“300 tỷ xây tháp chỉ là dự tính ban đầu của Thái Bình. Có thể khi xây dựng chi phí sẽ đội lên. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm”.
Kinh phí có khi đội lên?
Thái Bình đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng một toà tháp 25 tầng (gồm 5 tầng đế, 19 tầng thân và tầng đỉnh), cao 162m với mức đầu tư gần 300 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Về công năng sử dụng, từ tầng 1 đến 7 là khu dịch vụ, thương mại; tầng 8 đến 12 là không gian triển lãm; tầng 13 đến 19 phục vụ dịch vụ văn hóa, du lịch; tầng 20 là tầng kỹ thuật; tầng 21 và tầng 22 là tháp chuông và không gian tham quan; từ tầng 23 đến tầng 25 trưng bày phục vụ du lịch, văn hóa.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng Thái Bình phải hết sức cân nhắc khi quyết định xây tháp trong bối cảnh tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội.
Hơn nữa chủ trương chung cũng đang kêu gọi các địa phương phải tiết kiệm, tránh lãng phí trong xây dựng.
Phố cảnh tháp Thái Bình được nhận định là xấu, không hài hòa và mang tính nghệ thuật
“Tôi xin đặt ra mấy vấn đề.
Thứ nhất, tháp Thái Bình xây nhằm mục đích và biểu tượng cho cái gì? Cho thế kỷ 21 đánh dấu một giai đoạn phát triển của tỉnh Thái Bình hay ghi dấu kỷ niệm lịch sử đấu tranh giữ nước của tỉnh Thái Bình hay vì cái gì?
Thứ hai, nếu tỉnh định xây phải có một cuộc thi tuyển rộng rãi, nói rõ nội dung và công khai để tập trung được trí tuệ sáng tạo của các nghệ sĩ, KTS.
Tháp khi xây dựng lên phải có bản sắc, có biểu tượng của một thế kỷ mới của tỉnh Thái Bình cũng như của Việt Nam hiện đại. Đặc biệt phải có hội đồng quốc gia xét duyệt vì đây là công trình hơn 300 tỷ đồng.
Hiện nay kiến trúc của tòa tháp rất lạ. Đế là một hình thức kiến trúc, thân là một kiểu, đỉnh tháp lại một kiểu khác. Việc xây dựng là phản cảm trong lúc chúng ta đang thực hiện tiết kiệm và hết sức khó khăn”, KTS Tùng nhấn mạnh.
Theo vị KTS, Thái Bình là vùng đất có truyền thống lịch sử và có nhiều di tích, kiến trúc nổi tiếng.
Cho nên thay vì xây dựng tòa tháp biểu tượng với kinh phí hàng trăm tỷ dồng, tỉnh nên tiến hành trùng tu, bảo quản, chăm sóc các di tích cho tốt hơn.
“300 tỷ đồng chỉ là dự kiến ban đầu chứ khi xây dựng lên có thể đội lên. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm kiểu này rồi.
Phải nói rõ rằng dù không dùng ngân sách nhà nước nhưng dùng tiền xã hội hóa, huy động các nhà đầu tư thì Thái Bình cũng phải bỏ ra một cái gì đó cho họ. Có thể hoán đổi bằng đất hay bằng các dự án. Không ai người ta cho không cái gì cả.
Vì vậy khi làm cái này phải hết sức chú ý”, ông Tùng lưu ý.
Hãy học tập Đà Nẵng
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc Thái Bình có ý tưởng xây dựng một công trình biểu tượng để gắn kết những người dân xa quê cũng như giới thiệu đến du khách là hoàn toàn có thể hiểu được.
Tuy nhiên có nhiều cách để thể hiện điều này thay vì xây tòa tháp lên tới 300 tỷ đồng.
Bản thiết kế công trình Tháp Thái Bình
“Tôi rất ngạc nhiên khi xem kiến trúc của tòa tháp ấy. Dù là một tòa tháp nhưng 3 phần với 3 kiến trúc khác nhau ghép lại. Một kiến trúc hết sức cọc cạch. Ở dưới thì vuông, ở giữa thì một đoạn, trên lại hình tròn chả ăn nhập gì với nhau cả.
Tôi thấy tháp Thái Bình không có phong cách gì cả, không giống Trung Quốc cũng không phải theo phương Tây, châu Á.
Tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể tạo ra một bản sắc của Thái Bình bằng những cách khác nhau chứ không phải bằng một tòa tháp mà chẳng để làm gì cả. Tôi nghĩ là tỉnh Thái Bình nên xem lại ý tưởng này dù là tiền của ai, huy động được bằng nguồn xã hội hóa”, ông Liêm nhấn mạnh.
Vị chuyên nhận định, không chỉ Thái Bình mà thời gian qua nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện phong trào xây biểu tượng, công trình trăm tỷ.
“Tôi thấy toàn những tỉnh nghèo có ý tưởng như vậy. Tiền xã hội cũng là tiền của dân nhưng khi huy động được thì nên làm những chuyện khác.
Có nhiều cách để tạo bản sắc. Chẳng hạn như: Đà Nẵng tạo bản sắc thành phố không phải bằng việc xây tháp mà bằng một cây cầu hình con rồng. Hiện nay truyền hình, báo chí hàng ngày đưa lên hình ảnh đó, Đà Nẵng không hề mất một đồng nào để quảng cáo cả.
Cầu Tràng Tiền cũng mang bản sắc rất rõ của Huế. Hay như cầu Long Biên trước đây và bây giờ là cầu Nhật Tân.
Mỗi khi nhắc đến Hà Nội là người ta nhớ ngay đến những công trình đó. Đâu phải chỉ có cách xây tháp đâu?
Nếu Thái Bình muốn xây một công trình gì đó để làm biểu tượng của tỉnh thì hãy lấy Đà Nẵng làm bài học. Tất nhiên có thể cách khác nhưng cung cách phải như thế”, TS Liêm nêu quan điểm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng thắc mắc về tác giả thiết kế kiến trúc cho tòa tháp 26 tầng của tỉnh Thái Bình. Theo ông Liêm, với một công trình có quy mô lớn như công bố, Thái Bình phải tổ chức cuộc thi và công bố rộng rãi người trúng giải.
“Tôi không biết ai là KTS thiết kế công trình này. Đáng lẽ người trúng giải phải công bố rộng rãi để mọi người cùng biết. Người ta sẽ tự hào về tác phẩm của mình tuy nhiên tác giả của tòa tháp tôi không thấy công khai. Có thể tác giải này thiết kế theo dặt hàng cho nên mới có kiến trúc kiểu này”, TS Liêm nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàn
Báo Đất Việt