Chính sách và động thái giải quyết tồn kho của Thái Lan đang khiến cho gạo Việt đứng ở thế cạnh tranh gay gắt.
Tờ Hải quan cho biết, Thái Lan đang sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới nên chính sách cạnh tranh bằng giá rẻ của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, mới đây Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cụ thể tác động của sự cạnh tranh của Thái Lan đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trên các khu vực thị trường như: Chủng loại mặt hàng, phương thức tăng cường giao dịch, đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan đối với hoạt động XK gạo, giải phóng tồn kho.
Một thông tin đáng chú ý, cuối tháng 11, Hiệp hội lương thực Việt Nam - VFA đã điều chỉnh giá sàn xuất khẩu xuống 380 USD một tấn loại gạo 25% tấm thay vì 410 USD.
Theo chuyên gia lúa gạo Võ Tòng Xuân: “Đây cũng được xem là động thái bán nhanh lượng gạo ra thị trường nhưng vô hình trung khiến người nông dân thiệt thòi. Khi ấn định giá không cao thì giá thu mua không cao”, ông Xuân phân tích.
Gạo Việt từng bị ngấm đòn đau vì hạ giá thấp |
Trên thực tế doanh nghiệp đang “dồn lực” để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2014. Thế nhưng từ thực tế này, có thể thấy rằng, sự cạnh tranh của thị trường xuất khẩu gạo rất gay gắt, nhất là sự cạnh tranh về nguồn cung từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang loay hoay để bán gạo dự trữ nhằm cân bằng xuất khẩu trong những tháng cuối năm thì các nhà xuất khẩu Thái Lan đã tập trung giành lấy thị trường Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Philippines và cả châu Phi.
Số liệu cập nhật từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 443.000 tấn với giá trị 217 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng của năm 2014 ước đạt 6,03 triệu tấn, giá trị 2,79 tỷ USD, giảm 2,7% về khối lượng.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt 460,09 USD/tấn, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo đánh giá của Tổ điều hành xuất khẩu gạo, các nước nhập khẩu lớn ở khu vực châu Á tăng cường nhập khẩu, một số thị trường trọng điểm truyền thống cũng tiếp tục giao dịch. Cụ thể, Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 31,1% thị phần.
Trên thực tế Việt Nam từng bị thua đau dù rằng luôn đưa ra giá rẻ để cạnh tranh. Bài học trong đợt đấu thầu 500.000 tấn gạo mà Cơ quan lương thực quốc gia Philippines công bố ngày 27/8 dù Việt Nam đưa ra mức giá là 460 đô la Mỹ/tấn, mức thấp nhất trong các nước dự thầu, cao hơn mức giá trần là 3,4 đô la Mỹ/tấn nhưng vẫn không trúng thầu.
Lý do vì phía Philippines mặc dù đang có nhu cầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo nhưng Chính phủ Philippines chỉ bỏ ra 10,27 tỉ Peso, tương đương 234,5 triệu đô la Mỹ, tương đương với mức 456,6 đô la Mỹ/tấn.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, ĐH Cần Thơ cho rằng: đây là những đòn đánh vào chính sách mua rẻ, bán rẻ, chỉ chạy theo số lượng lớn mà không chú trọng chất lượng của Việt Nam.
Theo ông Đệ, lâu nay Việt Nam không thể bán gạo giá cao chính là do khâu thu mua chế biến. Các công ty xuất khẩu không có mạng lưới thu mua tận nơi nên phải thông qua đội ngũ thương lái. Vì thế, trong một lô gạo của một công ty có tới hàng chục giống lúa lẫn lộn, chất lượng mùa này khác mùa trước. Đó là chưa kể các thương lái, doanh nghiệp hám lợi, mua cả gạo phẩm cấp thấp với giá rẻ để trộn vào.
"Ngành lúa gạo Việt Nam là một thế mạnh nhưng càng ngày càng bị bào mòn, vắt kiệt sức của nông dân do sự yếu kém của thương nhân và nhà nước tổ chức quản lý chuỗi giá trị sản phẩm gạo không làm được", GS Nguyễn Ngọc Đệ nói.
N.Phương