Sẽ như thế nào nếu chúng ta đào tạo ra hàng ngàn, hàng vạn...những người hành xử giống như trong câu chuyện ngụ ngôn "chú bé chăn cừu". Khi đó niềm tin trong cộng đồng liệu có còn nữa hay không, và một xã hội nếu thiếu niềm tin thì sẽ phát triển theo định hướng nào?
Trong bức thư tâm huyết gửi toàn ngành giáo dục nhân ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo 20/11/2008 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã rất bức xúc và lo lắng trước thực trạng tiêu cực, bệnh thành tích và nói rộng hơn là sự gian dối đang tồn tại trong ngành và xã hội. Quả thực, bất cứ ai có lương tâm mà chẳng băn khoăn, day dứt và đồng tình với những suy nghĩ đầy tinh thần trách nhiệm của ông, và thật đáng báo động khi sự trung thực trong một lĩnh vực mang ý nghĩa quan trọng đối với sự trường tồn của đất nước và dân tộc là “trồng người" như Bác Hồ đã nói lại đang thiếu tới mức phải lo ngại.
Câu chuyện ngụ ngôn về một cậu bé luôn nói sai sự thật rằng sói đang đuổi cừu để trêu mọi người có kết cục buồn là khi có sói đến thật thì chẳng còn ai tới cứu cậu nữa vì mọi người đã mất hết niềm tin vào cậu; nếu có nhắc lại lúc này chắc vẫn sẽ không thừa.
Sự gian dối trong giáo dục có thể gây nên hậu quả thật khôn lường cho toàn xã hội; thử hỏi sẽ như thế nào nếu chúng ta đào tạo ra hàng ngàn, hàng vạn và có thể nhiều hơn những con người hành xử giống như trong câu chuyện ngụ ngôn kia! Khi đó niềm tin trong cộng đồng liệu có còn nữa hay không, và một xã hội nếu thiếu niềm tin thì sẽ phát triển theo định hướng nào?
Người xưa vẫn răn dạy con cháu: mất tiền tức là chưa mất gì, mất sức khỏe là mất một nửa còn mất niềm tin là mất tất cả!". Ấy là mới nói tới xã hội theo cái nghĩa thu nhỏ tức là “ta với nhau” thôi mà đã thấy lắm vấn đề, còn trong thời buổi hội nhập và toàn cầu hóa, khi chúng ta phải chân thành, nỗ lực mọi mặt để tạo được niềm tin nơi cộng đồng quốc tế thì đó mới thực sự là một thách thức lớn.
Xây dựng thành công, đồng thời gìn giữ được một thương hiệu hàng hóa, dịch vụ hay hình ảnh tốt đẹp của một đất nước thì không có gì khác là phải thu phục được niềm tin của cộng đồng trong và ngoài nước một cách thường xuyên như ta hít thở khí trời vậy.
Và để được như vậy cũng chẳng có cách nào ít tốn kém và bền vững hơn là bằng chính sự trung thực. Chất lượng hàng hóa rõ ràng là phải đúng như cam kết, làm ăn kinh doanh thì phải trọng chữ tín và giờ đây, dần dần ta mới hiểu tại sao những đất nước giàu mạnh, văn minh đều tuân thủ những quy định pháp luật khắt khe về tính trung thực và minh bạch trong mọi hoạt động của mình.
Nói một cách nôm na thì trung thực chính là nền tảng của tiến bộ xã hội và sự thịnh vượng. Điều này là đúng cho từng cá nhân, tổ chức và ngay cả một đất nước, nếu xét về lâu dài và trên bình diện tổng thể.
Thế nhưng tại sao trong xã hội của chúng ta hiện nay vẫn đang tồn tại ở mức đáng lo ngại sự gian dối, đành rằng về mặt lý luận ai ai cũng nói trung thực là hay là cần và dù rằng đã có bao nhiêu đợt học tập những tấm gương đạo đức của các bậc cách mạng tiền bối về vấn đề này?
Từ lâu chúng ta đã biết rằng bất kỳ hình thái hoạt động xã hội nào đều cần có đủ động lực để phát sinh, để vận hành và khi đã “chạy” trơn chu rồi thì nội dung của hoạt động đó sẽ dần được nâng cao theo quy luật “lượng chuyển thành chất”.
Cái gốc của mọi động lực chính là tiêu chí lợi ích (vật chất và tinh thần). Do vậy mà nguyên nhân của căn bệnh gian dối trong nền giáo dục và xã hội ắt phải nằm trong mối liên hệ giữa lợi ích và động lực rất phong phú và đa dạng này.
Phỏng có lợi gì cho bản thân khi nói thẳng, nói thật về những tiêu cực trong trường học của mình để rồi bị trù dập và cô lập một cách rất tinh vi và quyết liệt như trường hợp thầy Đỗ Việt Khoa ở trường Vân Tảo, Thường Tín?
Những người như thầy Khoa hôm nay còn có thể đếm trên đầu ngón tay nhưng chắc chắn lực lượng giáo viên có suy nghĩ giống thầy Khoa mà chưa dám nói ra một cách trung thực và dũng cảm như thầy sẽ là một con số không nhỏ.
Chỉ cần một cơ chế thực sự bảo đảm dân chủ ở các cơ sở giáo dục thì sẽ có nhiều đóng góp tâm huyết và thẳng thắn góp phần chia sẻ những khó khăn cùng lãnh đạo ngành.
Có những suy nghĩ và đề nghị rất sát với yêu cầu thực tiễn cuộc sống có thể giúp công việc chung hiệu quả hơn nhưng khi còn bị ràng buộc bởi những cấm kỵ giáo điều, những trật tự đã lỗi thời và lối nghĩ duy ý chí thì nhiều người đành chọn thái độ thỏa hiệp với cái cũ, thậm chí buộc phải đầu hàng trước những quyền lợi của một nhóm người.
Cuộc chiến vĩnh cửu giữa Thiện và Ác, giữa tiến bộ và lỗi thời chưa biết ai thắng ai! Ở đây rõ ràng tầm nhìn xa trông rộng và quyết tâm cải cách của những người lãnh đạo ở tầm vĩ mô đóng một vai trò quyết định, giúp làm lành mạnh xã hội nhanh hơn, triệt để và toàn diện hơn.
Tìm mọi cách để vào được đại học để rồi chẳng cần học chăm và học giỏi làm gì cho tốn sức khi có thể chạy được điểm, mua được bằng và việc làm sau khi ra trường lại là phạm trù ít liên quan tới kết quả đèn sách!
Có thể điều này chưa trở thành phổ biến nhưng nếu không ngăn chặn triệt để thì nguy cơ đó sẽ là một khối u di căn từ nhà trường lan tỏa sang mọi mặt của xã hội, chẳng khác gì bệnh ung thư máu (Leukemia), khi mà một lượng không kiểm soát nổi những tế bào bạch cầu non không thực hiện chức năng nuôi dưỡng cơ thể nhưng lại chiếm chỗ các tiểu cầu và hồng cầu trong mọi ngóc ngách của nội tạng.
Nếu tiêu chí dùng người tài trong xã hội mà khách quan, khoa học hơn, nếu như khu vực kinh tế tư nhân được hỗ trợ đúng mức để thực sự trở thành nguồn chủ yếu cung cấp việc làm ổn định cho thị trường lao động như tất cả các nền kinh tế thị trường lành mạnh khác trên thế giới thì làm sao có chỗ cho sự gian dối như vậy! Và khi Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa thì liệu các công ty đa quốc gia có sử dụng nhân lực được đào tạo theo cách đó không? Chắc chắn là không đâu.
Cách hành xử của người Việt Nam chúng ta trên trường quốc tế luôn phản ánh những tố chất mà chúng ta tích lũy được nơi quê hương cội nguồn.
Thiếu trung thực trên đất nhà mình thì còn có cơ hội sống sót (thậm chí có nơi, có lúc còn giúp phát triển nhanh và sống giàu sang!) nhưng trong thời buổi toàn cầu hóa thì sự gian dối sẽ ngày càng có ít cơ hội thành công.
Nhìn sang Trung Quốc qua vụ sữa nhiễm Melamine thì đã rõ cái giá phải trả cho sự gian dối cao biết nhường nào. Nghi án hối lộ ở dự án đại lộ Đông - Tây thành phố HCM, vụ một số doanh nghiệp bị kiện do vi phạm bản quyền, xuất khẩu hải sản bị trả lại do chứa nhiều chất độn và kháng sinh, rồi gần đây rùm beng trên báo chí Nam Phi chuyện buôn sừng tê giác của cán bộ Ngoại giao mới chỉ là một vài minh họa cho thấy phản ứng của quốc tế đối với những hành vi thiếu trung thực trong thời buổi hội nhập.
Đã đến lúc phải học cách tư duy và hành động như một công dân toàn cầu nếu thực sự mong muốn đưa Việt Nam lên xa lộ cao tốc của văn minh và thịnh vượng.
Với tầm nhìn gần, thiển cận một chút ta còn thấy le lói hy vọng cho lối suy nghĩ và kiểu hành xử chụp giật, ăn lẹm vào tương lai, bóc ngắn cắn dài, thiếu trung thực; nhưng với tốc độ toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế đang diễn ra như vũ bão hiện nay thì cách sống duy nhất hiệu quả và thành công vững chắc phải là xây dựng một xã hội dân sự dựa trên những chuẩn mực minh bạch và trung thực.
Dù muốn hay không đó sẽ là một tất yếu khách quan, nhưng hiện thực đó có tới sớm hay muộn lại còn phụ thuộc vào nhận thức và hành động của mỗi chúng ta. Có tầm nhìn xa và dũng cảm vượt lên chính mình ngay hôm nay sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về thời gian, công sức và của cải vật chất trong tương lai. Rất mong bạn đọc tiếp nhận những dòng tâm sự này như một sự chia sẻ bộc bạch về giá trị vô cùng to lớn của hai từ trung thực.
- TS. Phạm Gia Minh (Thăng Long - Hà Nội)