Vì cái tên làng mà anh em, chú cháu, vợ chồng xảy ra cãi vã, xung đột liên miên, chi bộ đảng thì lục đục, mất đoàn kết… Tình trạng này đã kéo dài tới 4-5 năm trong một thôn của tỉnh Thái Bình.
Tên làng cũng lắm... truân chuyên
Chúng tôi tìm về xóm 5 (xã Đông Quang, Đông Hưng, Thái Bình) vào những ngày cuối tháng 10-2008. Nằm ngay sát quốc lộ, song vẫn có thể cảm nhận được ở Đông Quang nét thanh bình, yên ả của một làng quê thuần nông như bao làng quê khác. Làng vừa qua vụ gặt, rơm rạ ngập lối đi, thoang thoảng mùi hương lúa nếp… khiến chúng tôi cảm thấy như được trở về làng quê thân yêu của mình.
Đến đầu làng, chúng tôi dừng chân hỏi thăm một bác nông dân đang cuốc đất: “Bác làm ơn cho cháu hỏi vào xóm 5 đi lối nào ạ?”. “À, các anh cứ đi tiếp chừng 1km rồi rẽ phải, hỏi tiếp đường vào thôn Đề Thám nhé”. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi gặp một chị đang đánh đống rơm, hỏi: “Chị làm ơn chỉ giùm đường vào thôn Đề Thám với?”. Chị ngừng tay, ngoảnh lên nhìn chúng tôi với vẻ không được “hiếu khách” cho lắm: “Xã này làm gì có thôn Đề Thám! Có thôn Đồng Lan thì có (!?)”. “Vâng, thế chị chỉ giúp đường vào nhà trưởng thôn với”.
Theo sự chỉ dẫn của chị nông dân, lọ mọ một lúc, chúng tôi cũng tìm được đến nhà trưởng thôn Đỗ Văn Ngưu. Nghe chúng tôi trình bày về chuyện sao có mỗi cái thôn mà lắm tên thế: Xóm 5, thôn Đề Thám hay Đồng Lan? Anh Ngưu cũng nhăn nhó mặt mày: “Đấy cũng là khởi nguồn cho nhiều chuyện đau đầu nhức óc ở làng tôi đã 5-6 năm nay rồi đấy”. Anh Ngưu vừa dứt lời, các ông Bùi Minh Thiết, Bùi Quang Thái (đều là người trong thôn) cũng sang góp chuyện. Qua câu chuyện của các ông, chúng tôi bắt đầu hiểu được vì sao một thôn mà lắm tên đến thế.
Lịch sử của thôn bắt đầu từ khoảng thế kỷ XVIII, khi cụ Đào Vũ Thường đỗ tiến sỹ thời vua Lê Hiển Tông, hiệu là Cảnh Hưng. Theo lệ thì cụ sẽ được vua ban mũ áo vinh quy bái tổ và hưởng lộc điền (cấp ruộng lập ấp). Tuy nhiên, cụ Đào Vũ Thường lại xin vua mảnh đất hoang rồi đưa dân đến khai phá, lại đặt tên cho mảnh đất này là Đồng Lan (có nghĩa là cùng thơm). Sở dĩ cụ đặt tên như vậy là do tuy là lộc điền vua ban nhưng công khai phá là của nhân dân, trong đó có nhiều dòng họ khác nhau. Với cái tên Đồng Lan, Tiến sỹ Đào Vũ Thường mong ước làng mình sẽ như bông hoa lan mãi mãi thơm thảo trong no ấm, thuận hoà.
Những nội dung trên cũng đã được ghi trong sách “Đất và Người Thái Bình” của đồng tác giả Phạm Minh Đức – Bùi Duy Lan.
Anh Ngưu nói tiếp: Sau Cánh mạng Tháng Tám, Nhà nước đặt lại cho thôn này thành Đề Thám. Năm 1989, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 54, tổ chức lại mô hình làng thành xóm. Làng Đề Thám lúc ấy được đổi thành xóm 5 của xã Đông Quang. Tháng 3-2003, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 65/2002/QĐ-UB chuyển mô hình xóm thành thôn. Sóng gió bắt đầu nổi lên từ đây.
Ở xóm 5 (tạm gọi như vậy) có gần 50% dân số là người mang họ Đào. Các họ còn lại gồm Nguyễn, Bùi, Vũ, Đỗ… Nguyện vọng của họ Đào là lấy lại tên cũ là Đồng Lan, song các họ kia thì muốn lấy tên Đề Thám. Để giải quyết tình trạng này, Ban chỉ đạo xã đã chuyển đổi mô hình xóm thành làng theo Quyết định 65 của UBND tỉnh đã phải thực hiện một cuộc “trưng cầu dân ý”.
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lần thứ nhất là 76% số hộ dân muốn lấy tên làng là Đề Thám. Song cuộc trưng cầu này bị tố cáo là thiếu dân chủ. UBND xã quyết định phải trưng cầu dân ý lần 2. Kết quả lần trưng cầu này lại đảo ngược: 63% bỏ phiếu cho tên Đồng Lan. Từ đó, xã đã trình đề án chuyển đổi lên huyện, rồi huyện trình lên tỉnh. Tỉnh ra quyết định 190 “công nhận việc chuyển đổi xóm 5 xã Đông Quang thành làng Đồng Lan, có diện tích 43,8ha, 746 nhân khẩu”.
Quyết định vừa ký xong, bão tố lại nổi lên. Nhiều đơn tố cáo bay lên khắp các cơ quan, xã, huyện, tỉnh cho rằng cuộc trưng cầu lần 2 vẫn… thiếu dân chủ. Cực chẳng đã UBND xã Đông Quang đã phải thành lập đoàn thanh tra để xác minh những đơn tố cáo có đúng sự thực hay không. Và kết qủa là đợt “trưng cầu” lần 2 cũng cho ra nhiều sai phạm như trong danh sách 181 hộ tham gia trưng cầu thì có 28 trường hợp là ký thay, ký hộ những người đã chuyển khẩu, không có mặt ở địa phương… Xóm 5 lại phải mở thêm một cuộc họp “đặt tên làng” khác. Cũng vì số dân tương đương nhau, nên không một cuộc lấy ý kiến nào có kết quả “quá bán” khiến cho vẫn chưa thể có kết quả cuối cùng. Và qua một vài cuộc họp đặt tên làng khác, đến nay “cuộc chiến” tên làng vẫn chưa ngã ngũ.
Tình trạng này đã khiến cho UBND huyện lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Biện pháp duy nhất là: “Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cho phép thôn Đồng Lan làm lại quy trình đặt tên thôn.
Những chuyện bi hài
Chuyện tưởng như “nhỏ như con thỏ” là tranh nhau cái tên cho làng, bỗng dưng biến thành “to hơn con bò”. Chỉ vì không ai chịu ai trong chuyện đặt tên đã khiến cho xóm 5 “nổi sóng” suốt từ năm 2003 đến nay.
Vẫn theo Trưởng thôn Đỗ Văn Ngưu và các ông Bùi Minh Thiết, Bùi Quang Thái, chuyện tranh chấp tên đã gây ra lắm nỗi bi hài trong thôn. Trong nhà thì vợ một họ, chồng một họ. Dĩ nhiên ai cũng ủng hộ việc đặt tên làng theo nguyện vọng họ của mình. Và thế là cơm không lành, canh không ngọt. Lắm khi con cái cứ “xanh mắt mèo” vì được chứng kiến cảnh bát đĩa nồi niêu “bay” khắp nơi. Rồi thì anh em họ hàng nội ngoại, mỗi người theo một phe. Căng thẳng đến mức gia đình có người bị ốm phải viện nhưng “phe kia” nhất định không chịu giúp đỡ nếu “phe này” không chịu thuận theo chuyển đổi tên làng của phe kia.
Ngoài ngõ, trẻ con họ này nhất quyết không chơi với trẻ con họ kia. Đã nhiều năm nay, xóm 5 có tới hai đội thiếu niên. Một đội của những em mang họ Đào, đội kia mang họ Bùi, Vũ, Đỗ, Nguyễn… Những dịp vui như tết trung thu, đón giao thừa hay trại hè, trẻ trong cùng một xóm không được đứng cùng hàng ngũ. Ngày kỉ niệm mấy trăm năm thành lập làn, chỉ có một họ đứng ra tổ chức riêng.
Rồi thì chuyện con trai họ này “mời” bà mẹ họ kia ra khỏi nhà chỉ vì mỗi bên ủng hộ một cái tên làng vẫn xảy ra.
Một người dân trong xóm 5 tâm sự, hầu như các tổ chức, đoàn thể trong xóm đều do một họ nắm hết. Thế nên khi phải giải quyết những công việc hành chính như xin giấy tạm trú, tạm vắng cho con em thì buộc phải chấp nhận cái tên mà họ kia “thích” mới được cấp. Lại nữa, những đám ma chay, cưới hỏi thì thường chỉ có người của một phe đến dự. Có cụ còn di chúc trước khi chết, nhất quyết không đồng ý cho ban lễ tang mang tên làng mà khi sống cụ phản đối.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, khi chi bộ đảng trong thôn cũng lục đục. Các cuộc họp chi bộ không cẩn thận là bị biến thành cuộc cãi vã. Thế rồi khi mà chi bộ đang tiến hành các công đoạn xây dựng nghị quyết thì bị một phe… rút phích điện vì thấy kết luận không có lợi cho phe mình.
Và những mâu thuẫn phát sinh từ tên làng đã khiến cho nội bộ đảng, nội bộ quần chúng khó mà thống nhất được những công việc của làng xã. Những việc nhẽ ra phải được tiến hành khẩn trương như xây dựng bờ vùng bờ thửa, đường ra nghĩa trang hay lắp công trình phụ tự hoại, các công trình phúc lợi… bị đình đốn. Rồi thì tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ nghiêm trọng. Đặc biệt, thế hệ trẻ trong làng sinh ra đã bị tiêm nhiễm thói hiềm khích, đố kị từ các bậc cha chú. Đây là một điều cực kỳ nguy hiểm.
Trăm cái lý không bằng… một tý cái tình
Trước tình trạng tranh chấp tên làng rồi dẫn đến biết bao những khối mâu thuẫn, những xung đột không đáng có, chúng tôi đã gõ cửa các cấp lãnh đạo xã, huyện rồi tỉnh nhằm tìm một giải pháp khả dĩ nhất cho “cuộc chiến tên làng”.
Ngày 20-10-2008, chúng tôi đã đến UBND xã Đông Quang để tìm gặp lãnh đạo xã. Tuy nhiên, ông chủ tịch UBND xã Vũ Đức Huyên, ông Phó chủ tịch Lanh và cả ông Bí thư xã Đào Văn Khuê đều không thấy đâu. Chúng tôi xin số điện thoại của ông Lanh, gọi đến để xin phép được tìm hiểu chuyện này thì ông Lanh nói phải gặp chủ tịch xã. Sau khi xin được số điện thoại của ông Huyên, chúng tôi gọi vào cả chục lần song lần nào cũng… "số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”.
Cũng trong buổi sáng 20-10-2008, chúng tôi tìm đến UBND huyện Đông Hưng và có cuộc trao đổi với ông Đỗ Như Tuý, Trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện - là người được giao trọng trách xử lý vụ tranh chấp tên làng. Ông Tuý cho biết, đúng là việc ở xóm 5, xã Đông Quang đang là “điểm nóng” về mâu thuẫn nội bộ chính quyền thôn của xã. Phòng Nội vụ đã tiếp nhận đầy đủ những hồ sơ của vụ việc thì thấy nổi lên hai vấn đề chính.
Thứ nhất là việc các họ Đỗ, Bùi, Vũ, Nguyễn gửi đơn tố cáo những khuất tất của cuộc trưng cầu dân ý lần 2 mà kết quả là UBND tỉnh ra Quyết định 190 về việc “công nhận việc chuyển đổi xóm 5 xã Đông Quang thành làng Đồng Lan”. UBND xã đã thành lập đoàn thanh tra, kết luận những kiến nghị của các họ trên là có cơ sở, đề nghj phải tổ chức một cuộc lấy ý kiến khác. Bên phía họ Đào thì cho rằng, việc UBND xã Đông Quang sở pháp lý, cho nên kết luận của đoàn thanh tra là không có giá trị. Do vậy vẫn phải tuân theo Quyết định 190 của UBND tỉnh.
Thứ hai là trong hướng dẫn của UBND xã Đông Quang thì quá trình đặt lại tên thôn phải có nghị quyết của Chi bộ Đảng thì quyết định ấy mới có giá trị.
