Thẳng thừng từ chối đòi hỏi của Toyota Việt NamKhông giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi như đề nghị của Toyota Việt Nam. Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính quả quyết như vậy.

Đó là kết quả của buổi làm việc trực tiếp giữa Vụ Chính sách thuế và Toyota Việt Nam vừa diễn ra.

Lý do mà Vụ Chính sách thuế đưa là phải đảm bảo thực hiện Luật Thuế TTĐB mới được ban hành một cách thống nhất và không có chuyện thay đổi.

Việc đề xuất sửa đổi của Totyota Việt Nam không được chấp thuận thể hiện quan điểm nhất quán và khá cứng rắn của Bộ Tài chính về thuế đối với ô tô nhằm đảm bảo thực hiện một cách công bằng, thống nhất chính sách xây dựng nền công nghiệp ô tô ở Việt Nam.

Giải thích cụ thể hơn về quyết định này, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nói rõ, theo quy định cũ, TTĐB áp dụng với ô tô được phân biệt theo số chỗ ngồi. Cụ thể, xe 5 chỗ ngồi trở xuống áp thuế 50%, từ 6 đến 15 chỗ là 30% và 15% đối với xe từ 15 đến 24 chỗ. Khi xây dựng Luật Thuế TTĐB sửa đổi đã thay đổi quy định theo hướng quy định dung tích xi lanh càng lớn thì thuế càng cao.

Đây là cách làm mà nhiều nước áp dụng nhằm đảm bảo mục tiêu tiết kiệm tiêu dùng và sử dụng nhiên liệu, khuyến khích tiết kiệm năng lượng và giảm sức ép lên hạ tầng giao thông. Đồng thời tránh tình trạng trước đây là xe phân khối nhỏ chịu thuế cao.

Không gây biến động thị trường

Vụ Chính sách thuế  cũng làm rõ rằng việc không giảm thuế như đề nghị của Toyota sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cũng theo Vụ Chính sách thuế, hiện đã có nhiều chính sách chống suy giảm kinh tế có miễn giảm thuế đối với ô tô và người được lợi chính là các DN ô tô trong nước. Cụ thể, Chính phủ đã giảm 50% thuế giá trị gia tăng với các loại xe ô tô; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV/2008 đối với các doanh nghiệp; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu với hộp số, bộ ly hợp, và động cơ ô tô để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đây là một trong những lần ít ỏi mà các đòi hỏi của các doanh nghiệp ô tô bị từ chối một cách thẳng thừng mà không có những nhân nhượng trên nhiều phương diện khác.

Đại diện một đơn vị chuyên kinh doanh xe ô tô ở Hà Nội thừa nhận, các ưu đãi mà Việt Nam đã dành cho các doanh nghiệp lắp ráp,  sản xuất ô tô trong nước là hướng tới xây dựng một nền công nghiệp ô tô.

Nhưng điều này sau rất nhiều năm vẫn không thành hiện thực. Các công ty ô tô nước ngoài và liên doanh liên tục tăng, tỷ lệ nội địa hóa rất chậm, không có dòng xe riêng đặc thù cho Việt Nam mà vẫn nhập khẩu, lắp ráp và bán với giá rất cao. Thực tế, giá xe trong nước cao gần bằng giá nhập khẩu nhưng chất lượng và các lựa chọn dành cho người tiêu dùng luôn thấp hơn.

Trước đó, Toyota Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng cho rằng, các nhà sản xuất ô tô sẽ chuyển sang nhập khẩu nếu Chính phủ không đưa ra được chính sách nhất quán và khuyến khích hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Toyota Việt Nam cho rằng, theo cam kết CEPT, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc giảm dần xuống 60% vào năm 2013 và xuống 0% vào năm 2018, giá xe nhập khẩu sẽ giảm dần và đi ngang từ năm 2018. Như vậy, sản xuất ô tô trong nước sẽ phải cạnh tranh hết sức quyết liệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Toyota Việt Nam kiến nghị cần có chính sách ưu tiên cho dòng xe chiến lược, dòng xe này sẽ tăng nhanh doanh số bán, đủ để mở rộng đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, hạ giá thành sản xuất để cạnh tranh được với xe nguyên chiếc nhập khẩu. Một trong những đề xuất là giảm thuế TTĐB.

Toyota Việt Nam cũng "lưu ý" rằng các doanh nghiệp lắp ráp xe tại Việt Nam sẽ chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc nếu không giảm thuế TTĐB.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC