Thức ăn hầm bằng bột tẩy sàn nhà, rau ngót "tắm" thuốc, sữa nhiễm khuẩn… là những thực phẩm người Việt vẫn sử dụng hàng ngày gây hoang mang ngay những ngày đầu tuần này.
Bột mềm tẩy nhà hầm xương thoải mái
Bột mềm công nghiệp giá rẻ được mua bán thoải mái để chế biến thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
Hiện nhiều cửa hàng phở đang sử dụng loại này để khiến xương nhừ nhanh hơn, ra hết chất, ngọt nước.
Theo một chủ cửa hiệu, nếu hầm 10kg xương bò theo cách thông thường thì phải mất khoảng 8 giờ mới mềm và ra hết chất. Tuy nhiên, chỉ cần thêm vài trăm gam bột mềm với giá vài chục ngàn đồng thì chưa tới 1 giờ sau là đã có được nồi nước dùng (nước lèo) thơm ngon và rất trong.
Nếu dùng bột mềm hầm thịt, gân, đuôi bò hay chân giò heo, ngoài việc nhanh mềm, thịt còn có độ dẻo rất ngon. Bột mềm dùng hầm đậu nấu chè cũng rất nhanh…
Bất chấp nguy cơ độc hại, nhiều người vẫn sử dụng bột mềm giá rẻ dùng trong công nghiệp để chế biến thực phẩm.
Hiện loại bột mềm này được bày bán khá công khai ở chợ Kim Biên, Quận 5, TP. HCM. Tại một gian hàng nằm bên hông chợ này, khi biết chúng tôi có ý định mua bột mềm, người bán nhanh nhảu múc 200g cho vào một hũ thủy tinh có dán sẵn tem “bột mềm” và báo giá 20.000 đồng.
Bất chấp nguy cơ độc hại, nhiều người vẫn sử dụng bột mềm giá rẻ dùng trong công nghiệp để chế biến thực phẩm. |
Theo những người bán hàng, nếu dùng tẩy sàn nhà hay vật dụng thì chỉ cần cho ít nước vào bột rồi nhúng khăn chà lên vết dơ nhiều lần sẽ sạch bóng. Còn nếu dùng hầm thức ăn thì tùy nhiều hay ít, chỉ cần cho vài muỗng bột này vào là mềm ngay…
Những người bán hàng cũng bật mí: "Bây giờ, ai cũng mua bột này về hầm xương hết chứ hầm bằng củi lửa thì lấy gì mà lời!".
Trên thị trường hiện nay, nhiều người bán nhập nhèm bột mềm công nghiệp (thường có thành phần asen, thủy ngân và nhiều tạp chất khác, giá rẻ, vốn chỉ được dùng trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp hoặc để làm sạch các vết bẩn trên gạch men, bồn sứ, nệm da, sàn nhà…) với bột mềm thực phẩm. Dùng bột mềm công nghiệp để chế biến thực phẩm sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
Nhiều chuyên gia y tế cho biết thủy ngân có độc tính rất cao. Dùng thức ăn có chứa thủy ngân thì chất này sẽ tích lũy dần trong não, thận, gan, tóc và da, tồn tại dai dẳng trên cơ thể con người, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Trong khi đó, asen cũng là chất cực độc. Nếu thâm nhập vào cơ thể con người mỗi ngày một ít với liều lượng nhỏ nhưng trong thời gian dài, chất này sẽ gây mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm, sạm da, rụng tóc, sút cân, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, viêm dạ dày và ruột... Lâu dài hơn, asen còn có thể gây ung thư.
Rau ngót “tắm” thuốc trừ sâu
Chỉ vài nghìn cho một gói thuốc trừ sâu và thuốc “Tàu” (thuốc kích thích tăng vọt), mỗi tuần, rau ngót được “tắm” 3 lần trong những thứ thuốc siêu độc hại này.
Và thay vì cả tháng trời mới có rau ngót để ăn, loại rau này được rút ngắn thời gian thu hoạch xuống chỉ vỏn vẹn 1 tuần.
Rau ngót – thứ rau phổ biến luôn được xem là rau rất lành, thậm chí nhiều người còn dùng ăn sống, xay nước uống - thì những thông tin trên quả là đáng giật mình |
Bà Nguyễn Thị Thu, nông dân trồng rau ở xóm Bơ cho biết, thông thường, rau ngót sau khi cắt hết phần non còn mỗi gốc, vẫn phải phun một lượt thuốc để chống muội lá. Nếu rau sạch thì phải 20-25 ngày sau mới được ăn. Còn rau bán thì chỉ cần rau lên mầm non là phun ngay thuốc “Tàu”, mỗi tuần 3 lần. Sau một tuần là tha hồ cắt!” – bà Thu cho biết.
Giá của những loại thuốc này chỉ vài nghìn một gói, bán rất rộng rãi ở bất cứ cửa hàng thuốc BVTV nào ở Hà Nội.
Tại một địa điểm trồng rau ngót khác phường Yên Nghĩa (Q.Hà Đông), nông dân ở đây cho hay ngoài thuốc trừ sâu, rau ngót còn được “tắm táp” thêm thuốc trừ cỏ, trừ bệnh... Gần như 100% diện tích trồng rau ngót ít nhất phải phun thuốc trừ bệnh xoăn lá.
Với rau ngót – thứ rau phổ biến luôn được xem là rau rất lành, thậm chí nhiều người còn dùng ăn sống, xay nước uống - thì những thông tin trên quả là đáng giật mình. Ngay cả người đứng đầu ngành nông nghiệp - Bộ trưởng Cao Đức Phát- cũng cho rằng, việc tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép trên loại rau này là đáng báo động bởi nó đang trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Sữa bẩn tràn lan
Ngày 5/8, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Trần Quang Trung đã trực tiếp kiểm tra việc thu hồi sữa Similac GainPlus Eye-Q cho trẻ nhỏ 1 - 3 tuổi do Cty Fonttera New Zealand sản xuất bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinums. Hiện vẫn còn gần 3.000 thùng sữa “bẩn” chưa được kiểm soát.
Trước đó 2 ngày, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được thông tin từ Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam thông báo về việc Bộ Công nghiệp cơ bản nước này phát hiện các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ có chứa whey protein concentration do Cty Fonterra sản xuất bị nhiễm Clostridium botulinum (C.botulinum) xuất khẩu sang một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông Trần Quang Trung cho biết đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia lấy mẫu kiểm nghiệm cụ thể mức độ nhiễm khuẩn thức ăn công thức cho trẻ 1-3 tuổi Similac GainPlus Eye-Q, sữa Dumex Gold bước 2 và báo cáo kết quả về Cục ATTP trước ngày 6/8.
Cục ATTP đề nghị các cơ quan kiểm tra nhà nước kiểm tra chặt chỉ tiêu C. botulinums đối với nguyên liệu và các sản phẩm sữa, sản phẩm đã qua chế biến trong thành phần có chứa Whey protein concentrate từ New Zealand vào Việt Nam.
Ông Trung khuyến cáo: “Người tiêu dùng nếu đã mua sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q và Dumex Gold và sử dụng, đối thiếu thấy dưới đáy hộp sữa số lô giống như trên thì cần quan tâm theo dõi sức khỏe của trẻ xem có bị tiêu chảy, nôn hay không. Nếu có, phải đưa đến bệnh viện kịp thời để xử trí việc nhiễm khuẩn do sữa này”.
Theo Cục ATTP: Đây là vi khuẩn hình que, tạo nha bào (bào tử) có khả năng gây bệnh cho người. Vi khuẩn C. botulinum có khả năng sống sót cao, nha bào của chúng (tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng) có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói... nhiều tuần. Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố.
Vi khuẩn bị diệt ở 60oC trong 30 phút và có thể diệt bằng các hóa chất khử trùng thông dụng. Để khử độc tố cần đun sôi 100oC ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100oC ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160oC ít nhất trong 30 phút.
Các loại đồ hộp, thức ăn được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong điều kiện nhiễm vi khuẩn C. Botulinum gây ra cho người là do nhiễm độc ngoại độc tố của vi khuẩn C.Botulinum với biểu hiện hội chứng viêm dạ dày - ruột cấp tính, nhiễm độc thần kinh có liệt mềm, diễn biến nhanh và có thể tử vong.
Theo BS Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện E, trẻ dưới 1 tuổi uống phải sữa có vi khuẩn C. botulinum tác hại sẽ khôn lường.
Độc tố do C. botulinum sinh ra là loại độc tố thần kinh (neurotoxin) gây hại cho sức khỏe con người. Độc tính của neurotoxin rất mạnh, chỉ cần 0,03mg là đủ gây tử vong ở người lớn. Độc tố làm các xung động thần kinh sẽ bị ngưng trệ dẫn đến triệu chứng liệt vận động là chủ yếu.
Các dấu hiệu bao gồm nói khó; khó nuốt; khô miệng; liệt mặt; liệt các dây thần kinh vận nhãn gây nhìn đôi; sụp mí; khi liệt các cơ hô hấp gây khó thở thậm chí gây ngừng thở dẫn đến tử vong.
Bệnh tiến triển rất nặng nếu dẫn đến liệt toàn thân. Trẻ em dưới 1 tuổi có sức đề kháng kém, mẫn cảm hơn với độc tố nên rất dễ mắc. Nếu sữa dành cho trẻ dưới 1 tuổi mà có vi khuẩn độc hại này thì tác hại sẽ khôn lường.
Theo Đất Việt.