Và với hai khúc mắc trên, huyện đã gửi hồ sơ lên tỉnh, “kính chuyển” UBND cho chỉ đạo việc giải quyết các khúc mắc của nhân dân xóm 5 trong việc đặt tên thôn. “Mọi việc bây giờ chỉ là chờ quyết định của tỉnh” – ông Tuý kết luận.
Chưa thỏa mãn với trả lời của huyện, sáng 21 – 10 , chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Doãn Thuyết, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cũng là đơn vị được UBND tỉnh giao nghiên cứu, tham mưu giải quyết vụ tên làng ở Đông Quang. Ông Thuyết cũng khẳng định, 2 khúc mắc chính trong việc đặt lại tên cho xóm 5 cũng giống như ông Tuý đã nêu ở trên.
Hai vấn đề này, chúng tôi nhận được câu trả lời như sau. Thứ nhất, tỉnh đã tổ chức một cuộc họp liên ngành gồm Huyện uỷ, UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh… Cuộc họp khẳng định việc UBND xã Đông Quang thành lập đoàn thanh tra là không sai. Cẩn thận hơn, Sở Nội vụ còn có văn bản gửi Thanh tra Nhà nước và Bộ Tư pháp, tiếp tục xin ý kiến về vấn đề trên. Còn vấn đề thứ hai, Sở Nội vụ khẳng định, tuy các cuộc họp của Chi bộ xóm 5 không đưa ra được nghị quyết nhưng cũng có kết luận rằng “cấp dưới hoàn toàn chịu sự chỉ đạo của cấp trên”. Như vậy cũng có thể coi như đã có lời giải cho vướng mắc này.
Đề cập đến vấn đề bao giờ xóm 5 có cái tên thống nhất, ông Thuyết nói: “Còn phải chờ câu trả lời của thanh tra Nhà nước và Bộ Tư pháp thì lãnh đạo tỉnh mới quyết được”.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân bình thường cũng như người “có trách nhiệm’, thực ra mâu thuẫn giữa dòng họ Đào và các dòng họ khác ở xóm 5 có nguyên nhân sâu xa là do một bên cho rằng các họ kia là “dân ngụ cư”. Chính vì lý do này đã đẩy mâu thuẫn các dòng họ đến độ căng thẳng. Vẫn theo ông Nguyễn Doãn Thuyết cho dù những kiến của họ Đào và 4 họ Vũ, Bùi, Đỗ, Nguyễn có được các cơ quan cấp thẩm quyền giải quyết đúng theo pháp luật thì cũng không ai có thể chắc chắn rằng xóm 5 sẽ không còn tranh chấp trong việc đặt tên làng.
Một ví dụ điển hình là tháng 5 – 2007, tỉnh đã tổ chức một cuộc họp, trong đó có sự tham gia của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, nhiều ban, ngành có liên quan và nhân dân xóm 5. Trước tình trạng “dê đen, dê trắng” trong việc đặt tên thôn, tỉnh đã gợi ý có thể lấy tên Thống Nhất hoặc Đoàn Kết để thay cho những tên cũ. Ý kiến này được người dân các họ Đỗ, Bùi, Vũ, Nguyễn đồng ý, song họ Đào lại phản đối.
Sau một thời gian có mặt tại xóm 5, đồng thời nghe tương đối đầy đủ những bức xúc của người dân và giải trình của chính quyền các cấp, chúng tôi không dám bình luận gì về việc đặt tên làng cho xóm 5.
Vốn cũng là người sinh ra ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi luôn cảm thấy rất tự hào bởi truyền thống đoàn kết, đùm bọc thương yêu của người nông dân nơi đây. Và chúng tôi cũng được biết, trước đây các họ Đào, Đỗ, Bùi, Vũ, Nguyễn ở xóm 5, xã Đông Quang cũng từng có một thời gian rất dài sống với nhau đầy tình cảm, sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau. Điều ấy khiến người ta không khỏi suy nghĩ, chẳng lẽ bao nhiêu tình cảm tốt đẹp được xây dựng hàng trăm năm, chỉ có mỗi cái tên làng mà nay người dân trong xóm coi như kẻ thù, liệu có nên chăng? Chẳng lẽ trăm cái lý không bằng… một tý cái tình? Câu hỏi này xin gửi lại cho nhân dân xóm 5 trả lời.
Theo Minh Tiến
An ninh thủ đô