Năm 2015, Việt Nam chi khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và nếu tính luôn linh phụ kiện mặt hàng này thì đạt đến 6 tỷ USD. Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 12/2015, ước cả nước nhập khẩu đến 14.000 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng giá trị khoảng 382 triệu đô la Mỹ, nâng tổng lượng xe nhập khẩu cả năm nay lên khoảng 125.000 xe với tổng số tiền nhập khẩu lên đến 2,969 tỷ USD.
Thêm minh chứng giấc mơ ô tô Việt tan vỡ  - 0 Tổng số tiền Việt Nam chi ra để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên đến khoảng 3 tỷ USD

 

So với cùng kỳ năm ngoái, năm 2015 này tăng 76,6% về lượng xe nhập khẩu và tăng 87,7% về giá trị. Và nếu so với kết quả năm 2013 thì số tiền nhập khẩu mặt hàng này tăng đột biến. Cả năm 2013 Việt Nam chỉ chi 709 triệu USD tiền nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu dòng xe tải, trong khi các loại xe du lịch cá nhân được nhập từ các thị trường còn lại; riêng các dòng xe bán tải (xe pick-up) đang có mặt trên thị trường trong nước thì được nhập khẩu từ Thái Lan.

Năm 2015 được đánh giá là khoảng thời gian kinh doanh tốt nhất của các hãng ô tô nên các liên doanh lắp ráp ô tô trong nước cũng có mức tăng trưởng khá cao và được xem là cao nhất kể từ khi họ có mặt ở Việt Nam. Do việc nội địa hóa sản phẩm hiện nay còn thấp nên các hãng ô tô cũng phải nhập một lượng lớn linh phụ kiện ô tô về lắp ráp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy giá trị nhập khẩu linh phụ kiện ô tô trong năm 2015 này cũng nhích hơn chút ít so với số tiền nhập khẩu xe nguyên chiếc đạt khoảng 3 tỷ USD. Như vậy, tổng số tiền nhập khẩu linh kiện và ô tô nguyên chiếc của cả năm nay lên đến 6 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu tổng quát là xây dựng ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian vừa qua chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn chủ yếu hoạt động theo hình thức lắp ráp CKD đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động. Cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho phát triển ngành.

Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhận định: "Hiệu quả của ngành công nghiệp ô tô sau bao nhiêu năm đề ra mục tiêu nội địa hóa, rõ ràng rất kém hiệu quả, thị trường ô tô trong nước thấp, nên hoàn toàn bị lép vế trước thị trường nước ngoài".

Vì vậy, theo ông Doanh cần phải xác định rõ mục tiêu cụ thể, xác định rõ con đường đi của ngành công nghiệp này, nhất là sau mấy chục năm cuối cùng vẫn chỉ là thợ ăn lương hàng tháng, làm chiếc trục khuỷu.

Còn TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho rằng, bởi công nghiệp ô tô còn què quặt nên người Việt cần xác định có nên tiếp tục mơ về ô tô "made in Vietnam" không hay để giấc mơ đó cho thế hệ sau.

Minh Thái (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC