Nước ta đã đi được chặng đường 22 năm đầu của tiến trình đổi mới đất nước, nền kinh tế trong 22 năm ấy đã có những thành tựu đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn luôn đạt được mức 6-7% trở lên. Nhờ vậy qui mô của nền kinh tế năm 2007 đã tăng 3,5 lần so với năm 1990. Tuy nhiên, đến thời điểm này nền kinh tế - xã hội nước ta cũng bộc lộ những yếu kém và những mặt bất cập của nó.
Có thể nói rằng: thời kỳ vừa qua, nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa đạt tới mục đích của phát triển, hiệu quả tăng trưởng thấp.
Thoạt nghĩ, tưởng rằng vấn đề này quá rõ ràng và dễ hiểu: tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống con người. Thế nhưng không phải bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới và càng không phải bất cứ thời kỳ nào của một nền kinh tế có tăng trưởng cao mà đạt được mục đích phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống con người. Tăng trưởng và phát triển là hai khái niệm khác nhau nhưng liên kết chặt chẽ với nhau.
Muốn phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống con người thì phải có tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có khi, có nền kinh tế có tăng trưởng nhưng đất nước không phát triển, đời sống của đa số người dân không được cải thiện. Vì thế trong kinh tế học hiện đại đã đưa ra 5 dấu hiệu để xem xét một nền kinh tế có tăng trưởng nhưng có hay không đạt được mục đích phát triển kinh tế-xã hội, đó là:
- Tăng trưởng nhưng có tỷ lệ thất nghiệp cao hay thấp
- Tăng trưởng nhưng có gây ra bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư hay không
- Tăng trưởng nhưng quyền tự do, dân chủ của nhân dân có được nâng lên hay không
- Tăng trưởng có phá hỏng môi trường sống hay không
- Tăng trưởng có phá vỡ truyền thống văn hóa của một dân tộc nào không
Căn cứ vào 5 dấu hiệu trên, đối chiếu với thực tế của nước ta trong thời kỳ qua ta thấy:
1. - Đối với dấu hiệu (tiêu chuẩn) thứ nhất, đúng là tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị thời kỳ qua đã giảm, thời gian sử dụng lao động ở nông thôn đã tăng lên nhưng tỷ lệ thất nghiệp thành thị vẫn xoay quanh ở mức cao 5%, thời gian sử dụng lao động ở nông thôn mới đạt 80%.
Hàng năm, chúng ta vẫn phải đưa hàng chục vạn lao động ra làm việc ở nước ngoài mới thấy rằng vấn đề thất nghiệp vẫn tiềm tàng, đặc biệt khi cuối năm năm nay nền kinh tế có nguy cơ đình trệ.
2. Đối với dấu hiệu thứ hai: phải thấy một điều rõ ràng là nhờ tốc độ tăng trưởng cao mà quỹ tiêu dùng của nước ta đã tăng lên đáng kể. Nếu loại trừ yếu tố giá (tức là tính theo giá cố định) thì tổng quỹ tiêu dùng của toàn xã hội năm 2007 đã tăng 65% so với năm 2000, còn bình quân cho đầu người tăng 51%.
Nhưng trong mức tăng chung ấy, không phải mọi tầng lớp dân cư đều được cải thiện như nhau. Mức chênh lệch về thu nhập giữa 20% dân cư có mức thu nhập cao nhất và 20% dân cư có mức thu nhập thấp nhất ngày càng doãng ra: Năm 1994 là 6,5 lần, còn năm 2006 là 8,4 lần.
Mặc dù công tác xoá đói giảm nghèo đạt được thành tích to lớn, nhưng với chuẩn nghèo ngày một phải nâng lên thì tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta trong những năm tới khó mà giảm nhiều hơn nữa.
Một điều nữa cũng phải nói rằng, năm 2008, bình quân đầu người về thu nhập quốc dân của nước ta đạt xấp xỉ 1000 USD nhưng như thế đã có thể nói rằng Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước kém phát triển hay chưa?
Xin thưa, với cách nhìn của các nhà kinh tế thì chưa thể nói được là Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp, kém phát triển. Bởi vì, con số 1000 USD/ người/năm được tính theo GDP theo giá hiện hành (nghĩa là trong đó chứa đựng cả yếu tố tăng giá sản phẩm, dịch vụ, mà yếu tố này ở nước ta các năm qua đều tăng cao so với các nước trong khu vực, nhất là năm 2008 - tỷ lệ giảm phát GDP của nước ta là 22%).
Vì vậy đây là sự tăng ảo của nước ta (các nước khác cũng có nhưng của họ tăng ảo thấp và tỷ giá được điều chỉnh gần sát với lạm phát trong nước nên bình quân GDP theo đầu người không tăng nhanh như nước ta).
3. Dấu hiệu thứ ba: ở đây, tác giả chỉ nói về vấn đề tự do dân chủ trong kinh tế. Tự do, dân chủ trong kinh tế đã nâng lên để xứng đáng với mức tăng trưởng chưa (bởi vì đây cũng là một động lực để duy trì mức tăng trưởng)?
Đã có rất nhiều Luật trong lĩnh vực kinh tế và hoạt động doanh nghiệp nhưng thử hỏi việc thực thi các luật ấy trong cuộc sống đã đạt được đến đâu? Tại sao các doanh nghiệp còn kêu ca, phàn nàn rất nhiều trong mối quan hệ với các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về nhiều lĩnh vực? Tham nhũng đã được ngăn chặn hay chưa? Người dân đã được biết những thông tin kinh tế liên quan đến cuộc sống của họ hay chưa?
Hàng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu ra rất nhiều ví dụ để trả lời các câu hỏi trên. Ví dụ điển hình gần đây nhất là tại sao người dân muốn các cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu công khai hạch toán giá bán lẻ mà không làm được?
Tại sao lại phải tăng giá điện cho bằng giá của các nước trong khu vực trong khi kinh doanh điện vẫn lãi và thu nhập của dân cư còn thấp? Người tiêu dùng đã được bảo vệ đến đâu để không bị mua với giá cao, mua hàng giả, hàng kém phẩm chất?
4. Dấu hiệu thứ tư: Dấu hiệu này gần đây càng ngày càng bộc lộ rõ là nước ta tăng trưởng kinh tế cao nhưng đã không bảo vệ được môi trường. Môi trường đang ngày càng xấu đi, mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu, lụt bão lũ xảy ra liên tiếp, ô nhiễm môi trường đang tăng lên.
Tất nhiên, đây là vấn đề của toàn cầu, nhưng nước ta là nước phát triển muộn, đi sau các nước phát triển hàng mấy chục năm, thế thì tại sao không rút ra được bài học sai lầm của các nước đi trước để có được mối quan hệ thân thiện giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Trong việc nhập các dây chuyền, thiết bị công nghiệp, trong mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chú ý đến các chỉ tiêu chống ô nhiễm, phá huỷ môi trường chưa?
Trong xây dựng đô thị cũng vậy, qui hoạch đã đi truớc một bước chưa? Trong qui hoạch đã tính đến yếu tố bảo vệ môi trường chưa, các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo vấn đề môi trường nhưng chính quyền nghe, tiếp thu đến đâu? Trong những việc làm ấy của thời kỳ đã qua phải chăng các nhà hoạch định và thực thi chính sách chỉ nghĩ tới tốc độ tăng trưởng mà quên mất yếu tố phát triển bền vững, yếu tố bảo vệ môi trường?
5. Dấu hiệu thứ năm: Mối quan hệ giữa tăng trưởng và văn hóa truyền thống dân tộc.
Khoan hãy nói tới những giá trị văn hóa cao siêu, văn hóa truyền thống của dân tộc ở đây được xem xét là những giá trị cư xử, sinh hoạt văn hóa trong đời sống đã tồn tại từ lâu đời trong nhân dân, là những mối quan hệ giữa người và người trong xã hội đang diễn ra hàng ngày. Chỉ xem xét như vậy thôi cũng đã có nhiều điều phải nói.
Tăng trưởng kinh tế cao, một lớp người giầu lên nhưng thử hỏi đã có nhiều người trong họ đem tới cho dân chúng một đời sống văn hóa mới chưa, hay chỉ mang tới và phổ biến cho xã hội những kiểu cách ăn chơi, hưởng thụ văn hóa bệnh hoạn, đồi trụy. Hội hè, cúng bái tràn lan, quan hệ giữa người và người có còn được như trước kia? Những nét thanh lịch của người Việt Nam có còn duy trì, tồn tại hay con người thời nay đã, đang trở thành thờ ơ, vô cảm trước cuộc sống.
Hãy đến các khu công nghiệp tập trung (nơi đóng góp cho tăng trưởng nhiều nhất) để thấy người lao đông đang sống trong một môi trường văn hoá như thế nào? Nhưng nếu không kiên quyết loại trừ nó thì phỏng tăng trưởng còn có ý nghĩa gì, và tăng trưởng như vậy có đạt được mục đích nâng cao đời sống tinh thần của xã hội lên hay không?
Qua việc đánh giá, đối chiếu 5 dấu hiệu trên có thể nói rằng: thời kỳ vừa qua, nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa đạt tới mục đích của phát triển, hiệu quả tăng trưởng thấp. Cũng phải thấy rằng trong con số tốc độ tăng trưởng cao cũng còn hàm chứa cả mặt hạn chế về phương pháp tính GDP hiện nay.
Theo cách tính GDP hiện nay thì một cây cầu, một đoạn đường (một công trình nói chung) làm không đảm bảo chất lượng phải phá đi làm lại hoặc phải sửa chữa thì được tính giá trị tăng thêm nhiều hơn một lần so với cây cầu hoặc con đường đảm bảo chất lượng (mà tổng giá trị tăng thêm của quốc gia trong một thời kỳ là GDP của thời kỳ đó). Nghĩa là, nếu làm không đảm bảo chất lượng thì giá trị của tổng GDP sẽ tăng lên.
*
Kim Ngọc Cương
(Còn tiếp)