở Việt Nam.

Ngay cả mặt hàng dệt may, vốn được coi là thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam, cũng đã được các chuyên gia nhiều lần chỉ ra rằng, Việt Nam chỉ "xuất hộ" khi các nguyên phụ liệu cho ngành này Việt Nam đều phải nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc.

Bởi xuất siêu của Việt Nam đang hoàn toàn đến từ khu vực FDI do đó, giá trị gia tăng đem lại cho nề kinh tế và tác động tới khu vực doanh nghiệp trong nước chưa nhiều.

Trả lời trên báo chí, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, trong dài hạn, nền kinh tế cứ tiếp tục xuất siêu nhờ nước ngoài, đến một lúc nào đó họ chuyển lợi nhuận về nước thì “tiết kiệm, để dành” của Việt Nam sẽ không còn gì.

Ngoài ra, với làn sóng doanh nghiệp FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng doanh nghiệp trong nước lại chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng, nguồn nguyên phụ liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chưa phát triển (công nghiệp phụ trợ gần như giẫm chân tại chỗ)…, nguy cơ nhập siêu trở lại và ở mức cao là khó tránh khỏi; đồng thời, sức ép cạnh tranh từ bên ngoài trước bối cảnh hội nhập khiến doanh nghiệp trong nước đang bị lép vế, lấn át so với khối doanh nghiệp FDI.

Phương Linh
Theo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC