Sức mua chớm tăng, giá đã tăng vọtTừ giữa tháng 4, giá nhiều mặt hàng, từ mớ rau, con cá, con gà cho đến tủ lạnh, ti vi… lần lượt tăng giá. Ngoài các yếu tố sức mua tăng do các giải pháp kích cầu, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu hồi phục, còn có nguyên nhân từ sự căng thẳng trên thị trường ngoại hối và mối lo về sự mất giá của đồng tiền.

Nhiều nhóm hàng tăng giá

Từ sau 20.4 đến nay, giá một số loại thực phẩm tươi sống bán tại các chợ đang nhích giá lên vài ngàn đồng/kg sau thời gian dài khá ổn định. Cụ thể trong thị trường thịt gà, bao gồm gà lông màu, gà trắng công nghiệp và gà lạnh nhập khẩu, theo tính toán có loại tăng gấp đôi so với ba tháng trước. Chẳng hạn, gà lông màu trước kia mua vào chỉ khoảng 24.000 – 25.000đ/kg, nay tăng đến 42.000đ/kg, gà trắng từ 18.000đ/kg nay cũng ở mức 27.000đ/kg.

Nguồn tin từ các hệ thống bán lẻ điện máy tại TP.HCM cho hay, từ giữa tháng 4, nhiều hãng đã tăng giá các mặt hàng nhập khẩu, từ hàng điện lạnh, đến điện gia dụng, không phân biệt hàng nhập khẩu hay hàng sản xuất trong nước lên từ 3 – 5% tuỳ theo nhóm hàng. Electrolux, JVC, Panasonic, Sanyo… đã tăng giá. “Riêng Sony vẫn chưa chủ trương tăng giá”, đại diện của Sony Việt Nam cho biết. Nhân viên bán hàng tại Thiên Hoà giải thích với khách hàng: “Nhiều mặt hàng trong thời gian qua đã tăng giá là do thiếu hàng, nhà nhập khẩu tăng giá nên bán lẻ buộc phải tăng giá theo”. Qua quan sát tại các hệ thống bán lẻ, chỉ trừ một vài sản phẩm ti vi LCD, tủ lạnh, máy lạnh... được giảm giá để làm chương trình khuyến mãi cho dịp mua sắm 30.4 và 1.5, còn lại hầu hết đều có giá cao hơn vào dịp đầu năm từ 7 – 15%. Những mặt hàng tăng giá là những lô hàng vừa được nhập khẩu trong tháng 4

Giá dây cáp điện đã tăng khoảng 15%. Giá thép cũng bắt đầu tăng thêm 150.000đ/tấn... Các nhà kinh doanh cho biết, các mặt hàng vải nhựa, bạt che, nhựa gia dụng… chuẩn bị tăng khoảng 3 – 5%.

Các yếu tố tăng giá

Số liệu của cục Thống kê TP.HCM, đóng góp vào mức tăng 0,49% trong tháng 4 của chỉ số giá tiêu dùng của thành phố là nhóm thực phẩm. Nhóm này tăng 0,51%. Hai nhóm khác tăng cao hơn là đi lại và điện, nước, chủ yếu là điều chỉnh giá bán điện và tăng giá xăng.

Ngoài phản ứng tăng giá ăn theo mỗi đợt tăng lương như thường thấy, nguyên nhân tăng giá, theo các nhà kinh doanh, do giá đầu vào tăng.

Với thực phẩm, nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi cũng tăng giá trong thời gian qua như giá đậu nành tăng từ 330.000đ/kg tăng lên 490.000đ/kg đã góp phần đẩy giá tăng. Ngoài ra, giá thịt heo tăng có tác động của việc thịt heo đông lạnh nhập về chỉ trên 200.000 USD, trong khi con số cùng kỳ năm 2008 là 892.110 USD, giảm 72,9%. Giá gà tăng cao, theo ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc công ty Jappa, là do thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Ông Trung nói: “Do trong hai tháng đầu năm giá giảm nên người chăn nuôi giảm đàn, lượng gà thiếu hụt”. Bên cạnh đó, thời tiết có ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng. Ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ trại gà ở Đồng Nai cho rằng, do thời tiết những tuần gần đây quá nóng, gà tam hoàng trước đây nuôi 40 ngày đạt 2,7kg, nay chỉ đạt 2,3kg. Tỷ lệ chết tăng từ 10% lên 15%, thậm chí 20%, khiến giá tăng.

Các nguyên liệu cho ngành nhựa, thép cũng có xu hướng tăng, khiến cho giá thành phẩm cũng phải tăng theo. Cụ thể, giá nguyên liệu nhựa tăng nhẹ khoảng 5 – 10 USD/tấn (nhựa PPC hiện đang ở mức 770 – 780 USD/tấn), giá phôi thép tăng từ 30 – 40 USD/tấn, lên 410 – 420 USD/tấn; cộng vào đó thuế nhập khẩu phôi thép cũng vừa tăng từ 5% lên 8%…

Bên cạnh yếu tố tăng giá của nguyên liệu, còn có yếu tố biến động tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ đang biến động mạnh. Giá đô la ở thị trường tự do đã tăng đến gần mức 18.500đ/USD. Điều này buộc các công ty phải tính toán, điều chỉnh giá bán cho phù hợp.

Giải thích nguyên nhân tăng giá trong thời điểm sức mua vẫn ì ạch, giám đốc kinh doanh của một hệ thống điện máy tại TP.HCM cho rằng, ngoài những yếu tố tác động trực tiếp kể trên, còn có cả lý do cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà nhập khẩu trước đây đã làm giá bán thấp hơn giá thành nay buộc phải “bắt tay” để “lành mạnh” giá sản phẩm bán trên thị trường.

Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng có thể xác lập mặt bằng giá mới. Ông Trung nói: ““Đến tháng 5, giá gà trở lại mức 20.000đ/kg như đầu tháng 3.2009”. Hiện nay, nguồn cung thịt gà trắng công nghiệp do ba đơn vị chăn nuôi chủ lực gồm: công ty C.P (Thái Lan), Emivet (Malaysia) và Jappa (Indonesia). Đại diện công ty Jappa cho rằng, với số lượng gà nội địa, cộng thêm nguồn gà lông màu khoảng 7.000 – 10.000 con và gà lạnh nhập khẩu hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân TP.HCM, ước khoảng 100.000 – 120.000 con/ngày đêm.

Đáng lưu ý, một số mặt hàng nếu điều chỉnh giá sẽ ít bị chú ý nên được các đơn vị kinh doanh thực hiện trong đợt này. Với nhóm hàng thực phẩm, chỉ cần tăng 5 – 10% là người tiêu dùng nhận biết ngay vì đây là nhóm hàng tiêu dùng thường xuyên. Còn với nhóm hàng điện máy, điện lạnh, vì giá trị các mặt hàng điện máy lớn và là nhóm hàng hoá “vãng lai” nên dù tăng giá từ 3 – 5% cho những lô hàng mới không tạo sự khác biệt lớn về giá nên khách hàng không để ý đến.

Theo TT.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC