Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc và năm tàu hộ tống vẫn còn ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm thứ Sáu (26/5) gần các lô khí đốt do các công ty Nga khai thác ở Biển Đông, một ngày sau khi Việt Nam yêu cầu các tàu này rời đi, theo Reuters.

Tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7/5, đánh dấu sự xâm phạm đáng kể nhất kể từ năm 2019, theo ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông của Đại học Stanford, Mỹ.

Ông Powell nói hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một “sự leo thang đáng lo ngại”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông, bao gồm cả các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cuộc đối đầu năm 2019 kéo dài hơn ba tháng và chủ yếu nhắm vào một lô do công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft điều hành. Chưa đầy hai năm sau đó, Rosneft đã bán lô này của mình ở Biển Đông cho công ty Zarubezhneft do nhà nước Nga sở hữu, công ty vận hành một số mỏ khí đốt đang diễn ra tranh chấp.

1 Tau Trung Quoc Phot Lo Yeu Cau Cua Viet Nam Ve Viec Roi Khoi Khu Vuc Gan Mo Khi Dot Cua Lien Doanh Viet   Nga

Ảnh minh họa: Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông năm 2019.

Trong những tuần qua kể từ ngày 7/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, đôi khi có hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetr, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, theo dữ liệu của Sáng kiến Biên niên sử Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập theo dõi sự vận hành của tàu thuyền, cung cấp cho Reuters.

Tàu nghiên cứu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam.

Ba công ty nêu trên và đại sứ quán Nga tại Hà Nội không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.

Trả lời câu hỏi về sự phản đối này [của Việt Nam], bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận, cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.

“Các tàu liên quan của Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường dưới quyền tài phán của Trung Quốc. Điều đó phù hợp và hợp pháp, và không có chuyện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác”, bà nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Bà Mao cho biết Trung Quốc đã duy trì liên lạc với các bên liên quan về vấn đề này và muốn hợp tác với họ để “cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông”, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc “chắc chắn sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Hôm thứ Năm (25/5), khi Việt Nam đưa ra một tuyên bố công khai hiếm hoi yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi khi các tàu này đang ở lô 129, cũng do Vietgazprom điều hành, theo ông Powell.

“Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ trong tuyên bố của chính phủ.

Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Hà Nội hôm thứ Hai (22/5) của cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.

Nhận định về động thái mới nhất này, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc ở Tp. Hồ Chí Minh, chia sẻ với VOA hôm 26/5:

“Đây là một phép thử của Trung Quốc xem Nga có đồng ý rút ra khỏi khu vực khai thác này hay không, hay là vẫn tiếp tục khai thác bất chấp sự đe dọa của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng đang chờ Nga lên tiếng về việc này”.

“Chúng ta cũng thấy rõ rằng chuyến thăm của ông Medvedev đến Hà Nội, tôi nghĩ rằng cũng có khả năng hai bên Việt Nam và Nga đã có những ý kiến về vấn đề này!”, ông Phúc nêu nhận định cá nhân.

Ông Powell cho biết hai tàu kiểm ngư Việt Nam hôm thứ Sáu (26/5) đã theo dõi các tàu Trung Quốc ở khoảng cách 200-300 mét, đồng thời lưu ý rằng các tàu Trung Quốc đã di chuyển đến một khu vực liền kề với các tàu do các công ty Nga điều hành, theo Reuters.

Theo quy tắc quốc tế, các tàu thuyền được phép đi qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, nhưng các hoạt động này của Trung Quốc từ lâu đã bị Việt Nam và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines và Malaysia, coi là hoạt động manh tính thù địch.

(Bài viết sử dụng bản tin của Reuters)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC